(Baonghean)- Trên tuyến quốc lộ 1 qua Thành phố Vinh, có 4 vị trí lắp đặt camera giám sát vi phạm an toàn giao thông đường bộ tại các ngã tư.
Bắt đầu từ ngày 7/8, Nghệ An triển khai Hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An. Đây là bước tiến quan trọng trong việc quản lý giao thông thông minh, đảm bảo công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT.
Những “cánh tay nối dài”
Thực hiện Đề án 617 về “Xây dựng Hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và các tuyến đường bộ cao tốc” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, Cục C67 đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT trên một số tuyến Quốc lộ, cao tốc như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương... và ghi nhận những kết quả tích cực.
Theo Đề án 167, tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình sẽ được lắp đặt 34 thiết bị giám sát các loại, kết nối với các trung tâm giám sát xử lý vi phạm TTATGT tại Phòng CSGT các địa phương. Tại Nghệ An, hệ thống camera lắp đặt ở 8 vị trí khác nhau (cả 2 chiều), những điểm lắp đặt đều được khảo sát và là những điểm “nóng” về giao thông. Ở thành phố Vinh được bố trí camera tại 4 điểm gồm: Ngã 4 Đại học Vinh; Ngã 4 Lê Mao kéo dài - Trần Phú; Ngã 4 chợ Vinh và Ngã 4 Nguyễn Thái Học - Quang Trung.
Mỗi camera được tích hợp phần mềm giám sát vi phạm như vi phạm tốc độ, vi phạm làn đường, quan sát và ghi nhận các hình ảnh giao thông; khả năng nhận dạng được tất cả các loại biển số phương tiện giao thông ô tô, xe máy cả ngày và đêm, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết với độ chính xác cao, giúp ích rất nhiều trong công tác phát hiện và xử lý các vi phạm về TTATGT.
Đại tá Cao Minh Phượng - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt cho biết: “Ngoài việc phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT đường bộ, hệ thống camera giám sát còn hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tiết phân luồng giao thông; lưu trữ các thông tin hình ảnh nhằm hỗ trợ công tác điều tra, tìm hiểu diễn biến và nguyên nhân vụ tai nạn, xác định được đối tượng gây tai nạn”…
Với mỗi trường hợp vi phạm, dữ liệu về phương tiện vi phạm mà camera phát hiện sẽ ngay lập tức được gửi đến máy tính bảng của các tổ tuần tra. Các tổ căn cứ vào hình ảnh để đón dừng phương tiện vi phạm rồi lập biên bản xử phạt. Với những trường hợp camera phát hiện phương tiện vi phạm mà các tổ tuần tra trực tiếp không kịp xử lý, thì camera sẽ gửi dữ liệu vào hệ thống trung tâm điều hành tại Phòng CSGT Công an tỉnh. Từ biển kiểm soát phương tiện, toàn bộ thông tin về chủ sở hữu phương tiện sẽ được hệ thống chuyển đến trung tâm điều hành. Sau đó, tất cả hình ảnh, thông tin vi phạm sẽ gửi về đúng địa chỉ đăng ký để “phạt nguội”.
Nếu chủ phương tiện vi phạm đã nhận được hình ảnh, thông báo vi phạm mà vẫn không chấp hành, Phòng CSGT sẽ phối hợp với các trung tâm đăng kiểm hoặc chính quyền địa phương áp dụng biện pháp từ chối đăng kiểm, cưỡng chế...
Tiếp tục “phạt nguội” qua camera
Sau một thời gian tạm ngừng do yếu tố khách quan, bắt đầu từ trung tuần tháng 8, Phòng CSGT Công an Nghệ An triển khai hệ thống kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm qua camera. Ban đầu sẽ thực hiện việc xử lý thông qua dữ liệu 4 camera trong thành phố, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai trên toàn tuyến quốc lộ qua địa bàn.
Ngay sau khi hệ thống đi vào hoạt động, Phòng Cảnh sát Giao thông sẽ tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông và qua các buổi tuyên truyền ở các địa phương để người dân biết và chấp hành. Đồng thời, bố trí lực lượng làm công tác giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm.
Khi lắp đặt camera “phạt nguội” thì chủ phương tiện là những người trực tiếp phải chịu phạt, vì thế chắc chắn họ sẽ phải cẩn thận hơn khi đi đường. Ngoài ra, họ cũng phải là người tham gia giám sát và chịu trách nhiệm về phương tiện của mình trong trường hợp cho mượn xe, hoặc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng phải có chế tài xử phạt đối với đội ngũ lái xe của mình... Có thể thấy, việc triển khai hệ thống camera giám sát phần nào tác động đến tâm lý, ý thức người tham gia giao thông, giúp nhiều người “biết sợ” và giảm vi phạm. Nhờ đó, trong công tác quản lý phương tiện cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Trung tá Nguyễn Trường Giang - Đội trưởng Đội Điều tra xử lý - Phòng CSGT tỉnh lý giải: “Khi sử dụng hình thức “phạt nguội”, nghĩa là chủ phương tiện sẽ là người phải chịu trách nhiệm về các vi phạm thì chắc chắn họ sẽ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục sang tên đổi chủ. Từ đó công tác quản lý phương tiện cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều”.
Ngoài ra, thực tế trên các tuyến đường hiện nay, không thiếu người tham gia giao thông “cãi chày, cãi cối” khi bị lực lượng CSGT xử lý, thậm chí có thể dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ nếu không được CSGT giải thích rõ ràng và người vi phạm thiếu kiềm chế. Bên cạnh đó, cũng không thiếu trường hợp lợi dụng các mối quan hệ để gây áp lực, nhờ vả...
Thiếu tá Đặng Văn Cường - Trạm trưởng Trạm CSGT Diễn Châu khẳng định: “Tới đây, khi sử dụng hình thức “phạt nguội” thì sẽ giải quyết được tình trạng nhờ vả. Bởi tất cả hình ảnh vi phạm đều được lưu tự động, những dữ liệu đó sẽ liên tục được cập nhật bởi Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt. Nếu vi phạm sẽ chắc chắn bị xử lý, vì thế người điều khiển phương tiện cần phải thay đổi ý thức của mình”.
Bên cạnh các lợi ích trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người điều khiển giao thông; giảm bớt áp lực cho các lực lượng tuần tra, kiểm soát thì việc lắp đặt các camera còn một lợi ích hết sức thiết thực khác. Đó là khi triển khai camera giám sát chắc chắn cung cấp rất nhiều dữ liệu quý giá cho cơ quan chức năng trong việc điều tra các vụ tai nạn, trộm cắp, cướp giật nếu có... Khi có camera, tâm lý tội phạm sẽ phải thay đổi từ đó kiềm chế nhất định các hành vi phạm tội. Và chắc chắn rằng, với hình thức “phạt nguội”, khoảng 1 triệu người đang quản lý và sử dụng hơn 1,4 triệu phương tiện trên địa bàn tỉnh phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông.
Cảnh Nam