1. Tìm hiểu thông tin về nơi sắp đến

43996576_2542018.jpg
Trước mỗi chuyến đi, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin nơi đến để có kế hoạch chi tiết. Cụ thể, bạn sẽ nghỉ ngơi tại đâu, di chuyển ra sao, ăn uống các bữa chính - phụ như thế nào, giá cả tại đó đắt đỏ hay rẻ hơn so với nơi bạn đang sinh sống,… Từ đó, sẽ chủ động hơn trong chuyến đi, không gặp phải phiền toái ngoài mong muốn.

Hiện nay, nhiều diễn đàn với chủ đề về du lịch đều có thông tin hữu ích nên tham khảo trước. Đây là cách bạn trở thành người du lịch thông minh, tránh những điểm thường làm giá, "chặt chém" khách hàng.

2. Đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch sớm

Những điểm du lịch lớn thường rất đông, do đó nên chú ý đặt phòng hoặc đặt tour du lịch càng sớm càng tốt vì nhu cầu trong những ngày này tăng rất mạnh.

Đặt phòng sớm, bạn có thể lựa chọn được những phòng đẹp, chất lượng dịch vụ tốt, thuận tiện đi lại, đặc biệt có giá tốt và không bị ép giá. Công nghệ hiện đại giúp bạn có thể đặt khách sạn trực tuyến qua các website rất nhanh và đơn giản.

Nếu đặt tour sớm khi du lịch dịp lễ bạn còn có thể được nhận nhiều ưu đãi về giảm giá hay một được hưởng một số dịch vụ miễn phí đi kèm…

3. Không nên đi theo "cò"
Hầu hết ở các điểm du lịch đều có “cò” nên bạn nhất định phải thật tỉnh táo để tránh bị “cò” dụ dỗ. “Cò” là yếu tố giúp cho các chủ quán ra sức “chặt chém” khách du lịch. Có rất nhiều loại, từ “cò” xe ôm, “cò” taxi, “cò” khách sạn, “cò” quán ăn, “cò” các shop… Vì đã được thỏa thuận trước về số tiền bo khi “câu được khách” nên các “cò” thường ra sức chèo kéo khách bằng mọi giá. Trong những trường hợp đó, bạn nên cẩn thận vì có nhiều trường hợp khách bị “tiền mất tật mang”. 

4. Chọn những nhà hàng, quán ăn được niêm yết giá

Để tránh trường hợp bị "chặt chém", nên chọn những nhà hàng, quán ăn đã được niêm yết sẵn về giá cả. Trước khi gọi món, hãy xem giá tiền, hỏi kỹ về các phụ phí "trên trời" có bị tính kèm không như tiền ghế ngồi, tiền ô che nắng, tiền khăn giấy, thuế, phí phục vụ…  

Ngoài ra, không nên tin tưởng vào hóa đơn của nhà hàng bởi sai sót luôn có thể xảy ra. Các chủ hàng tại các điểm du lịch thường có chiêu trò khác nhau để bàn ăn của bạn tăng thêm vài món, dù bạn không gọi. Vì vậy, bạn nên rà soát lại hóa đơn trước khi thanh toán.  

5. Mua đặc sản tận gốc

Hãy ghé vào các làng nghề địa phương để mua sắm các món đồ lưu niệm và tìm mua các sản vật tươi ngon. Khi mua tận gốc hàng hóa giá cả bao giờ cũng rẻ hơn, đồng thời bạn có cơ hội tìm hiểu về cách làm ra những món hàng độc đáo, chất lượng cao.

6. Không ngại mặc cả

Điều cần thiết khác khi bạn đi du lịch là không ngại mặc cả. Thông thường các du khách là nam giới có thể ngại trả giá nên họ thường mua sản phẩm đắt hơn và người bán cũng không tiếc ra giá cao. Còn phụ nữ nên lưu ý để có thể đưa ra giá phù hợp để có thể sở hữu món đồ ưng ý.

Ở một số nơi, bạn phải trả giá giảm 50 -70% so với giá người bán, nhưng có nơi chỉ cần giảm 10 - 20%,... Nếu bạn không tinh ý sẽ rất dễ bị mua món hàng với giá "trên trời" và rơi vào cảm giác đang bị lừa.

7. Chuẩn bị những vật dụng cần thiết

Du lịch dịp lễ nên chuẩn bị những vật dụng như đồ bơi, kính râm, nón mũ, vì khi mua những thứ này tại khu du lịch thường có giá đắt gấp đôi hoặc gấp ba. Đấy là chưa kể những sản phẩm tại khu du lịch thường có mẫu mã không phong phú, chất lượng không tốt, không phù hợp với phong cách của bạn.

Nếu có điều kiện, hãy nhớ mang theo nước uống và đồ ăn dọc đường đề phòng trường hợp nhà hàng ăn cách xa khu du lịch.

8. Lưu những số điện thoại phòng thân

Bạn hãy lưu trong danh bạ những số điện thoại khẩn cấp để phòng trường hợp cần gọi tới. Những số điện thoại bạn cần là: Đường dây nóng phản ánh về tình trạng du lịch của địa phương, cảnh sát khu vực, khách sạn nơi bạn trọ… để phòng lúc bị trộm cắp hay quấy rối./.