(Baonghean.vn) - Trong mưa bão, cần chủ động phòng tránh 5 tai nạn sau.

» Nắm rõ 4 nguyên tắc để không bao giờ bị sét đánh

1. Đuối nước

Đuối nước là tai nạn thường xảy ra trong mùa mưa bão, nhất là những người sống gần sông, ngòi, hồ đập... Mưa bão thường làm cho nước sông, suối, ao, hồ dâng cao, chảy xiết, làm thay đổi dòng chảy bình thường nên người qua lại các khu vực này rất dễ bị tai nạn.

images2003488_1.jpgHạn chế tối đa đi qua những nơi ngập nước, chảy xiết. Ảnh minh họa.

Để phòng chống đuối nước cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, chảy xiết; trong mùa mưa bão nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người (để tương trợ nhau lúc cần thiết). Trang bị kiến thức bơi lội và nắm kỹ năng xử lý khi bị đuối nước hoặc gặp người bị đuối nước. 

2. Tai nạn giao thông

Đường trơn trợt, điều khiển phương tiện vội vàng:Mưa bão cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông hàng năm. Mưa gây ảnh hưởng rất lớn đến tầm quan sát của người lái xe. Trời mưa, người đi đường thường có thói quen điều khiển phương tiện vội vàng để tránh mưa, trong khi đó mặt đường thì trơn trợt nên rất dễ dẫn đến tai nạn.

Mưa nhiều còn làm cho hệ thống đường bị ngập nước và ngày càng xuống cấp. Trong trường hợp này, người lái xe thường có thói quen tránh chỗ nước ngập nên lấn sang phần đường bên trái và gây tai nạn hoặc tự té. 

Đường phố ngập trắng nước, người tham gia giao thông không biết đâu là đường, đâu là hố ga để tránh. Ảnh minh họa.

Sập hố ga, "ổ gà, ổ voi": Tình trạng hố ga mất nắp hiện này cũng đang là mối quan nguy hiểm rình rập khi mùa mưa bão về. Đường phố ngập trắng nước, người tham gia giao thông không biết đâu là đường, đâu là hố ga để tránh. Hay những đoạn đường xuống cấp tạo ra những "ổ gà, ổ voi" cũng là mối nguy tương tự.

Cây đổ: Mưa lớn, gió giật mạnh khiến cho cây ven đường bật gốc, gãy đổ đè lên người và phương tiện đang lưu thông trên đường.  

Mưa bão làm cây ven đường bật gốc, gãy đổ, dễ dấn đến tai nạn thương tâm. Ảnh minh họa.

Để đề phòng tai nạn giao thông trong mưa bão thì tuyệt đối không đi ra ngoài khi mưa to gió lớn.

Nếu trường hợp phải ra ngoài, cần chú ý: khi tham gia giao thông trong điều kiện trời mưa phải quan sát kỹ, lái xe cẩn thận, không lấn đường, không phóng nhanh, vượt ẩu, không trú ẩn dưới những gốc cây có dấu hiệu xiêu vẹo, bật gốc; phương tiện phải đảm bảo an toàn các điều kiện về thắng, đèn tín hiệu và vỏ xe khi tham gia giao thông.

Quan sát phương tiện, người đi trước để có thể chủ động tránh những bất trắc.

3. Tai nạn thương tích 

Là các thương tích thường do nhà đổ, cây ngã đè lên người, do té ngã khi sữa chữa nhà ở, chống bão cho nhà ở…dẫn đến gãy xương, vết thương phần mềm, chấn thương nặng...

Để phòng chống các thương tích này chúng ta cần chú ý: không đi ra ngoài khi mưa to gió lớn; không trèo lên sửa chữa nhà khi chưa chắc chắn an toàn; chủ động phòng chống bão trước khi bão đổ bộ vào khu vực sinh sống.

4. Bị sét đánh

Sét thường xuất hiện trước, trong, thậm chí cả sau cơn mưa. Nó là một dòng điện cực mạnh và kim loại lại dẫn điện rất tốt. Dòng điện này có cường độ từ vài chục nghìn tới hơn một trăm triệu vol. Khi phóng tia lửa điện, nhiệt độ tia lửa điện do sét gây ra có thể lên tới hàng nghìn độ C. 

Tốt nhất, khi mưa bão, bạn hãy tránh xa những vật dụng như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, cuốc, liềm... vì chúng dẫn điện rất tốt.

Ô có chứa kim loại nên cầm ô đi giữa trời giông dễ bị sét đánh. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, cầm ô cũng được coi là một "cột thu sét" do chứa kim loại. Do đó, khi trời mưa có sấm sét, bạn đừng dại cầm ô ra đường; tuyệt đối không nên trú mưa dưới gốc cây.

Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết.

5. Tai nạn điện

Bảo trì thường xuyên hệ thống điện góp phần giảm tai nạn điện mùa mưa bão. Ảnh minh họa.

Mùa bão, lũ, hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó có hệ thống điện thường bị ảnh hưởng: đứt dây dẫn điện, nghiêng và ngã trụ, cháy nổ các thiết bị điện, nước lũ hoặc sạt lở đất cuốn trôi các trụ điện,… Bên cạnh đó, còn nhiều sự cố như cây ngã vào lưới điện; gió bão cuốn các biển quảng cáo, mái tôn, rơm, rạ vào dây dẫn điện; nước dâng làm ngập và sạt lỡ công trình điện,… gây ra không ít mối hiểm họa, nguy hiểm cho người dân.

Để phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão, nhằm đảm bảo tài sản cũng như tính mạng và sức khỏe, người sử dụng điện cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Không mắc dây điện trên cành cây, vách lá, mái nhà… dễ gây chạm chập, cháy nổ; không dựng ăng ten gần đường dây điện. Không dùng điện để chống trộm, bẫy chuột, rà cá…

Không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới trạm biến áp; Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, hòm công tơ, hộp cầu dao, cầu dao, cầu chì không có nắp che…; Không lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây điện băng qua); Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời; Nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn (tạt, dột);

Nên bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp; cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN