(Baonghean) - Bộ máy truyền thông khổng lồ của Trung Quốc mở hết công suất quảng bá chính sách đối ngoại “đẹp đẽ” nói trên của lãnh đạo Trung Quốc ra khắp năm châu bốn biển.
 
 
images1057218_123.jpgĐến năm 2025, Trung Quốc sẽ xây dựng số tòa nhà chọc trời đủ để đặt vào 10 thành phố cỡ New York. Ảnh: reds.vn
 
Cải cách kinh tế 
 
Một trong những thành công quan trọng của Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đã thống nhất cao trong toàn Đảng trong việc đánh giá đúng những khó khăn, thách thức về kinh tế, về xã hội, về chính trị nội bộ mà Trung Quốc đang đối mặt. Đây cũng là những vấn đề mà thế hệ lãnh đạo thứ năm với Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường làm hạt nhân phải tìm giải pháp vượt qua để đưa công cuộc cải cách, mở cửa tiếp tục phát triển.
 
Kinh tế phát triển theo mô hình “quảng canh” đã đến giới hạn cuối cùng và để lại hậu quả: Chất lượng phát triển rất thấp, vừa phung phí các nguồn lực vừa tàn phá môi trường sinh thái.
 
Chạy theo tăng trưởng với tốc độ cao nhằm mục tiêu nhanh chóng vượt Pháp, vượt Anh, vượt Đức, vượt Nhật, vượt Mỹ bằng mọi giá bất chấp hậu quả chính trị - xã hội khôn lường. Và cái gì phải đến đã đến: Phân hóa giàu nghèo lớn nhất thế giới; bất công, bất bình đẳng trong thu nhập giữa các nhóm dân cư nhất thế giới; tham nhũng, tha hóa trong bộ máy công quyền cũng thuộc hàng đầu thế giới (trong hàng ngũ các nước phát triển và mới nổi), và tất cả đều dẫn đến bất bình của người dân, xã hội bất ổn. 
 
Thế hệ lãnh đạo thứ năm sau Đại hội XVIII sẽ làm gì và làm như thế nào?
 
Có hai vấn đề mà Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cùng với các cộng sự không thể lảng tránh, đó là cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Cả kinh tế và chính trị Trung Quốc đang ở giai đoạn “nút thắt cổ chai” cản trở sự phát triển. Điều đó ai cũng biết, Đại hội XVIII đã xác định và đi đến thống nhất chung chung là phải tiếp tục cải cách kinh tế và cải cách chính trị.
 
- Về kinh tế, phải chuyển mô hình phát triển từ phát triển theo chiều rộng (quảng canh) với tốc độ cao sang phát triển theo chiều sâu (thâm canh) hay phát triển xanh, phát triển bền vững với tốc độ vừa phải (khoảng 6 -7% /năm) hướng tới khắc phục ba không (không cân bằng, không hợp lý, không bền vững) và giảm thiểu tai biến môi trường và bất bình đẳng xã hội. 
 
Thật ra không phải đến Đại hội XVIII (11/2012) Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đề ra chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Cách đây đúng 20 năm, sau chuyến đi thị sát các địa phương phía Nam, Đặng Tiểu Bình đã có bài phát biểu quan trọng yêu cầu phải chuyển đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Đại hội XIV (1992) đã đưa vào nghị quyết nhiệm vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, rồi Đại hội XV (1997), Đại hội XVI (2002), Đại hội XVII (2007), tiếp tục thể hiện quyết tâm chuyển từ mô hình “quảng canh” sang mô hình “thâm canh”. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc như con ngựa bất kham, hai chục năm chạy theo tăng trưởng tốc độ cao bất chấp hiệu quả kinh tế và không quan tâm việc phá hủy môi trường và bất bình đẳng xã hội. 
 
