(Baonghean.vn) - Khác với người phàm tục, bông hồng đỏ dành cho những ai còn mẹ, bông hồng trắng như một sự tri ân, tưởng nhớ đấng sinh thành đã khuất, tu sĩ lại cài bông hồng vàng trong lễ Vu Lan.

Vu Lan báo hiếu được tổ chức vào tháng Bảy âm lịch hằng năm, trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt, mở ra mùa báo hiếu, báo ân. Đây là dịp thế hệ con cháu thể hiện tình yêu thương, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà...

Trong ngày lễ này, ngoài những nghi thức: tạ ơn, thuyết giảng về đạo hiếu, thả đèn hoa đăng... thì cài bông hồng lên áo mang ý nghĩa đặc biệt, được xem là lễ hội với người Việt nói chung và giới Tăng ni, Phật tử nói riêng. 

Sắc hồng trắng - đỏ

images1984564_k_t_qu__h_nh__nh_cho_l__vu_lan_599d57441120e.jpgNhững người còn cha, còn mẹ may mắn được cài lên ngực bông hồng đỏ. Ảnh: Internet

Nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan xuất phát từ ý tưởng của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Theo Thiền sư, bông hoa hồng trong cách nhìn của người Việt là biểu hiện của tình yêu, sự cao quý. Vì thế, loài hoa này được chọn làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật.

Với lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn nuôi dưỡng của đấng sinh thành và cài lên ngực bông hồng là tình cảm đẹp nhất và như một bài học sâu sắc về chữ "hiếu" thiêng liêng. Bởi vậy, những người còn cha, còn mẹ may mắn được cài lên ngực bông hồng đỏ và với những người không còn cha mẹ, bông hồng trắng như một sự tri ân, tưởng nhớ.

Những người không còn cha mẹ, bông hồng trắng như một sự tri ân, tưởng nhớ. Ảnh: Internet

Bông hồng vàng

Các vị tu sĩ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Họ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để "trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh". Cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác.

Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện tiền, việc đó rất là đúng, hợp với trời đất nhưng người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn. Đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.

Người tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa Vu Lan là sự giải thoát. Ảnh: Internet

Theo đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát như Vô thượng phước điền y, màu của Đất. Trên đất, chúng ta có thể dẫm, đạp, cày xới, khạc nhổ hay làm bất cứ gì...đất vẫn trơ trơ, vì đất là sức sống, là nhẫn nhục, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả. Vì coi tất cả chúng sinh là cha mẹ, là quyến thuộc, họ hàng và quan trọng nhất là những vị Phật tuơng lai.

Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ và thành tựu giải thoát.

Do vậy, dù hòa mình trong ngày Vu Lan thắng hội nhưng người tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa Vu Lan là sự giải thoát.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN