Vâng, tôi cũng là nạn nhân nhưng may mắn là còn sống để tập tễnh đi viếng đám tang một người bạn bị chết vì tai nạn giao thông trên đường chúc Tết về.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 5 ngày Tết (từ 26.1 đến 30.1 - tức từ ngày 29 đến mùng 3 Tết) toàn quốc xảy ra 192 vụ tai nạn giao thông, làm chết 118 người, bị thương 197 người.

Một con số thống kê liên quan từ ngành y tế, số khám, cấp cứu vì tai nạn giao thông cũng lên đến 16.700 trường hợp (tổng hợp số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, bao gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến một trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện).

Trong đó có 8.936 trường hợp va chạm nhẹ đến kiểm tra được xử trí và cho về trong ngày, có 5.055 trường hợp (30%) phải nhập viện điều trị nội trú, có 1.251 trường hợp chuyển tuyến trên điều trị (7%). Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 73 trường hợp.

148582040637594-docbao2226-696x463.jpgTrong 5 ngày Tết (từ 26.1 đến 30.1 - tức từ ngày 29 đến mùng 3 Tết) toàn quốc xảy ra 192 vụ tai nạn giao thông, làm chết 118 người, bị thương 197 người.

Vâng, tôi cũng là một trong số trường hợp tai nạn giao thông nêu trên nhưng may mắn là không tử vong để mà còn sống để tập tễnh đi viếng đám tang một người bạn bị chết vì tai nạn giao thông trên đường chúc Tết về. Có vẻ như hầu hết đều liên quan đến rượu bia và văn hóa xe máy. Trường hợp của tôi cũng vậy.

Tôi đi chúc Tết nhà người thân và gặp ngay mấy người bạn học cũ, những ly bia dường như không đủ hâm nóng tình cũ nghĩa xưa nên gia chủ đem ra cặp rượu “uống sạch mới về”.

Tại bàn tiệc, chừng như mọi việc đều ổn, nhưng khi leo lên xe chạy vấn đề mới xảy ra khi ta không còn khả năng điều khiển, một va chạm xảy ra và những người tốt bụng đã đem tôi về nhà, may mà chỉ xây xát chứ không phải nhập viện hay tử vong. Nhưng một người cùng bàn thì không may như tôi, anh đâm vào một chiếc xe khác và bị gãy tay. “May mà không chấn thương sọ não”, anh lo sợ khi nhắc lại tai nạn nhưng lại hẹn mùng 7 anh xuất viện mời tôi và nhóm bạn đến nhà uống rượu ‘hạ nêu”?!

Nói chung tết năm nào tôi cũng té xe máy vì say rượu hoặc ngã cầu thang xây xát nặng khi nhậu tại nhà theo kiểu uống liều mạng “thuyền chìm tại bến”. Và phải rất ngạc nhiên sao mình vẫn còn sống.

Lần nặng nhất là cách đây gần 30 năm, khi tôi đi chúc Tết một cơ quan cấp huyện và uống rượu quá chén nên “chạy” luôn lên một chiếc xe bò cùng chiều đang chở tre dài chấm đất. Nằm bệnh viện gần 2 tuần.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như tôi, quá nhiều hoàn cảnh thương tâm, 14 giờ ngày mùng 2 Tết (29.1), chiếc ôtô 7 chỗ biển Bắc Giang đỗ xịch trước khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Đằng sau, một chiếc xe cấp cứu khác hú còi inh ỏi xin được vào. Các y, bác sĩ nhanh chóng mang cáng để cùng một lúc cấp cứu cho hai bệnh nhân tai nạn giao thông.

Vừa đẩy con trai vào phòng cấp cứu, bà Ngô Thị Linh (58 tuổi, quê Bắc Giang, mẹ của bệnh nhân Nguyễn Văn Dũng, 32 tuổi) vừa lau nước mắt. Con trai bà bị tai nạn giao thông tối qua (mùng 1 Tết).

Theo lời người mẹ, anh Dũng bị xe khác đâm trúng, chấn thương vùng đầu. Tối qua gia đình đưa anh lên bệnh viện tỉnh và được các bác sĩ sơ cứu, băng bó vết thương lại.

“Sáng nay con tôi lại kêu đau đầu, buồn nôn và đầu óc không được tỉnh táo như bình thường nên gia đình đưa thẳng lên đây” - bà thất thần.

Trong lúc các bác sĩ đưa anh Dũng vào phòng cấp cứu thì anh trai bệnh nhân này, mặt phờ phạc ra quầy làm thủ tục nhập viện.

“Em trai tôi bị một người uống rượu say, cùng xã đâm vào. Đầu Dũng đập xuống đường bê tông nên bị chấn thương nặng đến vậy” - người anh chia sẻ.

Chỉ tại một bệnh viện và chỉ trong buổi sáng đã có đến 33 vụ cấp cứu vì tai nạn giao thông.

Nhưng không ai sợ, mặc dù biết văn hóa nâng ly 5 ngày Tết chính là nguyên nhân gây ra con số tai nạn giao thông kinh hoàng trên.

Mùng 2 tết tôi về quê vùng ven TP.HCM thăm bà con và phải đi một đám tang người thân mất vì tai nạn giao thông khi đi tặng cây mai vàng cho người bạn và ở lại nhậu say lúy túy sau đám cúng 30 Tết tại đây.

Đám tang dù trong ngày Tết nhưng vẫn rất đông, rượu bia cụng cốp cốp “100%” là hét vang trời, đúng là là một tang lễ kỳ lạ. Không hiểu có ai trong đám tang này khi về sẽ bị tai nạn giao thông hay gây tai nạn giao thông cho người khác không?

Mọi nỗ lực của ngành giao thông và toàn xã hội dường như chỉ là “ổn định” được tình hình là mừng lắm rồi. So với 3 ngày tết cùng kỳ năm 2016 tăng 5 vụ (tăng  4,8 %), không tăng không giảm người chết, tăng 14 người bị thương ( tăng 14,2%).

Văn hóa nâng ly trong 5 ngày Tết không chỉ là nguyên nhân của con số tai nạn giao thông kinh hoàng mà còn gây ra bao chuyên thương tâm khác.

Theo báo cáo của ngành y tế  trong 3 ngày Tết đã có 2.203 ca ẩu đả trong đó 50% phải nhập viện, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Hầu hết đều có liên quan đến rượu bia hoặc mâu thuẫn khác được dịp bùng phát khi Tết đến.

Có nghĩa từ nhận thức cá nhân đến con số điều tra khoa học và các định chế xã hội đều biết bia rượu và văn hóa xe máy là nguyên nhân hàng đầu gây ra con số tai nạn giao thông khủng khiếp trong dịp đến xuân về nhưng nó vẫn xảy ra.

Nếu không có gì thay đổi chính bản thân ta hoặc người thân sẽ là nạn nhân kế tiếp bởi văn hóa nâng ly này ở thì tương lai!

Theo Dân việt

TIN LIÊN QUAN