Hai chục năm, qua 5 kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn không chuyển được mô hình phát triển kinh tế. Đến Đại hội XVIII (11/2012), hậu quả về chính trị nội bộ, về xã hội, về môi trường sống, như quả bóng, phình to ra, dồn Đảng Cộng sản Trung Quốc vào chân tường không còn chỗ húc, không có thời gian để trì hoãn và cải cách kinh tế trở thành một tất yếu khách quan.
 
Trung Quốc chuyển mô hình phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu đảm bảo bền vững, hiệu quả trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Mỹ, Nhật, EU, ba thị trường xuất khẩu chủ yếu của Trung Quốc đang trì trệ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Trung Quốc. Từ năm 2009, Trung Quốc chuyển hướng kích thích nội nhu để bù đắp vào giảm sút xuất khẩu vào Mỹ, Nhật, EU. Nhưng hơn 400 triệu người có thu nhập chỉ dưới 1.500 USD/năm, thì nhu cầu nội địa cũng rất hạn chế và bài toán kích thích nội nhu là cực kỳ khó giải.
 
Nếu không chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu, phát triển xanh, phát triển cân đối và bền vững thì không có cơ sở để thu hẹp phân hóa giàu nghèo, để giảm bất bình đẳng xã hội, để bảo vệ môi trường sống. Việc chuyển đổi mô hình phát triển nói thì dễ, làm thì cực khó, nhưng không thể không làm.
 
Một điều cần đặc biệt lưu ý là: Từ sau Đại hội XVIII, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Vấn đề này chắc chắn tác động rất lớn, chủ yếu theo hướng tiêu cực, đến an ninh tài chính - tiền tệ Việt Nam. Ngân hàng, Bộ Tài chính và các cơ quan tham mưu chiến lược cần nghiên cứu dự báo sớm để chủ động ứng phó, nếu không Trung Quốc sẽ chi phối nền kinh tế Việt Nam (khi đã lệ thuộc về kinh tế thì làm gì có độc lập về chính trị và không thể bảo vệ được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia). 
 
Cải cách chính trị
 
Từ năm 2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đề cập đến cải cách chính trị. Ba năm trước Đại hội XVIII tại nhiều diễn đàn công khai, Ôn Gia Bảo đã hơn một chục lần phát biểu mang tính kêu gọi phải cải cách chính trị và nếu không cải cách chính trị thì mọi thành quả có nguy cơ sẽ tiêu tan. Ngày 21/8/2010, trong chuyến thăm Thâm Quyến, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi: “Phải thúc đẩy cải cách chính trị. Không có sự đảm bảo của cải cách thể chế chính trị, thành quả cải cách kinh tế sẽ biến mất... Phải bảo đảm quyền dân chủ và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
 
Phải giải quyết về mặt chế độ vấn đề quyền lực tập trung quá mức, nhưng lại không bị chế ước, phải tạo điều kiện để nhân dân phê bình và giám sát chính quyền, kiên quyết trừng phạt tham ô, hủ bại, phải xây dựng một xã hội chính nghĩa công bằng, đặc biệt là phải bảo đảm sự công bằng về mặt tư pháp...”. 
 
Ngày 27/8/2010, tại Hội nghị công tác hành chính theo pháp luật toàn quốc, Ôn Gia Bảo đã đề cập nhiều vấn đề khá cụ thể về cải cách chính trị và một số ý kiến của ông có giá trị như những triết lý hành chính “Công khai, minh bạch, để quyền lực được vận hành dưới ánh sáng mặt trời là đặc trưng quan trọng của chính phủ hiện đại” và “Nhân dân có hài lòng hay không là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá mọi hành vi của chính phủ”. 
 
Ngày 27/10/2010, Nhân dân Nhật báo có bài bình luận với nội dung, về cơ bản, phủ định lời kêu gọi cải cách chính trị của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Bình luận của Nhân dân Nhật báo thể hiện quan điểm chính thống của tập thể Bộ Chính trị, trong đó có Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Nghĩa là, Ôn Gia Bảo là thiểu số, thậm chí là “đơn phương độc mã” như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, trong việc yêu cầu tiến hành cải cách chính trị. 
 
