bna_ldld_tuldtt813100_3132022.jpgHội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu chính ở LĐLĐ tỉnh và các điểm cầu huyện, ngành. Ảnh: D.T

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp tuy pháp luật không bắt buộc, nhưng đây là văn bản rất quan trọng, được xây dựng, ký kết trên cơ sở đàm phán, thương lượng giữa hai bên, là cơ sở để bảo đảm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.

Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và một số hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định.

Năm 2021, Công đoàn Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng và số lượng các bản Thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp.

Cụ thể, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá năm và giao chỉ tiêu ký mới, ký lại Thỏa ước lao động tập thể năm 2021, chỉ đạo công đoàn huyện, ngành rà soát lại thời hạn và chất lượng của Thỏa ước lao động tập thể, cử cán bộ chuyên trách giám sát, hỗ trợ thực hiện các chỉ tiêu ký mới, ký lại Thỏa ước lao động tập thể năm 2021, hỗ trợ kinh phí cho công đoàn huyện, ngành trong việc thương lượng ký mới, ký sửa…

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách Pháp luật - Quan hệ lao động báo cáo kết quả thực hiện Thỏa ước lao động tập thể năm 2021 và phương hướng năm 2022. Ảnh: D.T

Từ nỗ lực đó, năm 2021, toàn tỉnh đã có 454/533 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt tỷ lệ 85,2%, cao hơn năm 2020. Trong đó doanh nghiệp nhà nước: 32/32 đơn vị đạt 100%; Doanh nghiệp FDI: 28/35 đạt 80%; Doanh nghiệp ngoài quốc doanh: 394/466 đạt 84,5%.

Các cấp Công đoàn đã tổ chức ký mới 29 bản Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), ký sửa đổi, bổ sung 178 bản TƯLĐTT. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu mà Liên đoàn Lao động tỉnh đã giao cho Liên đoàn Lao động các huyện, ngành năm 2021 thì vẫn chưa đạt chỉ tiêu: Ký mới 29/31 bản (đạt tỉ lệ 93,55%); Ký sửa đổi, bổ sung 178/179 bản (đạt tỉ lệ 99,4%).  Về thời hạn của TƯLĐTT, có 329/454 thỏa ước còn hạn (chiếm 72,5%), 125/454 thỏa ước hết hạn (chiếm 27,5%).
 
Nhiều ý kiến tham luận chất lượng được nêu ra tại hội nghị. Ảnh: D.T

Những đơn vị có kết quả ký kết Thỏa ước lao động tập thể nổi bật là Liên đoàn Lao động Diễn Châu, Tân Kỳ, Hoàng Mai, Thanh Chương, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải...

Tại hội nghị, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề ra 2 chỉ tiêu trong năm 2022. Cụ thể, 100% doanh nghiệp nhà nước và trên 80% doanh nghiệp ngoài nhà nước có thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể, trong đó có ít nhất 30% bản Thỏa ước lao động tập thể đạt loại A; Nâng giá trị bữa ăn ca của người lao động từ năm 2022 với mức 18.000 đồng/suất trở lên, đối với những doanh nghiệp thuê đơn vị cung cấp suất ăn thì giá trị thấp nhất từ 22.000 đồng/suất trở lên và đưa vào thỏa ước lao động tập thể của đơn vị.

Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh yêu cầu cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở nhìn nhận lại tầm quan trọng của thỏa ước lao động tập thể. Ảnh: D.T
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Công ghi nhận, biểu dương những tiến bộ về chất lượng và số lượng các thỏa ước lao động tập thể trong năm nay, những cách làm sáng tạo của các đơn vị tiêu biểu và nhấn mạnh: "Các cấp công đoàn cần đánh giá đúng tầm quan trọng của thỏa ước lao động tập thể. Theo đó, không thể để cán bộ công đoàn cơ sở tự làm thỏa ước lao động tập thể mà cần đồng hành, tận tay hỗ trợ, trực tiếp hỗ trợ đối thoại với chủ doanh nghiệp. Sắp tới sẽ ban hành đề án nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể, đi kèm những thay đổi về kinh phí hỗ trợ cho cán bộ công đoàn. Đặt mức tối thiểu cho bữa ăn ca là 18.000 đồng, đề xuất xây dựng thỏa ước lao động tập thể cho nhóm doanh nghiệp cùng ngành nghề... Công đoàn huyện, ngành cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ nhau trong thương lượng Thỏa ước lao động tập thể".