nguyen_thanh_tien6674397_9112021.png

Năm 1961, tôi tốt nghiệp Trường Trung cấp chuyên nghiệp ở Ty Giao thông Nghệ An. Thời điểm này Báo Nghệ An cũng vừa được thành lập. Lúc này một thanh niên tuổi 20 mới ra trường, việc tích lũy thêm kiến thức để mình trưởng thành là điều tôi rất mong muốn. Tôi rất chăm đọc báo, trước hết là đọc tờ Báo Nghệ An, ấn phẩm ngôn luận của Đảng bộ tỉnh. Sau đó tôi trưởng thành trong công tác Đoàn thì có đọc thêm tờ báo Tiền Phong của Trung ương Đoàn. Tôi coi hai tờ báo này là người thầy của mình vì giúp tôi tích lũy được rất nhiều kiến thức thực tiễn, kiến thức về văn hóa, chính trị. Từ năm 1965 tôi bắt đầu viết bài cộng tác với Báo Nghệ An và được Báo chăm lo, đào tạo, dìu dắt, nhất là sự giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Hường - Tổng Biên tập đầu tiên. Đến năm 1987 tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công về làm Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An, tiếp đó sau từ năm 1994 đến năm 2000 tôi được phân công làm Tổng Biên tập Báo.

Trong quá trình phát triển vẻ vang của mình, Báo Nghệ An đã trải qua vô vàn khó khăn. Và trong bất kỳ thời kỳ nào, khó khăn gian khổ ra sao, tờ báo của Đảng bộ tỉnh nhà vẫn giữ vững được định hướng chính trị, thực sự là công cụ của Đảng, của chính quyền và diễn đàn của Nhân dân. Tập thể đoàn kết gắn bó, tâm huyết, bám sát cơ sở, luôn luôn lao động sáng tạo hết mình để có những tác phẩm tốt phục vụ cho đông đảo công chúng, bạn đọc. Tuy là tờ báo địa phương nhưng mà tay bút, tay nghề, tài năng của anh em phóng viên Báo Nghệ An là điều khiến chúng ta rất đỗi tự hào.

Một tờ báo muốn đứng vững và phát triển phải có lực lượng cộng tác viên chất lượng, đông đảo. Tôi rất mừng vì chúng ta có một đội ngũ cộng tác viên rất tâm huyết, đông đảo, nhiều tay viết có dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Sự bùng nổ thông tin hiện nay rất khốc liệt, tôi mong Báo Nghệ An tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ, quyết liệt; làm chủ công nghệ hiện đại. Chúng ta tự hào về đội ngũ phóng viên trẻ tài năng, nhưng nhất định chúng ta không được bằng lòng mà phải nhìn nhận thấu đáo, khách quan và khiêm tốn để không ngừng bồi dưỡng, đào tạo, rèn dũa đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Chúng ta phải nỗ lực để tờ báo mãi mãi xứng đáng với truyền thống của một Đảng bộ giàu văn hóa, giàu tinh thần yêu nước, giàu tinh thần cách mạng với nhân dân cần cù, dũng cảm./.

Nói đúng ra thì Báo Nghệ An tính mốc xây dựng là năm 1930, từ khi tỉnh ta có ấn phẩm “Nghệ An Đỏ”. Tôi về báo là lúc 40 tuổi, lúc đấy tôi nghĩ làm sao mình có thể kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Báo Nghệ An. Tôi với anh em xây dựng một chiến lược phát triển Báo Nghệ An. Báo in tăng từ 3 số lên 4 số/1 tuần; mở thêm ấn phẩm Nghệ An Cuối tuần, rồi chuyên trang Dân tộc - Miền núi; tiếp đó là thực hiện đề án xây dựng Báo Nghệ An điện tử và Đề án xây dựng trụ sở mới của Báo Nghệ An. Chúng tôi cũng tập trung xây dựng Bộ Quy chế Báo Nghệ An. Quy chế này được coi là “bộ luật” của Báo trong đó các thành viên phải tuân thủ. Tôi nhớ rất rõ, khi Báo Nghệ An có bộ quy chế thì nhiều báo bạn như Báo Thái Nguyên, Báo Quảng Ninh, Báo Thanh Hóa và một số báo khác nữa đã xin bộ quy chế để tham khảo. Và họ cho biết Bộ quy chế của Báo Nghệ An rất dễ áp dụng và khoa học.

Hôm nay chúng ta kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Báo Nghệ An, theo các cụ quan niệm, sáu mươi là lên lão, nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn còn trẻ lắm, và sức trẻ này cộng với bề dày truyền thống vẻ vang, kinh nghiệm làm báo chắc chắn Báo Nghệ An của chúng ta sẽ bước vào một thời kỳ phát triển mới. Thậm chí tôi nghĩ, chúng ta bước vào một cuộc đổi mới. Và cuộc đổi mới này sẽ vượt qua chính mình, vượt qua khó khăn, thách thức.

