1. Khiến trẻ mất động lực học tập

171357-3.jpg

Theo một kết quả của nghiên cứu, phụ huynh tham gia vào quá trình làm bài tập của trẻ càng nhiều, trẻ sẽ càng ít hứng thú học tập.

Khi bố mẹ ngồi cạnh và chỉ cho phải làm những gì, kiểm soát từng bước và thậm chí làm giúp bài tập về nhà, trẻ sẽ không có chút động lực nào. Trong khi đó, những đứa trẻ không bị cha mẹ "thúc" học thì lại có khát khao học và mong muốn khám phá những điều mới mẻ nhiều hơn.

Bố mẹ cần nhớ chỉ giúp khi con nhờ. Ngay cả khi được nhờ, bạn cũng chỉ nên giải thích những vấn đề trẻ không hiểu, chứ không nên làm hộ. Nếu con không thể làm bài, hãy hiểu cảm xúc của con. Chẳng hạn, bạn có thể thừa nhận rằng con có quyền không muốn chép lại một đoạn văn nhàm chán hay luyện viết một chữ cái suốt 10 dòng liên tiếp. Sau đó, bạn có thể chia sẻ phương pháp riêng thường sử dụng để hoàn thành các nhiệm vụ không mong muốn.

2. Trẻ không biết chịu trách nhiệm

Bằng cách theo sát bắt con làm bài tập về nhà, kiểm soát quá trình và trừng phạt khi bị điểm kém, bạn sẽ trở thành người chịu trách nhiệm với chuyện học hành của con. Điều đó có nghĩa là cha mẹ loại bỏ trách nhiệm học hành khỏi con. Vì vậy, cha mẹ càng kiểm soát thì trẻ sẽ càng không xem đó là việc của chính mình.

Khả năng chịu trách nhiệm cho hành động của mình còn quan trọng hơn khả năng thực hiện công việc đó. Theo chuyên gia, hãy để cho trẻ thấy những hậu quả có thể xảy ra và để con chủ động lựa chọn: "Con không làm bài tập ở nhà à? Hãy tự giải thích với cô giáo của con".

3. Phá hỏng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái

"Bài tập về nhà đã xong. Mẹ khản giọng. Con gái ù tai vì nghe quát tháo. Hàng xóm được dịp học thuộc bài thơ", là một câu chuyện hài hước nhưng thực tế lại đúng như vậy, điều quan trọng là nó có thể phá hỏng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Thay vì kiểm soát từng nhiệm vụ, các nhà tâm lý học khuyên bạn xây dựng mối quan hệ với con dựa trên sự tin tưởng, dành nhiều thời gian bên nhau. Mỗi tối, khi có thời gian, bạn có thể đọc to sách khi ngồi cùng con, thảo luận những sự kiện đang xảy ra trên thế giới, bàn về những hiện tượng khoa học kỳ thú, lên lịch cho một hoạt động thú vị nào đó vào cuối tuần để kích thích sự ham học của trẻ.

Nếu bạn không sẵn sàng chấp nhận điểm kém của con, hãy tự hỏi bản thân tại sao lại quá đặt nặng vấn đề này. Trẻ thường không cảm thấy được yêu thương khi phải sống trong một gia đình mà một điểm xấu có thể thay đổi cách đối xử của mọi người dành cho chúng.

Theo các nhà tâm lý học, việc học tập là nhiệm vụ cá nhân của trẻ, trong khi nhiệm vụ cá nhân của bố mẹ là yêu thương con cái vô điều kiện, bởi tình yêu quan trọng hơn điểm số.