Như vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc, trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII với hạt nhân là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã thống nhất xác định chính trị đã trở thành nút thắt cản trở sự phát triển và cần tiến hành cải cách chính trị. Nhưng thế hệ lãnh đạo thứ năm sau Đại hội XVIII chắc chắn sẽ không làm mạnh, làm một cách cơ bản và triệt để như ý tưởng của Triệu Tử Dương trước đây hay Ôn Gia Bảo hiện nay, mà làm từ từ theo phương châm “dò đá qua sông” túc tắc từng bước một. Có thể họ sẽ lựa chọn những vấn đề vừa sức và không gây xáo trộn, đột biến để giải quyết như: mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng, tăng quyền hạn cho Ủy ban Giám sát kiểm tra kỷ luật và cơ quan chống tham nhũng, hủ bại, mở rộng việc thi tuyển vào cơ quan công quyền và yêu cầu những ứng viên vào vị trí lãnh đạo các cấp phải trình bày phương án lãnh đạo, quản lý của mình tiến tới cho các ứng viên tranh luận bảo vệ đề án của mình... Nếu làm được những việc này sẽ có tác dụng tích cực, giảm bớt bất bình xã hội, tạo điều kiện cho cải cách kinh tế.
 
Cải cách chính trị là một vấn đề lớn, cực kỳ hệ trọng và làm rung chuyển hệ thống chính trị. Chỉ có trí tuệ và bản lĩnh như Đặng Tiểu Bình mới có thể thực hiện cải cách chính trị một cách cơ bản. Thế hệ lãnh đạo sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có thể làm những việc nhỏ, đi từng bước, cố giữ cho ổn định bên trong, cho dù đó là sự ổn định chính trị - xã hội giả tạo. Và khi nào xã hội căng thẳng cận kề có thể bùng nổ không kiểm soát được thì lãnh đạo Trung Quốc sẽ đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài bằng cách vu cáo Việt Nam hay Philipines, Nhật Bản, Ấn Độ đang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền thiêng liêng của Trung Quốc trên khu vực biển đảo. Từ đó kêu gọi người dân hãy kìm nén hoặc gạt bất bình sang một bên để tập trung lực lượng chống ngoại xâm. Đây là món sở trường của lãnh đạo Trung Quốc (1). 
 
Trung Quốc với Việt Nam và thế giới
 
Từ 1/10/1949 đến nay, 5 thế hệ lãnh đạo từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình luôn công khai bố cáo với thế giới: Trung Quốc phát triển hòa bình, Trung Quốc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, Trung Quốc không can thiệp và công việc nội bộ của các nước, Trung Quốc mong muốn thiếp lập quan hệ bình đẳng, hữu nghị, hợp tác phát triển hai bên cùng có lợi với các nước, nhất là đối với các nước láng giềng của Trung Quốc.
 
Bộ máy truyền thông khổng lồ của Trung Quốc mở hết công suất quảng bá chính sách đối ngoại “đẹp đẽ” nói trên của lãnh đạo Trung Quốc ra khắp năm châu bốn biển.
 
Lãnh đạo Trung Quốc đã, đang và tiếp tục lặp lại “bài ca muôn thuở” nói trên.
 
Lãnh đạo Trung Quốc đã làm như họ nói?
 
65 năm (kể từ 1/10/1949), lãnh đạo Trung Quốc đã phát động 7 cuộc chiến tranh xâm lược và xung đột quân sự với 4 nước láng giềng:
 
1956 Trung Quốc đánh chiếm một số đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (do Việt Nam Cộng hòa Sài Gòn quản lý).
 
1962 Trung Quốc xâm lược Ấn Độ trên tuyến biên giới Ấn - Trung. 
 
1969 Trung Quốc chủ động xung đột quân sự với Liên Xô. 
 
1/1974 Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (do Việt Nam Cộng hòa Sài Gòn quản lý).
 
