Vài kỷ niệm nhỏ
Cách đây hơn nửa thế kỷ, do có cha làm cán bộ, chúng tôi đang học phổ thông đã được đọc báo Nghệ An. Mỗi tuần báo ra 1 số, 4 trang, khổ nhỏ. Những ngày lễ, Tết, báo thường in chữ Nghệ An màu đỏ, còn lại vẫn màu đen. Do công nghệ in lúc bấy giờ, ảnh lòe nhòe, vừa xem vừa tưởng tượng. Hồi đó, sách báo hiếm lắm nên mỗi khi có báo là chúng tôi thường đọc báo cho ông nội nghe,...
Mỗi khi đọc báo, bắt gặp những tác giả quen biết thì lấy làm ngưỡng mộ lắm. Cũng vì vậy mà học cấp 2, cấp 3, tôi đã viết báo. Viết thì nhiều mà chỉ năm 1972, được báo Thiếu niên Tiền Phong in vài câu đố chữ, năm 1976, Báo Nghệ An in một bài nhỏ, tôi đã mừng lắm. Thời trẻ, tôi thích được làm nhà báo lắm nhưng do thiếu thông tin, thiếu hướng dẫn nên mơ ước không thành!
Đi làm cán bộ, học theo những người đi trước, mỗi buổi sáng tôi thường điểm tin qua các báo. Bài nào cần thiết, liên quan đến huyện thì đọc ngay. Tôi vẫn giữ thói quen lưu giữ những bài hay, những tư liệu quý trên báo và những số báo có bài của mình.
Ở huyện, hàng tháng chúng tôi đều có báo cáo tình hình phát hành báo Đảng trên địa bàn; chỉ đạo nghiêm việc đặt và làm theo báo Đảng, hồi âm với báo. Hàng quý đều có thông tin tình hình, biểu dương những đơn vị làm tốt, nhắc nhở và có những giải pháp với những nơi làm chưa tốt.
Có lần, xã nọ chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập xã. Đồng chí Bí thư Đảng ủy đến mời tôi viết một bài nói về xã. Ngày nghỉ, tôi mời một phóng viên “gạo cội” của Báo Nghệ An lên, cùng phóng viên đến xã, đến các công trình mới làm, tiếp xúc với nhiều đồng chí đảng viên cao tuổi, cán bộ nghỉ hưu, cán bộ chuyên trách rồi mới làm việc với lãnh đạo xã. Một bài viết khá công phu, dày dặn, kèm ảnh đăng trang nhất Báo Nghệ An.
Càng yêu quý, càng muốn Báo Nghệ An sắc hơn, thiết thực hơn
Mỗi khi ra ngoài tỉnh, tôi hay mua báo của tỉnh bạn để xem. Nói công bằng, Báo Nghệ An có quyền tự hào là một trong những tờ báo địa phương nổi trội cả nội dung và hình thức. Nghệ An là tỉnh sớm có báo in, báo điện tử; nhật báo in tới 8 trang, hình thức đẹp, in với số lượng lớn. Nội dung báo khá rộng, phong phú, có nhiều chuyên mục “cứng”, có nhiều bài chất lượng, để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Đội ngũ quản lý, phóng viên, biên tập viên bản lĩnh vững vàng, tâm huyết, sắc sảo, luôn giữ “đạo nhà”. Có rất nhiều nhà báo, nhà quản lý, nhà khoa học nổi tiếng trong và ngoài tỉnh cộng tác, viết bài cho báo. Báo xứng đáng với danh hiệu cao quý - Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Nhu cầu ngày càng cao đòi hỏi báo không ngừng năng động, sáng tạo và đổi mới. Có thể nêu lên vài ý nhỏ:
Báo “lành nhưng phải mạnh”:Báo Đảng là tiếng nói của cấp ủy, chính quyền, diễn đàn của Nhân dân. Đối với những vụ việc tiêu cực đã được kết luận và xử lý, nên có những phóng sự điều tra, những bài viết nêu cụ thể vụ việc - đó là mảng nhiều người theo dõi. Thiết nghĩ, đó cũng là một sự thật, để lại những bài học thiết thực đối với cán bộ, đảng viên. Trên báo đã có nhưng chưa nhiều, chưa tương xứng với công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực trong nước, trong tỉnh và nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Nên có thêm chuyên trang, những số đặc biệt:Trước đây, Báo Nghệ An có những chuyên trang về một ngành, một huyện nào đó. Trong chuyên trang có bài của phóng viên (thường là những phóng viên có uy tín), có bài của lãnh đạo địa phương, đơn vị. Báo nên khôi phục và nâng chất lượng chuyên mục này. Khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh có lịch làm việc hoặc nhân dịp ngày truyền thống của địa phương đơn vị, đều có phóng viên đến dự, đưa tin. Những dịp đó, thay vì tường thuật, đưa tin giản đơn, báo nên mời các chuyên gia giỏi, nhà báo giỏi, phối hợp với địa phương, đơn vị ra số đặc biệt, các chuyên trang. Nội dung, ngoài cái hay, cái được, cần phân tích thấu đáo những tiềm năng, những cái chưa được, cần tập trung giải quyết. Làm được như vậy thì vị thế của báo được nâng lên.
Cần thêm nhiều bài viết của lãnh đạo tỉnh: Báo không chỉ là diễn đàn của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà mà còn là phương tiện chỉ đạo hiệu quả của các nhà lãnh đạo. Những người làm báo và đọc báo chắc không thể quên những năm tháng trên báo Nhân Dân có những bài báo ngắn, đầy quyền lực “Những việc cần làm ngay” của N.V.L - bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Hồi đó, người ta photo, chuyền tay nhau đọc. Hiệu ứng xã hội rất lớn, nhiều vụ việc được xử lý chóng vánh. Những bài báo đã làm cho những “người trong cuộc” được nhắc đến lo lòng mà làm ngay. Cán bộ, đảng viên, Nhân dân thấy phấn khởi, đón nhận, tin tưởng.
Nhật báo không chỉ là một món ăn tinh thần mà là vũ khí tư tưởng sắc bén, hiệu quả. Thay vì những bài lý luận dài dòng, nếu người lãnh đạo chọn những nội dung, những vụ việc bức xúc, nổi cộm, “nghĩ sâu, nói thẳng, viết ngắn, chỉ đạo dứt điểm” sẽ tạo ra những việc “làm thật”, dứt điểm trong tỉnh. Cũng không cần cầu kỳ, văn chương, lý luận, có khi là chuyển tải thông điệp sự chỉ đạo đối với một ngành, một tổ chức, một địa phương hay một số cá nhân nào đó đã có trong văn bản, nhưng khi lên công luận, sẽ có thêm sự giám sát của cộng đồng, mở rộng dân chủ. Hiệu quả sẽ được nâng lên.
Nên chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ “Hồi âm với báo”: Không để vụ việc báo nêu lên lại chìm đắm trong “sự im lặng đáng sợ”.
Học những cái hay, cái tốt của các bậc tiền bối thì đúng và nên làm, không có gì phải “xấu hổ”?
Báo Nghệ An nên tổ chức những cuộc thi đọc và làm theo báo:Công chúng góp phần quan trọng làm nên sức sống của tờ báo. Hàng năm, báo nên tổ chức các cuộc thi. Nội dung nên phù hợp với số đông người đọc. Nên để công chúng góp ý, bình chọn những chuyên mục, những bài hấp dẫn, có tổng kết, trao giải để khuyến khích người viết, người đọc./.