37552170_1282018.jpg
Ơ-rê-ka! Bạn vừa nảy ra một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời (hoặc ít nhất bạn cho là vậy) trong khi đang làm việc̣. Thế nhưng, liệu ý tưởng đó có thật sự tuyệt vời và xứng đáng để bạn triển khai hay không? Đừng lo lắng, 5 câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý tưởng kinh doanh của mình cũng như xác định xem nó có đáng để theo đuổi hay không?

1. Bạn có thể đăng ký bản quyền hay bảo hộ mô hình kinh doanh của mình không?

Hãy tưởng tượng mô hình kinh doanh của bạn giống như một tòa lâu đài và bạn cần phải đào những hào nước sâu xung quanh để bảo vệ nó. Hào nước càng rộng, càng sâu và nếu có thêm cả cá sấu dưới đó thì càng tốt. Và, chiếc hào đó đại diện cho những chướng ngại vật mà bạn tạo ra để chống lại các đối thủ phải muốn cạnh tranh trực tiếp với mô hình kinh doanh của mình.

Một trong những ví dụ điển hình cho cái hào nước sâu chính là tấm bằng sáng chế, chứng chỉ độc quyền, hoặc những thông tin độc nhất để ngăn không cho đối thủ sao chép mô hình kinh doanh của bạn.

Dù vậy, nếu "tòa lâu đài" của bạn thiếu mất đi một cài hào kiên cố thì cũng không sao cả. Nhiều công ty cung cấp sản phẩm đã thành công mà chỉ cần ít hoặc thậm chí không cần bất kì cái hào bảo vệ nào cả. Tuy nhiên, nếu công ty của bạn không có hào bảo vệ, và bạn cũng không có câu trả lời tích cực cho những câu hỏi dưới đây, thì hãy cân nhắc xây dựng lại ý tưởng kinh doanh của mình.

2. Ngành bạn dự định triển khai ý tưởng có sở hữu nhiều quy định nghiêm ngặt không?

Các quy định nghiêm ngặt sẽ có lợi hơn nếu bạn là một người tiêu dùng, vì khi đó, chúng sẽ bảo vệ quyền lợi của bạn. Thế nhưng, khi điều hành một doanh nghiệp, các quy định lúc này lại trở nên tốn kém và đi cùng với rất nhiều sự cản trở.

Không phải ngẫu nhiên mà các ngành như chăm sóc sức khỏe hay chính phủ lại thường thiếu sự đổi mới. Trên thực tế, những quy định, chính sách và bộ máy quản lý cồng kềnh là nguyên nhân làm nhụt chí hầu hết người làm kinh doanh. Sẽ chẳng có một doanh nhân nào lại mong muốn tham gia vào một thị trường mà trong đó, các quy định sẽ nuốt hết lợi nhuận của họ cả.

Cách đơn giản nhất để biết một ngành kinh doanh có sở hữu nhiều quy định nghiêm ngặt hay không là hỏi những người đã hoạt động trong ngành đó từ trước. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tìm hiểu về những quy định của chính phủ có liên quan đến ngành công nghiệp đó. Và, nếu như bạn nhận thấy có ít quy định liên hệ trực tiếp tới ngành kinh doanh của mình, thì bạn đã có thể thở phào nhẹ nhõm được rồi.

3. Ý tưởng này đã được thực hiện chưa? Nếu có, các doanh nghiệp khác đã triển khai nó như thế nào?

Nhìn chung, có 2 loại thị trường mà bạn có thể triển khai ý tưởng kinh doanh của mình. Một là “đại dương xanh” - nơi bạn không hề bắt gặp bất kì đối thủ cạnh tranh nào. Hai là “đại dương đỏ” - nơi có hằng hà sa số các đối thủ. Lý tưởng nhất, công ty của bạn nên hoạt động trong vùng “nước lợ” - khoảng giữa của hai vùng đại dương xanh và đỏ.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, việc tạo ra một thị trường hoàn toàn mới có thể là một ý tưởng tồi. Bởi lẽ, khi đó bạn sẽ cần phải làm cho khách hàng hiểu sản phẩm của mình; đồng nghĩa với việc phải chi mạnh tay cho ngân sách marketing cũng như phải sở hữu một vài công cụ có tính viral cao để tiếp cận khách hàng.

Hãy tìm kiếm những đối thủ tiềm năng hoặc những công ty đã từng hoạt động trong thị trường của bạn trước khi họ chuyển sang thị trường khác hoặc chấm dứt kinh doanh. Nếu bạn tìm thấy một hoặc hai doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt, và dư địa thị trường cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn vẫn còn rất lớn, thì đó là một dấu hiệu tốt.

4. Chi phí ban đầu để triển khai ý tưởng của bạn có lớn không?

Dù không cần phải nói ra, song tốt hơn cả là bạn nên tránh những ý tưởng kinh doanh đòi hỏi chi phí triển khai lớn. Tuy nhiên, cũng có một vài lưu ý sau đây:

Thứ nhất, chi phí ban đầu để triển khai ý tưởng chỉ là một thước đo mang tính tương đối. Phần lớn các doanh nghiệp đều sẽ cần một khoản tiền nhất định để có thể khởi nghiệp.

Thứ hai, tiêu tốn chi phí ban đầu để triển khai ý tưởng không hoàn toàn là một việc xấu; chi phí ban đầu lớn có thể giúp bạn chiếm được thị phần nhanh hơn, nhờ vào các khoản đầu tư từ sớm.

Thứ ba, chi phí ban đầu lớn sẽ không thành vấn đề đối với các mô hình kinh doanh sở hữu nguy cơ thất bại thấp; hoặc chí ít nó sẽ không phải là chuyện gì đó quá to tát nếu bạn là mẫu người chấp nhận sự mạo hiểm.

Với những điều đã nói trên, bạn cần phải ước lượng được chi phí cần thiết để có thể thành công triển khai ý tưởng của mình trước khi thực sự làm điều đó.

5. Bạn có thể sử dụng khả năng chuyên môn của mình để mang lại lợi thế cho công ty của mình không?

Quay trở lại chuyện cái hào nước, nếu bạn có một số kỹ năng chuyên môn hiếm có, thì doanh nghiệp của bạn sẽ ở trạng thái tốt hơn là khi bạn cần phải học một số kỹ năng nhất định có liên hệ đến thành công của công ty. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không cần phải học những kỹ năng mới khi bắt đầu kinh doanh. Mấu chốt ở đây là việc xây dựng một doanh nghiệp dựa theo thế mạnh của bạn sẽ giúp gia tăng khả năng thành công của doanh nghiệp đó theo thời gian.

Nếu bạn nghĩ mình cần phải học thêm nhiều kỹ năng khác cần thiết cho sự thành công của doanh nghiệp, hãy cân nhắc cộng tác cùng một nhà sáng lập nữa hoặc chiêu mộ một số nhân viên có tài ngay từ những ngày đầu.

Lời kết: Thành công xây dựng và phát triển một doanh nghiệp, từ giai đoạn ý tưởng cho tới khi IPO, chưa bao giờ là việc dễ dàng . Đại đa số các công ty nhỏ sẽ thất bại trong vòng 10 năm sau khi thành lập. Song, nếu bạn biết cẩn thận chăm chút cho ý tưởng của mình trước khi thực sự triển khai chúng, xác suất thành công của bạn chắc chắn sẽ được nâng cao.