(Baonghean) - Cách đây 25 năm, Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chỉ thị số 83-CT/TU ngày 17/7/1991 về tiếp tục xây dựng cơ sở xã, phường an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu. Chỉ thị này cùng với một loạt các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trở thành “kim chỉ nam” để các địa phương, đơn vị trong tỉnh xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu, gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
25 năm về trước, nhắc đến huyện biên giới Kỳ Sơn, người ta nghĩ ngay đến khu vực đói nghèo, lạc hậu, là thủ phủ của cây thuốc phiện, là điểm nóng về an ninh, quốc phòng vùng biên. Ngày đó, khi cả nước đã im tiếng súng nhưng ở Kỳ Sơn, súng vẫn nổ, máu và nước mắt của các chiến sỹ vẫn phải đổ giữa thời bình. Các toán phỉ từ bên kia biên giới tăng cường hoạt động gây nên những bất ổn về quốc phòng, chính trị và kinh tế. Trước tình hình đó, huyện Kỳ Sơn đã quán triệt 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện, hạn chế di cư trái phép sang Lào; củng cố mối quan hệ Việt – Lào, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, đảm bảo bình yên biên giới, ổn định nội địa... Cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang tỉnh, quân khu và sự đồng thuận của người dân các dân tộc, huyện biên giới Kỳ Sơn từng bước bình yên, phát triển, trở thành điểm sáng của tỉnh Nghệ An về xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện, cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu.
Đồng chí Vi Hòe, người từng có thời gian dài làm nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, nay là Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn khẳng định, cách làm của Kỳ Sơn là dựa vào nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Nhờ tích cực bám dân, bám bản nên các lực lượng vũ trang cũng như chính quyền địa phương cơ sở của huyện Kỳ Sơn đã kịp thời phát hiện và xử lý những phát sinh ở các bản làng vùng biên. Cũng nhờ dựa vào dân mà các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến kịp thời. Hiện nay, bên cạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới thì Kỳ Sơn đang tiếp tục duy trì có hiệu quả các đội dân quân tự vệ ở khu vực biên giới. Với phương châm “tĩnh vi nông, động vi binh”, lực lượng dân quân tự vệ đang trở thành những tấm lá chắn vững chắc ở vùng biên của xứ Nghệ.
Năm 2009, huyện Quế Phong thực hiện di dời dân tái định cư khu vực lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Có 1.362 hộ dân với 5.236 nhân khẩu sinh sống ở 14 thôn, bản của 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ phải di dời đến nơi ở mới. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn của huyện, bởi hầu hết người dân không muốn rời quê hương, bản quán. Trong khi đó các bản cách xa nhau, địa hình bị chia cắt bởi núi cao, khe sâu, điều kiện thông tin liên lạc hết sức hạn chế nên việc tuyên truyền, vận động bà con dân bản gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong giao cho Ban chỉ đạo xây dựng cơ sở an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu huyện mà trực tiếp là Ban CHQS huyện nghiên cứu nội dung, hình thức, phương pháp và tổ chức lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân tái định cư. Nhận nhiệm vụ, Ban CHQS huyện Quế Phong đã cử tổ công tác gồm 15 đồng chí, cùng với lực lượng phối hợp của Bộ CHQS tỉnh xuống cắm bản vùng lòng hồ. Ròng rã trong nhiều tháng trời, các cán bộ thuộc tổ công tác đã đến và gặp gỡ từng gia đình, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân và thấu hiểu những khó khăn của bà con dân bản.
Phương án được đưa ra là phải xây dựng một bản điểm về di dời dân và bản Nong Đanh, xã Đồng Văn được chọn làm điểm. Vừa di dời ở Nong Đanh, tổ công tác vừa mời người dân các bản khác đến tham quan, đồng thời từng bước tuyên truyền, vận động người dân ở các bản khác như Huồi Muồng, Piêng Văn, Piêng Nùng (xã Đồng Văn), Bản Lốc, xã Thông Thụ lần lượt di dời... Với phương châm “mưa lầm thấm lâu”, dựa vào dân, thấu hiểu và chia sẻ cùng nỗi vất vả của bà con, đến năm 2010, Quế Phong chính thức hoàn thành việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ, đảm bảo kế hoạch tích nước, ngăn dòng của đại công trường Thủy điện Hủa Na.
Cùng trong thời điểm năm 2009 - 2010, ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong có 116 hộ người Mông từ Lào hồi cư gây ra những xáo trộn về cuộc sống và tạo nên một số mâu thuẫn với người dân sở tại. Ban chỉ đạo xây dựng cơ sở an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu huyện Quế Phong tiếp tục vào cuộc. Vừa bám 2 bản Huồi Mới 1, Huồi Mới 2, các đồng chí trong Ban CHQS huyện Quế Phong vừa tích cực vận động, hòa giải các mâu thuẫn giữa người Mông hồi cư và người Mông sở tại, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về Luật Biên giới quốc gia, giúp đỡ các gia đình khó khăn về nhà ở. Mặt khác, vận động các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc giúp đỡ nhân dân, làm được 7 nhà tạm, quyên góp 30 triệu đồng giúp đỡ đồng bào Mông ổn định cuộc sống, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả ở Tri Lễ để giúp đồng bào vươn lên... Những việc làm đó nhanh chóng được người dân ủng hộ và vùng biên giới Tri Lễ dần đi vào ổn định, bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Nếu như Kỳ Sơn, Quế Phong là những điển hình của việc dựa vào dân để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh biên giới, thì ở các huyện đồng bằng, thành thị, bài học xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã trở thành phương châm đúng đắn, sáng tạo của các địa phương. Tại Hội nghị tổng kết 25 năm xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu toàn tỉnh, khi nói về những kinh nghiệm của Thành phố Vinh, đồng chí Võ Viết Thanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh cho rằng, bài học đầu tiên của Thành phố Vinh trong suốt 25 qua chính là phải gần dân, bám dân, dựa vào dân cùng với đó là thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, gắn kết phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, kinh nghiệm hay của huyện Hưng Nguyên là tăng cường giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở, tạo sự đồng bộ, đoàn kết trong nhân dân, kịp thời động viên, khuyến khích những cách làm hay, sáng tạo của người dân để tạo nên thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Đại tá Hà Tân Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định, sau 25 năm xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện, cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu, Nghệ An đã đạt được những thành tích nổi bật, toàn diện trên cả 5 lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ; hệ thống chính trị cơ sở cơ bản đã xử lý tốt các vấn đề cấp bách nảy sinh ở cơ sở, tập hợp được sức mạnh quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các địa phương ngày càng được củng cố, phát triển có chiều sâu. Các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như “Dòng họ tiêu biểu về ANTT”, “Câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Xã sạch về ma túy”, “Tiếng kẻng bình yên”... tiếp tục phát huy hiệu quả. Việc phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh cơ sở được chú trọng. Phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia đã được duy trì phát huy, hệ thống chính trị vùng biên giới được tăng cường và đảm bảo. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 137 cụm an toàn làm chủ liên xã. Có 201 huyện, thành, thị thực hiện giao ban cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu 3 tháng/kỳ, 1 huyện tổ chức giao ban hàng tháng... “Việc xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu thực chất là quá trình tích lũy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân là nền tảng xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc”, Đại tá Hà Tân Tiến khẳng định.
Nguyên Khoa