(Baonghean.vn) - Hè đến là thời gian con trẻ được thỏa sức vui chơi cùng chúng bạn. Tham gia những trò chơi dân gian, các con không chỉ được rèn luyện sức khỏe mà còn được phát triển kỹ năng sống, và quan trọng nhất là đem lại tiếng cười sảng khoái. Những trò chơi để lại biết bao ấn tượng khó quên về một  “tuổi thơ dữ dội”.

1496299533133.jpgKéo co: Các bé được chia thành hai đội có số lượng bằng nhau. Hai bé đầu hàng mỗi bên sẽ nắm tay hoặc nắm dây nối dài cho các bé phía sau. Các bé phía sau nắm eo bạn phía trước hoặc nắm dây và dùng sức kéo ngược về phía mình. Đội nào bị kéo sang bên kia của vạch mức kẻ giữa hai đội sẽ thua. Đề cao tinh thần đồng đội, kéo co xứng đáng cho vị trí số một về tinh thần đoàn kết.
Nu na nu nống: Những người chơi ngồi xếp hàng bên nhau, duỗi thẳng chân ra. Một người trong hàng sẽ đập nhẹ vào từng chân theo nhịp bài hát Nu na nu nống và theo thứ tự chân từ đầu đến cuối. Khi từ cuối cùng của bài hát vang lên, các bé trong hàng phải rụt nhanh chân lại không để tay của người đập chạm vào. Ai bị chạm vào chân sẽ bị loại hoặc bị phạt tùy theo quy luật do người chơi đặt ra. Bài đồng dao được sử dụng cũng có vài dị bản. Để chiến thắng, bé phải tập trung lắng nghe bài đồng giao và có phản ứng nhanh khi có cơ hội rụt chân về.
Kéo cưa lừa xẻ: Trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non này giúp bé vận động nhẹ nhàng, như một bài tập thể dục hàng ngày cho bé. Trò chơi này 2 bé có thể chơi với nhau hoặc có thể mẹ chơi với bé. Mẹ và bé ngồi đối diện nhau, dang chân ra, hai bàn chân chạm vào nhau, hai bàn tay nắm chặt nhau. Vừa hát vừa kéo tay đẩy qua đẩy lại, giống động tác hai người thợ ngồi hiệp sức cưa gỗ. Kéo cưa lừa xẻ/Ông thợ nào khỏe/Về ăn cơm vua/ông thợ nào thua/Về bú tí mẹ. Đây là độ tuổi khả năng ngôn ngữ và vận động của bé đã khá tốt để hiểu được nhịp điệu, vần thơ và cách chơi.
Chi chi chành chành: Trò chơi này giúp trẻ rèn luyện tính phản xạ nhanh. Một bé ngồi xoè bàn tay ra, các bạn đứng xung quanh và cùng đặt 1 ngón trỏ vào lòng bàn tay bé đó, tất cả đồng thanh đọc bài ca dao “chi - chi - chành - chành”: "Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết trương, ba vương ngủ đế bắt dế đi tìm, ù à ù... ập". Khi đọc đến “ập”, bé đó nắm chặt bàn tay lại, các bạn khác phải rút thật nhanh ngón tay của mình ra, nếu không sẽ bị bắt lại.
Mèo đuổi chuột: Đây là trò chơi giúp bé vận động toàn thân. Tất cả đứng thành vòng tròn, tay nắm tay, giơ cao lên qua đầu. Rồi bắt đầu hát bài Mèo đuổi chuột. Một người được chọn làm mèo và một người được chọn làm chuột. Hai người này đứng vào giữa vòng tròn, quay lưng vào nhau. Khi mọi người hát đến câu cuối thì chuột bắt đầu chạy, mèo phải chạy đằng sau. Tuy nhiên mèo phải chạy đúng chỗ chuột đã chạy. Mèo thắng khi mèo bắt được chuột. Rồi hai người đổi vai trò mèo chuột cho nhau.
Nhảy dây: Nam nữ đều thích chơi nhảy dây, rèn luyện khả năng nhảy cao và sự linh hoạt của thân thể. Hai bạn sẽ đứng căng dây và số người còn lại thì lần lượt nhảy qua dây từ mức căng thấp đến cao. Ai nhảy vướng dây thì sẽ vào thay cho một trong hai bạn đứng giữ dây. Đơn giản mà thật vui!
Bắn bi: Các bé trai rất thích chơi trò này. Chỉ cần vẽ một vòng tròn hoặc hình vuông nhỏ gọi là lỗ, cách đó chừng 2-3 mét vẽ một vạch thẳng (gọi là mức). Mỗi người chơi góp một số lượng bi bằng nhau và cho vào lỗ. Những người chơi lần lượt bắn bi cái từ vạch thẳng về phía lỗ. Viên bi của người nào dừng lại ở gần lỗ nhất nhưng không nằm trong lỗ thì người đó được quyền chơi lượt đầu tiên và cứ như thế cho đến người cuối cùng.
Rồng rắn lên mây: Không giới hạn người chơi, một trẻ làm thầy thuốc đứng đối diện với những người làm rồng rắn. Các bé khác túm đuôi áo nhau (hoặc tay ôm lưng nhau) thành rồng rắn. Người đứng đầu thường to con nhất, khoẻ nhất trong nhóm, rồng rắn đi lượn vòng vèo, vừa đi vừa đọc đồng dao: "Rồng rắn lên mây có cái cây lúc lắc, có cái nhà điểm binh, có ông chủ ở nhà không?". Thầy thuốc đuổi bắt rồng rắn, trẻ đứng đầu dang tay cản thầy thuốc, thầy thuốc tìm mọi cách để bắt được khúc đuôi (trẻ cuối cùng). Nếu thầy thuốc bắt được khúc đuôi thì bạn khúc đuôi bị loại. Trò chơi lại bắt đầu từ đầu đến khi rồng rắn ngắn dần vì mất bạn chơi. Nếu rồng rắn bị đứt khúc hoặc bị ngã cũng bị thua.
Ô ăn quan: Bàn chơi được kẻ thành một hình chữ nhật rồi chia hình chữ nhật đó thành mười ô vuông, mỗi bên có năm ô đối xứng nhau. Ở hai đầu hình chữ nhật kẻ hai ô hình bán nguyệt hoặc hình vòng cung hướng ra phía ngoài. Các ô hình vuông gọi là ô dân còn hai ô hình bán nguyệt hoặc vòng cung gọi là ô quan. Từng người chơi khi đến lượt của mình sẽ di chuyển dân theo phương án để có thể ăn được càng nhiều dân và quan hơn đối phương càng tốt.
Trồng nụ trồng hoa: Luật chơi là 2 trẻ ngồi đối diện nhau, 2 chân duỗi thẳng chạm vào bàn chân của nhau, bàn chân của bé này chồng lên bàn chân bé kia (bàn chân dựng đứng). 2 bé khác nhảy qua rồi lại nhảy về. Sau đó một bé lại chồng 1 nắm tay lên ngón chân của bé kia làm nụ. 2 bé lúc nãy lại nhảy qua, nhảy về. Rồi bạn đối diện bạn làm nụ sẽ dựng đứng tiếp 1 bàn tay lên trên bàn tay nụ để làm hoa. 2 bé lại nhảy qua, nếu chạm vào nụ hoặc hoa thì mất lượt phải ngồi thay cho một trong 2 bé ngồi.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN