(Baonghean.vn)- Trước giờ bão số 10 đổ bộ, nhiều khu vực của Nghệ An có mưa to đến rất to.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 04 giờ ngày 15/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 190km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km.
Khoảng trưa đến chiều nay (15/09), vùng tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Đến 16 giờ ngày 15/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 đến 115 km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Thượng Lào.
Cảnh báo trên biển:Do ảnh hưởng của bão, trên các vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh cấp 8-9, sáng nay tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4).
Vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (bao gồm đảo Hòn Ngư), vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4).
Sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao trên 10m, vùng ven bờ 5-6m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng bão có khả năng cao trên 1,0m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2,0m.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ sáng nay (15/09), trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 7-9, gần trưa tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4); các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3).
Cảnh báo mưa lớn: Đến hết đêm 15/09, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm;
Từ sáng nay đến hết ngày 16/09, ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150mm, có nơi trên 200mm).
Cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng:Từ nay đến ngày 17/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Theo ghi nhận của Báo Nghệ An, trước giờ bão đổ bộ vào đất liền, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa to, gió lớn. Khu vực biển Cửa Lò, Cửa Hội, biển động rất mạnh.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, đến 18 giờ chiều qua (14/9) tất cả các tàu, thuyền trên biển Nghệ An đã vào trú tránh bão số 10 bảo đảm an toàn; trong đó: Phương tiện đang neo đậu tại bến: 3.912 phương tiện/17.848 lao động; Phương tiện neo đậu ngoại tỉnh: 104 phương tiện/693 lao động.
Tại Thị xã biển Cửa Lò,theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thị xã, trong đêm 14/9, tất cả 350 ki ốt dọc bãi tắm đã thực hiện việc vận chuyển tài sản về nhà, đồng thời chằng chéo mái tôn, tháo dỡ các biển quảng cáo để hạn chế thiệt hại nếu bão số 10 đổ bộ ở mức thấp nhất.
Tại huyện Quỳnh Lưu, 50 cán bộ, chiến sỹ thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện Quỳnh Lưu đã phân công thành 7 đoàn công tác đến 7 cụm trong huyện giúp đỡ nhân dân về chằng chống nhà cửa, chặt bớt các tán cây lớn… phòng chống cơn bão số 10.
Hiện nay tất cả tàu thuyền của Quỳnh Lưu đã về neo đậu ở những nơi an toàn.
Tại huyện Nghi Lộc, Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn huyện Nghi Lộc chỉ đạo tất cả các công chức bám địa bàn. Nhiều xã vùng biển đã di dời dân. Trong đó, xã Phúc Thọ đã di dời 105 hộ/261 khẩu thuộc các xóm 17, Bình Minh, Ngư Phong và xóm 6; xã Nghi Thuận, 70 hộ/123 khẩu giáp sông Cấm bị ngập lụt; xã Nghi Thái di dời các hộ ven sông; xã Nghi Tiến có 90 hộ/302 khẩu ở xóm 5 bị cô lập; xã Nghi Quang có 97 hộ/520 khẩu đã di dời khỏi nơi nguy hiểm; xã Nghi Thiết có 24 hộ ở xóm Rồng, Bắc Thịnh, Nam Thịnh...
N.Khoa - H.Diện - N.Tuấn