Các nhà nghiên cứu cảnh báo trong 10 người sẽ có khoảng 4 người thuộc nhóm không đáp ứng tốt với vắc xin. Bởi vậy, nhiều nước đã lên kế hoạch tiêm mũi vắc xin tăng cường vào mùa Thu này.

Theo đó, những người mắc các bệnh như ung thư máu, bệnh gan, viêm khớp... ít có khả năng được bảo vệ trước Covid-19 nhờ vắc xin.

Đại học Glasgow, Đại học Birmingham đã tiến hành nghiên cứu quy mô rộng trên toàn Vương quốc Anh để đánh giá hiệu quả của vắc xin ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Chương trình sử dụng một loạt các xét nghiệm miễn dịch hiện đại thực hiện trên các mẫu máu lấy trước và sau khi  tiêm vắc xin Covid-19 ở khoảng 600 người. Dữ liệu ban đầu cho thấy, 40% số người tham gia có đáp ứng miễn dịch thấp sau khi tiêm vắc xin.

Ngoài ra, khoảng 11% bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch không tạo ra bất kỳ kháng thể nào trong 4 tuần sau khi tiêm vắc xin. Tỷ lệ không tạo ra kháng thể cao hơn ở một số nhóm bệnh nhân, đặc biệt ở những người bị viêm mạch ANCA đã được điều trị bằng thuốc Rituximab.

56807069_882021.jpgTiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 4 tại TP. Vinh. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Những người mắc các bệnh dưới đây có mức kháng thể thấp hơn so với người khỏe mạnh dù cùng được tiêm vắc xin:

- Bị viêm mạch ANCA đang điều trị bằng Rituximab - 90%

- Viêm khớp - 54%

- Chạy thận nhân tạo - 21%

- Bệnh gan - 51%

- Ung thư vú, tiền liệt tuyến… 17%

- Ung thư máu - 19%

- Ghép tủy xương - 33%

Caroline Donoghue là cán bộ truyền thông và kiến thức khoa học cấp cao tại tổ chức nghiên cứu ung thư máu, Myeloma UK, Donoghue cho hay:  “Một số bệnh nhân u tủy, đặc biệt là những người đang điều trị, không đáp ứng tốt với vắc xin Covid-19. Một số người tạo ra lượng kháng thể thấp hơn rõ rệt hoặc thậm chí không có kháng thể sau khi chủng ngừa. Bởi vậy, bệnh nhân u tủy vẫn sống trong tình trạng thấp thỏm, không biết liệu vắc xin có giúp họ chống lại Covid-19 hay không”.

“Tuy nhiên, rõ ràng có sự gia tăng đáp ứng miễn dịch từ liều đầu tiên đến liều thứ 2 ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Điều này cho thấy họ có thể hưởng lợi từ liều thứ 3”.

Một nghiên cứu mới đã được tiến hành để tìm hiểu liệu mũi tiêm nhắc lại có tạo ra sự khác biệt cho những người phản ứng kém sau 2 liều vắc xin không.

Bộ trưởng Y tế Anh, Sajid Javid, nhận định chương trình tiêm nhắc lại đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những người có nguy cơ cao.

Ông nói: “Vắc xin đã xây dựng một bức tường phòng thủ vững chắc ở Anh và điều này cho phép hầu hết chúng ta học cách sống an toàn với Covid-19”.

“Chúng tôi biết một số người có thể nhận được ít sự bảo vệ từ vắc xin hơn những người khác. Vì vậy, chúng tôi đang lên kế hoạch cho một chương trình chủng ngừa tăng cường vào mùa thu, ưu tiên những người có nguy cơ cao”.