(Baonghean.vn) - Bỏ sổ hộ khẩu; Ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ; Lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương; Cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt... là những sự kiện nóng trên mạng xã hội thời gian qua.

1. Từ năm 2020 bỏ sổ hộ khẩu giấy, CMND

images2069458_1.jpgViệc bỏ sổ hộ khẩu phụ thuộc rất lớn vào việc hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 thông tin cơ bản và việc kết nối với các bộ ngành đang quản lý các thông tin khác để đơn giản hoá thủ tục, giấy tờ công dân. Ảnh minh họa

Chính phủ đã đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Theo đó từ năm 2020, công dân khi làm thủ tục hành chính chỉ cần cung cấp họ tên; mã số định danh cá nhân và chỗ ở...

Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ. 

Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn "sổ tạm trú" mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Cùng với việc bỏ "sổ hộ khẩu", các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ.

Tương tự, với phương án được Chính phủ thông qua, các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy chứng minh nhân dân (9 số) đang được thực hiện tại công an cấp tỉnh, cấp huyện cũng sẽ được bãi bỏ.

Đặc biệt, cùng với việc bãi bỏ "sổ hộ khẩu" và "giấy chứng minh nhân dân", các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân. 

Thậm chí trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú.

Như vậy, sau khi bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, người dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cá nhân. 

2. Lương giáo viên sẽ cao nhất trong hệ thống thang bảng lương

Bộ GDĐT đề xuất lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ảnh: Internet

Bộ GDĐT vừa xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành. Trong đó, điểm nổi bật là lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.

Tờ trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần hai, do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký, chỉ rõ: Lương giáo viên là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến Chính phủ.

Theo tờ trình, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương giáo viên còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục.

Điều 81 dự thảo đề xuất: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp (Nghị định 204 năm 2004), hiện có 12 bậc lương. Ở mức cao nhất là lương viên chức loại A3 nhóm 1 bao gồm kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên, giáo sư, giảng viên... cao cấp có hệ số từ 6.2 đến 8.0.

Nếu lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp thì có thể tương đương với nhóm lương viên chức của các bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên cao cấp.

Hiện nay, giáo viên trung học cao cấp thuộc loại A2 nhóm 2, hệ số lương từ 4.0 đến 6.38; giáo viên trung học loại A1, hệ số lương từ 2.34 đến 4.98. Giáo viên trung học cơ sở xếp loại A0, hưởng hệ số lương từ 2.1 đến 4.89. Giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non xếp loại B, hưởng hệ số lương từ 1.86 đến 4.06.

3. Ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ

Ảnh minh họa

Theo quy định mới, từ ngày 5/12/2017, thay vì chỉ ghi tên chủ hộ, cả gia đình sẽ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là sổ đỏ. 

Một cuốn sổ đỏ hiện có 1-2 cái tên, nhưng sắp tới có thể là 3-4 cái tên hoặc gia đình đông có thể lên tới 6-7 cái tên. Điều này liệu có hạn chế được mâu thuẫn tranh chấp đất đai khi mua bán hay lại có thêm những thủ tục phức tạp? Đó là thắc mắc và băn khoăn của nhiều người dân hiện tại.

Trong khi đó, đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, khi ghi giấy chứng nhận chỉ thể hiện thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.

Còn các thành viên khác trong hộ gia đình không có chung quyền sử dụng đất như những người không phải là nhân khẩu mà Nhà nước đã xác định để giao đất cho hộ gia đình trước đây, người không có công đóng góp để tạo lập quyền sử dụng đất của hộ... thì không ghi trên giấy chứng nhận. Như vậy, yêu cầu không buộc những ai có chung hộ khẩu đều phải ghi tên trên giấy tờ đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc ghi tên các thành viên trong gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân, minh bạch tài sản.

4. Phản ứng gay gắt đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt

Cải cách bảng chữ cái “tiếng Việt” thành “tiếq Việt”, “Luật giáo dục” thành “Luật záo zụk” của PGS.TS. Bùi Hiền.

Đề xuất cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đang tạo ra làn sóng tranh cãi lớn trong dư luận. Theo đó, ông Bùi Hiền cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...

Để chứng minh cho sự bất cập của tiếng Việt hiện tại, PGS.TS Bùi Hiền lập luận: “Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).”

Theo đó, sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

Theo PGS.TS Bùi Hiền, việc cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng, giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm được quy tắc, dễ nhớ. Tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính.

Ngay khi thông tin về ý tưởng cải tiến ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền xuất hiện trên mạng xã hội, dư luận đã tranh cãi khá gay gắt. Rất nhiều ý kiến cho rằng, tiếng Việt hiện tại không cần thiết cải tiến. Bởi lẽ nếu việc cải tiến được thực thi dẽ kéo theo những hệ lụy lớn như kho tư liệu đồ sộ trước đó không có phương án giải quyết, sự thích nghi, thay đổi nhận thức, phương pháp giáo dục, hệ lập trình trên máy tính,… sẽ trở nên rối ren, khó chấp nhận.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN