1. Đồ handmade bạn làm có gì đặc biệt?
Trước khi tạo sản phẩm hãy khảo sát một lượt các cửa hàng đồ handmade phổ biến hiện nay, điều tra xem họ đang bán gì, đồ nào đang “hot”, đồ nào là mặt hàng chủ lực của họ. Dĩ nhiên đừng bỏ qua sở thích của đối tượng khách hàng bạn đang hướng tới; chỉ cần hỏi han chính bạn bè xung quanh cũng đủ biết họ muốn một sản phẩm thế nào.
Hãy nhớ, làm đồ handmade phải sáng tạo, sáng tạo và liên tục sáng tạo. Sản phẩm của bạn phải là duy nhất, như vậy mới đủ hấp dẫn khách hàng.
2. Bạn có thể làm được bao nhiêu sản phẩm?
Vì xác định kinh doanh ít vốn nên hầu hết mọi người đều tự làm đồ handmade để bán hoặc huy động bạn bè, người thân cho tiết kiệm. Tuy nhiên, bạn phải nghĩ đến một vấn đề khi làm thủ công như thế, mỗi ngày bạn tạo được tối đa bao nhiêu sản phẩm đạt chuẩn?
Dù mới đầu ít khách một mình bạn vẫn lo được, nhưng khi phát triển quy mô cần phải tính cách thuê thêm nhân công hoặc đặt bên khác làm để đáp ứng đủ nhu cầu cho người mua...
3. Chi phí chính xác cho 1 sản phẩm khi đến tay khách là bao nhiêu?
Nhiều người khi bắt đầu kinh doanh đồ handmade chỉ tính đến khoản mua nguyên liệu, thấy ít nên nghĩ rằng tổng chi phí sẽ thấp. Đến khi bắt tay vào làm mới phát hiện vốn ban đầu không đủ, bán xong lãi chưa đủ bù lỗ.
Chi phí chính xác cho một sản phẩm khi đến tay khách thường gồm các khoản sau:
Chi phí mua nguyên vật liệu; Chi phí mua giấy gói quà (hoặc túi, bao bì,…); Phí vận chuyển (nếu khách ở xa)
Tiền công thực hiện (dù tự bạn làm hay thuê người khác thì vẫn phải cộng vào từng sản phẩm)
Chi phí thuê mặt bằng (nếu kinh doanh truyền thống); Chi phí làm website (nếu kinh doanh online); Chi phí tiếp thị (quảng cáo trên Google, Facebook, tờ rơi,…)
4. Bạn chọn kinh doanh online hay truyền thống?
Giai đoạn đầu không có vốn nhiều người thường chọn kinh doanh online vì sẽ tiết kiệm được phí thuê mặt bằng, tận dụng khả năng tiếp cận khách hàng trực tuyến. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất lại là phí vận chuyển, vì giá của đồ handmade thường không cao nên đôi khi khách ở xa phải chịu tiền giao hàng còn đắt hơn tiền mua sản phẩm.
Về lâu dài thì phương thức này cũng lộ nhiều yếu điểm, đặc biệt trong việc xây dựng thương hiệu, vì dù sao người mua vẫn tin tưởng một cửa hàng có thật hơn cửa hàng ảo.
5. Bạn sẽ tiếp thị bằng cách nào?
Ngoài cách tiếp thị truyền thống hiện nay còn có nhiều phương pháp quảng cáo trực tuyến khác cũng rất hiệu quả, như quảng cáo trên Google, Facebook, đăng tin rao vặt, đăng ký bán voucher,… Mặc dù cùng có chung hiệu quả nhưng mỗi phương pháp lại phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau; bạn nên cân nhắc để chọn cách tiếp thị tối ưu nhất.
6. Bạn có biết chụp ảnh sản phẩm không?
Dù chọn kinh doanh online hay truyền thống thì chụp ảnh sản phẩm vẫn là việc rất quan trọng, phục vụ cho quá trình quảng cáo sản phẩm. Đừng nghĩ rằng chỉ chụp bừa vài tấm ảnh để chứng tỏ hàng thật, giá thật là được, bạn cần phải học cách sắp xếp, chỉnh sáng để bức ảnh quảng cáo phảng phất ý đồ nghệ thuật, nâng sản phẩm của bạn lên tầm cao hơn.