Đỉa nhân tạo, lưỡi cưa, dụng cụ kẹp nghiền là những thiết bị được các bác sĩ thời Trung cổ sử dụng phổ biến trong quá trình điều trị bệnh.
Đỉa nhân tạo: Vào thế kỷ 19, thiết bị xy-lanh kim loại có nhiều lưỡi dao này được sử dụng thay thế đỉa sống khi chúng không có sẵn. Các lưỡi xoay của nó cắt vào da, trong khi phần ống hút máu ra. Một dụng cụ tương tự có tên là "dao rạch nông" sử dụng tới 10 lưỡi gắn lò xo. Những lưỡi dao nhanh chóng cắt vào da, sau đó toàn thiết bị được làm nóng để tạo ra chân không. Dụng cụ thoát vị: Nhận ra cơ thể con người thường có thể tự phục hồi tốt hơn so với chữa trị, các bác sĩ sử dụng một dụng cụ đặc biệt để điều trị chứng thoát vị vào những năm 1850. Khi chữa những tổn thương của mô cơ, họ chèn dụng cụ thoát vị vào khu vực này. Dụng cụ được đặt vào mô cơ khoảng một tuần trong lúc chờ mô sẹo hình thành phía trên và phần thoát vị liền lại. Cưa y tế: Từ thời kỳ chưa có kháng sinh đến nay, nhiễm trùng luôn là lý do chính để cưa bỏ các bộ phận cơ thể. Các bác sĩ thời trung cổ thường sử dụng lưỡi cưa có đường viền trang trí, rãnh và nhiều thiết kế khác. Tuy nhiên, kiểu lưỡi cưa này lại là nơi thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Dụng cụ kẹp nghiền: Được sử dụng vào thế kỷ 19, dụng cụ này được sử dụng để bóp khối u ở cổ tử cung và buồng trứng cũng như chữa bệnh trĩ. Phần vòng dây được đặt vào cuống hay chân của bộ phận muốn loại bỏ. Các bác sĩ sẽ thắt chặt dần để cắt rời bộ phận đó hoặc cắt đứt nguồn cung cấp máu của nó, khiến cho nó tự rụng. Dụng cụ lấy mũi tên: Vào thế kỷ 16, đối với những bệnh nhân bị trúng tên, các bác sĩ không rút mũi tên ra. Thay vào đó, họ kẹp trục mũi tên ở giữa của một dụng cụ loại bỏ tên có hình dáng giống cái kéo. Nhưng khác với kéo, các lưỡi sắc của dụng cụ quay ra ngoài. Các lưỡi dao này sẽ cắt vào da để đầu mũi tên có thể được lấy ra mà không gây nhiều tổn thương dưới da. Phễu soi mỏ vịt: Phễu soi mỏ vịt được dùng để quan sát cơ quan sinh sản của phụ nữ. Vào thế kỷ 17, nó có hình giống lá xà lách lộn ngược. Khi một đầu được đưa vào trong âm đạo, bác sĩ sẽ xoay tay quay ở đầu kia để mở rộng đường sinh dục nhằm quan sát tốt hơn. Kim tiêm: Kim tiêm thời Trung cổ có cấu tạo rất đặc biệt. Với phần thân ống và kim tiêm dài mỏng, chúng to hơn nhiều so với kim tiêm ngày nay. Chúng được sử dụng vào thế kỷ 16 để tiêm thủy ngân điều trị bệnh giang mai mà các thủy thủ thường mắc phải. Nó là kim tiêm niệu đạo, vì vậy thủy ngân được tiêm trực tiếp vào dương vật. Theo VNE