Đến bản Khe Trằng Thượng, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn ngay từ sáng sớm, chị em trong bản đã chia nhau thành 3-4 nhóm lên rừng hái măng. Chị Vi Thị Dần - người có nhiều năm kiếm sống bằng công việc hái măng rừng chia sẻ: Hàng năm, cứ đến mùa này, hầu hết chị em trong bản lại gói cơm, mang nước rủ nhau lên rừng hái măng. Để đến được nơi hái măng mọi người phải đi bộ từ sáng sớm, băng rừng hơn 1 giờ đồng hồ mới tới nơi. Gặp bữa măng nhiều chị Dần hái được 50 kg-60kg, bữa ít thì được 30 kg. Với giá hiện tại 8.000 đồng/kg măng tươi, mỗi ngày chị cũng kiếm được khoảng 400.0000 đồng.
Nhưng để hái được măng, ngoài đi xa, còn phải chịu rất nhiều “tai nạn” khác. Bà Vi Thị Lan ở bản Khe Trằng Thượng, xã Thọ Sơn chia sẻ: “Măng rừng ở Anh Sơn chủ yếu là măng tre, măng nứa, măng mét chỉ to bằng cán dao, mỏng và mềm nên bẻ loại này cũng đơn giản. Nhưng trong quá trình vào rừng hái măng, gai, gốc nứa cứa làm chân tay bị cào xước, chảy máu; rồi rừng sâu ẩm ướt nên vắt nhiều, bám vào chân người hút máu là chuyện thường”. Dù vất vả, nhưng với bà Lan và người dân trong bản, mùa này măng không chỉ là lương thực dự trữ của gia đình trong mùa mưa lũ mà còn là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
Tìm đến điểm thu mua, chế biến măng của gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở cuối bản Khe Trằng Thượng, xã Thọ Sơn, từ ngoài sân cho đến vào trong nhà tràn ngập măng. Bà Nga cho biết: “Hiện tại đã vào vụ chế biến măng khô bán Tết. Mỗi ngày gia đình bà thu mua hơn 3 tạ măng tươi của người dân trong vùng và phải huy động tới 4 người làm từ luộc măng, chẻ măng, phơi măng mới kịp. Năm nay, từ đầu vụ đến giờ gia đình bà làm được khoảng hơn 1 tấn măng khô, lượng hàng này đã được các thương lái ở huyện Đô Lương, TP. Vinh lên tận nơi lấy đi tiêu thụ”.