Đây là thời kỳ chúng ta gọi là xã hội số, truyền thông số, chính phủ số và truyền thông đa phương tiện cạnh tranh với mạng xã hội và các phương tiện trên Internet. Điều này đòi hỏi Báo Nghệ An không chỉ đổi mới tư duy mà còn phải nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, trình độ làm báo hiện đại; tác nghiệp nhanh, chính xác, sắc bén. Làm báo Đảng không những đúng mà phải hay, hấp dẫn, lan tỏa, kéo độc giả về phía mình.

Tôi xin gửi lời tri ân các bậc tiền bối, những người tuổi đã cao cũng như những người đã khuất, các liệt sỹ và các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên qua các thời kỳ. Mong Báo Nghệ An mãi như tuổi hai mươi.

Tôi về công tác tại Báo Nghệ An khi tòa soạn đã được định hình về cơ sở vật chất, về lực lượng cũng như là phong cách làm báo của một tờ báo mạnh trong top các tờ báo Đảng địa phương. Khi đó Báo Nghệ An đã ra báo ngày, đã có báo điện tử và có đội ngũ ban biên tập, phóng viên, nhân viên được đào tạo bài bản, rất giỏi trong chuyên môn. Tôi nhận thấy được làm việc với những người tâm huyết, một môi trường tốt với thương hiệu là tờ báo Đảng uy tín thì là cơ hội rất tốt để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đó có thể nói đó là những năm tháng hết sức bổ ích, để lại những dấu ấn khó quên trong đời làm báo của tôi.

Sau khi chuyển sang  nhiệm vụ mới, tôi luôn đồng hành, dõi theo sự phát triển của Báo Nghệ An và tôi rất ấn tượng với việc ban đầu báo chỉ ra một tuần 3 đến 4 số và chỉ có 4 trang, thì nay Báo Nghệ An đã ra 8 số báo/tuần và mỗi số báo có 8 trang (ngoài ra còn số báo Cuối tuần và chuyên trang Miền núi - Dân tộc).

Có thể nói, đó là một bước phát triển vượt bậc về kinh nghiệm, về thực tiễn và về năng lực làm báo. Cái năng lực ấy không phải ở đâu cũng có thể làm được bởi nó đòi hỏi tiềm lực, lực lượng, sức mạnh về trí tuệ mới có thể làm được như thế.

Các đồng nghiệp của tôi ở nhiều địa phương đánh giá rất cao ấn phẩm báo Nghệ An điện tử. Và xem đây là kênh thông tin đa dạng, phản ánh tốt mọi mặt không chỉ trên địa bàn Nghệ An mà còn của cả nước. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được các cuộc điện thoại của bạn bè, đồng nghiệp khen cách làm của báo Nghệ An điện tử. Có người còn nói: “Báo Nghệ An “của anh” làm khá thật, chúng tôi thường xuyên theo dõi học tập”.

Những năm 2010, 2011 truyền thông số và truyền thông xã hội phát triển ồ ạt, thực tế này đòi hỏi chúng tôi phải đổi mới phong cách làm báo. Cứu cánh của chúng tôi lúc đó là mô hình tòa soạn hội tụ. Chúng tôi tự mày mò, học hỏi và viết ra bản Đề án Tòa soạn hội tụ đa phương tiện. Thực tế cho thấy, điều kiện để làm một cuộc “cách mạng” lúc bấy giờ ở Báo là phải thay đổi tư duy, nhận thức. Từ sự tin tưởng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tin tưởng của đội ngũ cán bộ, phóng viên đơn vị, chúng tôi mạnh dạn triển khai tất cả các ý tưởng; tích hợp tất cả các ý tưởng của người lớn tuổi, người trẻ, kể cả những bạn mới chập chững vào nghề. Đến năm 2013, mô hình tòa soạn hội tụ của Báo Nghệ An đã vận hành, hoạt động trơn tru. Những cán bộ, phóng viên từng nghĩ mình không thể đáp ứng được quy trình làm báo mới thì đã làm rất tốt.

Năm 2015, Báo Nghệ An vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là niềm tự hào, vinh dự không phải của một giai đoạn mà của cả một hành trình 60 năm.

Tôi rất tự hào khi tôi có một phần cuộc đời với 30 năm gắn bó với Báo Nghệ An, được đồng hành với những người làm báo Đảng tỉnh nhà. Đến bây giờ tôi chuyển sang lĩnh vực mới, công việc mới, tôi thấy những kinh nghiệm trong đời làm báo cho tôi một hành trang giàu có để tôi phát huy, vững vàng trong công tác. Tôi biết ơn những năm tháng ở trong mái nhà Báo Nghệ An./.