17/2/1979 Trung Quốc đem sáu chục vạn quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
 
14/3/1988 Trung Quốc đánh chiếm 6 đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
 
1995 Trung Quốc đánh chiếm đảo Vành Khăn của Philippines.
 
Đó là 7 cuộc chiến tranh xâm lược và xung đột quân sự mà Trung Quốc đã gây ra với các nước láng giềng, trong đó 4/7 cuộc xâm lược Việt Nam. Xin lưu ý: Trước các cuộc xâm lược và xung đột quân sự nói trên, Ấn Độ, Liên Xô, Việt Nam và Philippines không hề có hoạt động nào đe dọa xâm phạm hoặc trực tiếp xâm phạm an ninh quốc gia của Trung Quốc. 
 
Ngoài 7 cuộc chiến tranh và xung đột quân sự do Trung Quốc phát động nói trên, Trung Quốc đã có hàng trăm hành động đe dọa hoặc trực tiếp xâm phạm độc lập, chủ quyền của các nước láng giềng, chủ yếu đối với Việt Nam, Ấn Độ.
 
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô N.Khơrútsốp đã nới: Chỉ những kẻ ngu mới tin lãnh đạo Trung Quốc, họ luôn nói một đằng, làm một nẻo.
 
Cuộc điều tra của hãng BBC Worrld Service giữa năm 2014 cho kết quả:
 
Tại Nhật Bản, chỉ 3% số người được hỏi ủng hộ Trung Quốc, hơn 90% có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc (thấp nhất kể từ 1946).
 
Toàn châu Á: 73% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra mọi rắc rối, bất ổn trong khu vực.
 
Tại CHLB Đức, trụ cột của châu Âu, chỉ 10% số người được hỏi nhìn Trung Quốc với cặp mắt tích cực, 76% số người được hỏi ghét cay ghét đắng Trung Quốc.
 
Trong các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc là cường quốc cô độc nhất, ít thiện cảm nhất trong con mắt của cộng đồng quốc tế, nhất là ở châu Á.
 
“Tham vọng của Trung Nam Hai rất lớn và Bắc Kinh không từ bỏ một âm mưu nào để tiến tới mục đích giành vị thế cường quốc cao nhất trên thế giới”, và “Quân khủng bố không có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới. Tham vọng từ phía Trung Quốc nghiêm trọng và hủy diệt trật tự thế giới” (2).
 
Đó là tham vọng và Trung Quốc có thể đạt được nếu trung thành với đường lối “phát triển hòa bình”. Nói cách khác, “phát triển hòa bình” là con đường độc đạo để Trung Quốc trở thành cường quốc toàn cầu và phát huy ảnh hưởng của mình ra toàn thế giới.
 
Chệch ra khỏi con đường “phát triển hòa bình”, Trung Quốc sẽ lao xuống vực thẳm và mộng bá vương sễ tan như bọt xà phòng!
 
Hà Nội, 1/10/2014 
 
PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương
-----------------------------------
 
1. Hơn ba năm “Đại nhảy vọt” (1958 - 1960), 37, 57 triệu người  Trung Quốc bị chết đói. Trung Quốc bên bờ vực khủng hoảng. Để xoa dịu trong nước, Mao đã phát động chiến tranh xâm lược Ấn Độ vào 1962. 10 năm cách mạng văn hóa (1966 - 19760, Mao đã giết hại 20 triệu người và đày đọa 80% đảng viên trung kiên. Xã hội Trung Quốc một lần nữa rơi vào hỗn loạn. Để xoa dịu mâu thuẫn nội bộ, Mao đã chủ động gây xung đột quân sự với Liên Xô vào 1969.
 
- Năm 1979 Mao chết, bè lũ 4 tên, trong đó có vợ bé của Mao bị hạ bệ, Đặng lên nắm quyền (1977) trong bối cảnh khá hỗn loạn, để dẹp yên trong nước Đặng Tiểu Bình đã phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
 
2. TTXVN: TTKTG 2/8/2007