Theo cáo trạng vụ án "Vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, đất đai" xảy ra tại Đà Nẵng do VKSND Tối cao ban hành tháng 10, 29 ha đất thuộc Dự án khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, nằm trên 2 quận trung tâm Thanh Khê và Hải Châu.
Đà Nẵng kêu gọi đầu tư xây dựng Dự án khu đô thị mới Đa Phước tại quận Hải Châu và giữa năm 2006 nhận được hồ sơ đăng ký của Công ty TNHH Daewon (Hàn Quốc).
Tháng 10/2006, trước khi ban hành bản thỏa thuận nguyên tắc, lãnh đạo UBND Đà Nẵng có buổi làm việc với nhà đầu tư Công ty Daewon, tham gia có bị can Lê Cảnh Dương (Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư) và Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng 79). Các bên nhất trí, phần diện tích 29 ha dành cho việc xây dựng biệt thự và nhà liền kề, Daewon sẽ liên doanh với một công ty Việt Nam để khai thác.
Sau buổi làm việc này, ông Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011) chỉ đạo ông Lê Cảnh Dương xây dựng dự thảo thỏa thuận nguyên tắc giữa Daewon và Đà Nẵng trong việc đầu tư vào Dự án khu đô thị mới quốc tế Đa Phước. Thỏa thuận được soạn theo hướng giao khu đất xây dựng nhà biệt thự, liền kề cho Vũ "nhôm" để liên doanh với Daewon thực hiện dự án.
Cáo trạng nhận định, ngay từ đầu khi ký kết thỏa thuận nguyên tắc vào năm 2006 với công ty Daewon, ông Trần Văn Minh, Lê Cảnh Dương, Nguyễn Điểu (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) đã tạo điều kiện để Công ty cổ phần Xây dựng 79 được tham gia dự án và nhận quyền sử dụng phần diện tích 29 ha đất với giá 300.000 đồng một m2 tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngày 16/11/2006 Chủ tịch Trần Văn Minh và Daewon ký thỏa thuận nguyên tắc do Lê Cảnh Dương soạn thảo có nội dung: Đà Nẵng chấp thuận giao cho công ty Daewon thực hiện dự án khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước với quy mô dự án khoảng 204 ha. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm san lấp lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn bộ diện tích của dự án. Sau khi san lấp, chủ đầu tư sẽ bàn giao khoảng 30 ha đất để xây dựng công trình công cộng của thành phố.
Phần diện tích 174 ha còn lại, Đà Nẵng sẽ cho Daewon thuê 145 ha trong 50 năm với giá 10 triệu USD để làm khu dịch vụ thương mại và sân golf. Tiền thuê đất và mặt bằng không bị điều chỉnh trong suốt thời gian hoạt động của dự án.
Với phần diện tích khoảng 29 ha dành cho việc xây dựng biệt thự và nhà liền kề, Daewon sẽ liên kết với công ty Việt Nam để phát triển. Do hợp tác liên doanh với Daewon, Công ty CP Xây dựng 79 vì thế được nhận phần đất này, nộp 87 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Ngày 6/7/2012, Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 29 ha cho Công ty cổ phần Xây dựng 79. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cuối tháng 11/2015, Daewon đã ký hợp đồng chuyển nhượng 51% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước cho Công ty cổ phần Xây dựng 79 với giá 340 tỷ đồng.
Sau khi chuyển nhượng vốn góp, Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước đổi tên thành Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước do Vũ "nhôm" làm chủ tịch. Ngày 30/11/2015, Vũ "nhôm" ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước cho ông Võ Ngọc Châu (trú tại TP. HCM) với giá 428 tỷ đồng.
Hiện dự án 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước do ông Võ Ngọc Châu làm Tổng Giám đốc. Công ty này triển khai xây dựng nhà liền kề thương mại và chung cư cao tầng kết hợp thương mại - dịch vụ và đã chuyển nhượng 189 lô đất biệt thự, diện tích 16.600 m2 cho gần 200 khách hàng, tổng giá trị giao dịch 1.280 tỷ đồng.
VKSND Tối cao kết luận, đủ cơ sở xác định hành vi nêu trên của các bị can: Trần Văn Minh, Nguyễn Điểu, Trần Văn Toán, Lê Cảnh Dương và Phan Văn Anh Vũ đã vi phạm quy định Luật Đất đai 2003, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 11.200 tỷ đồng.
Số tiền này được tính dựa trên việc xác định giá trị thị trường của 29 ha (giữa năm 2018) là hơn 12.300 tỷ đồng trừ đi số tiền Vũ "Nhôm" nộp để được quyền sử dụng đất 87 tỷ đồng.
Đây là 1 trong 7 bất động sản và 22 nhà, đất công sản bị thiệt hại trong vụ án. VKSND Tối cao xác định vì những động cơ khác nhau, từ năm 2006 đến năm 2014, bị can Trần Văn Minh và 19 đồng phạm đã giúp Vũ "nhôm" thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác 18 nhà, đất công sản và 7 dự án đất. Hậu quả, Nhà nước bị thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng.
VKSND Tối cao truy tố 21 bị can về 2 tội"Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" (Điều 219 và 229 Bộ luật Hình sự 2015), trong đó có ông Trần Văn Minh, Nguyễn Điểu, Trần Văn Toán, Lê Cảnh Dương và Phan Văn Anh Vũ.