Có nhiều kết luận đã chỉ ra rằng việc có những thói quen về tiền bạc và tài chính cũng quan trọng chẳng kém gì một công việc lương cao.
1. Có hơn một nguồn thu nhập
Rất khó để có tự do tài chính nếu bạn chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất. Chẳng may một mai công ty cắt giảm biên chế và bạn trở thành kẻ thất nghiệp, bạn sẽ phải điên cuồng lao vào vòng quay xin việc và nhìn khoản tiết kiệm ngày một vơi đi hoặc tệ hơn là ngập trong những khoản nợ nần.
Người giàu sẽ chú tâm vào việc gặt hái nhiều nguồn thu để có chỗ dựa nếu nhỡ một trong những khoản thu đó bị cắt đứt. Còn khi mọi thứ suôn sẻ, tài khoản kiết kiệm và những khoản đầu tư của bạn cũng lớn hơn trông thấy.
Vậy làm thế nào để có nhiều nguồn thu nhập?
Bạn có thể tạo thu nhập thụ động cho bản thân từ tiền cho thuê nhà, thuê phòng, lợi tức chứng khoán hoặc lãi ngân hàng.
Kiếm tiền từ đam mê hay sở thích cũng là một cách. Nếu bạn đã học Yoga nhiều năm và tự tin với khả năng của mình thì làm giáo viên dạy yoga cũng mang lại một nguồn thu đáng kể. Nhiều bạn thích công nghệ nhưng lại không nỡ bỏ công việc ổn định hiện tại. Do vậy, bạn có thể kiếm thêm từ việc làm freelancer trong ngành IT.
Những công việc làm thêm này tốt nhất là những thứ bạn thích và thoải mái khi làm. Sẽ tốt hơn nếu bạn có thể chia nhỏ và tạo những việc kinh doanh khác nhau cho đam mê của mình. Khi theo đuổi thứ mình thích, bạn sẽ quyết đoán và bền bỉ theo đuổi nó tới ngày thành công.
2. Tiêu ít hơn là kiếm được
Sống tiết kiệm là chìa khóa gây dựng và duy trì sự giàu có, hiển nhiên cũng tránh được cả những khoản nợ nần. Những nhà triệu phú đôla luôn hiểu rằng tiêu ít hơn số tiền kiếm được sẽ cho bạn nhiều cơ hội. Bạn sẽ có tiền để đầu tư, tiết kiệm hay cao cả hơn là ủng hộ cho những quỹ từ thiện. Mà tốt nhất là có thể làm cả ba điều này.
Nhiều người thành công về tiền bạc sử dụng quy tắc 70/30 có nghĩa là 30% thu nhập dành cho tiết kiệm, đầu tư và làm từ thiện bất kể mức lương cao hay thấp. Cái khó là học cách tiêu chỉ với đúng 70% lương sau thuế cho mọi khoản.
Tư duy tiền bạc này đòi hỏi bạn phải kiểm soát, đưa ra một hạn mức chi tiêu và đặc biệt là duy trì nó. Bạn cần phải học cách tiết kiệm và giữ chặt tiền trong túi. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể phải mua những đồ “cũ người mới ta” như xe cộ hay ăn cơm nhà nhiều hơn là ra hàng quán.
Một giải pháp thắt chặt chi tiêu là trước khi mua gì, hãy xác định đó là thứ bạn ‘cần’ hay là ‘muốn’. Nhóm “cần” bao gồm những thứ mà không có nó, cuộc sống của bạn bị đe dọa: cơm ăn, áo mặc, y tế, …. Trong khi chúng ta thường có xu hướng đốt nhiều tiền vào những thứ ta muốn thì người biết ranh giới hai khái niệm này chắc chắn sẽ có được khoản tiết kiệm đáng kể và không bao giờ phải nợ.
3. Bắt tiền làm việc cho bạn
Những người giàu có là những nhà đầu tư tài ba. Họ biết chìa khóa để làm cho tiền của họ làm việc liên tục bằng cách tạo ra một kế hoạch đầu tư để tạo ra sự giàu có. Kế hoạch này nên bao gồm các khoản thanh toán thường xuyên vào một quỹ tương hỗ, một tài khoản giao dịch và các tài khoản hưu trí.
Thu nhập của người giàu thường gồm cả những khoản đầu tư. Đây là số tiền bạn đầu tư vào việc tạo ra một doanh nghiệp, chẳng hạn như phát triển kinh doanh, sản xuất sản phẩm, tiếp thị và bán các dịch vụ của bạn hoặc đầu tư vào các dự án khác.
Hiển nhiên nó đòi hỏi bạn phải thường xuyên tính toán các rủi ro trong khi cân nhắc về an toàn tài chính dài lâu. Vì thế bạn nên bỏ ra 10% quỹ này để dành cho những lúc trái gió trở trời, ví như một tài khoản tiết kiệm tự động rút 10% hàng tháng từ tài khoản khác.
Bạn cũng cần phải có những hiểu biết về tài chính và kế hoạch đầu tư, điều chỉnh nếu cần nếu muốn bắt tiền làm việc cho bạn.
Có một câu nói rất hay của Jim Rohn: “Người nghèo tiêu pha thoải mái rồi tiết kiệm những đồng sót lại. Người giàu tiết kiệm rồi mới tiêu”.
4. Cho đi
Trực giác mà nói, việc hào phóng cho đi thời gian và tiền bạc có vẻ phản bác lại với tiết kiệm, nhưng nó thực chất lại là một mối đầu tư quan trọng. Cho đi là một cách bạn kết nối với cộng đồng và trở thành một phần của thứ to lớn hơn: Những điều tốt đẹp.
Đóng góp của bạn sẽ mang lại sự giàu có cho cả cộng đồng mà bạn đang sống, nó mang lợi ích cho mọi người sống trong nó. Khi bạn tình nguyện cho đi thời gian hoặc ủng hộ vật chất cho những vấn đề xã hội mà bạn thực sự quan tâm, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui và mục đích sống. Mục đích là trở thành một go-giver: người vì cộng đồng thay vì kẻ ích kỷ, bo bo cho mình. Việc đóng góp cho cuộc sống của những người xung quanh cũng là một sự đầu tư cho hạnh phúc bền lâu của bạn.
Những người giàu có thực sự là những người có tầm ảnh hưởng tới xã hội và thay đổi thế giới, là người hiểu rằng càng cho đi bao nhiêu thì những điều tốt đẹp sẽ tới với họ bấy nhiêu.