Các chuyên gia cho rằng, cần mở rộng đối tượng được trợ giúp là người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em
Hiện cả nước có khoảng 20% dân số cần trợ giúp xã hội, trong đó chủ yếu là người cao tuổi (chiếm trên 10% dân số). Đây là con số được đưa ra trong Hội thảo tham vấn xây dựng đề án đổi mới và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2030, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hôm nay tại Hà Nội.
Hiện có hơn 2,6 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, (chiếm gần 3% dân số); Hơn 400 cơ sở bảo trợ xã hội thường xuyên nuôi dưỡng , chăm sóc 41 nghìn người, trong đó có trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, tâm thần…Chính sách trợ giúp đột xuất từng bước đảm bảo ổn định đời sống dân sinh và khắc phục hậu quả thiên tai. Từ năm 2015, mức chuẩn trợ cấp xã hội được nâng lên 270.000 đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2010 nhưng mới chỉ đảm bảo về lương thực.
Dự thảo Đề án Đổi mới và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, đặt ra mục tiêu, trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có 4% dân số được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Ít nhất 50% người cao tuổi không có người phụng dưỡng, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quản lý, tư vấn chăm sóc từ các cơ sở trợ giúp xã hội. Cùng với đó, 70% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trung tâm công tác xã hội hoạt động và đảm bảo cứ 2.000 người dân có ít nhất một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.
Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia cho rằng, cần mở rộng đối tượng được trợ giúp là người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em; phát triển mạng lưới cán bộ công tác xã hội chăm sóc tại gia đình, gắn kết trợ giúp xã hội với bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa hình thức trợ giúp xã hội để người được trợ giúp có thể phát triển kinh tế…Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết: “Chúng ta hướng tới mục tiêu để cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người và đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân. Theo đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cung cấp các dịch vụ xã hội và xây dựng cơ sở quốc gia về trợ giúp xã hội…thể hiện cho được quan điểm đổi mới, nội dung đổi mới và hướng tới mục tiêu mà chúng ta đã đề ra”./.
Theo VOV