(Baonghean.vn) - Hội chứng tăng động giảm chú ý là một rối loạn có tính chất tâm lý dễ gặp. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ do thiếu kiến thức về hội chứng này đã khiến trẻ không được can thiệp kịp thời.
3 dấu hiệu nhận biết:
Giảm sự chú ý: Biểu hiện bằng sự bỏ dở các hoạt động trong khi chưa hoàn thành xong. Bên cạnh đó, chúng còn thường chuyển một cách nhanh chóng từ hoạt động này sang hoạt động khác, không chú ý đến công việc đang làm do bị hấp dẫn bởi một công việc khác.
Tăng hoạt động: Biểu hiện bằng các hoạt động quá mức, đặc biệt trong những trường hợp đòi hỏi sự yên tĩnh. Chúng thường chạy nhảy liên tục, hoặc đột ngột đứng dậy rời khỏi chỗ trong khi được yêu cầu ngồi yên, nói nhiều quá mức, gây ồn ào và cựa quậy không ngừng trong khi ngồi.
Thiếu kiềm chế: Biểu hiện bằng sự thiếu kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội, sự dại dột trong những hoàn cảnh nguy hiểm, cũng như coi thường các quy tắc ứng xử.
10 việc bố mẹ cần làm ngay:
1. Chia sẻ thông tin và mở lòng đón nhận sự giúp đỡ
Khi có được kết luận cuối cùng về bệnh của con, bạn nên thông báo cho các thành viên trong gia đình biết (ít nhất là với những người thường dành nhiều thời gian cho con bạn), bạn thân, giáo viên và bất cứ người nào có thể giúp đỡ bạn.
Một số cha mẹ thường giữ im lặng khi biết con mình bị ADHD vì họ sợ bé sẽ bị kì thị. Tuy nhiên điều này là không nên vì một khi người ta không có được thông tin cần biết, rất nhiều câu chuyện không hay sẽ được “sáng tạo” và tạo điều kiện cho những hành vi không phù hợp diễn ra, sẽ càng không tốt cho bé.
Các giáo viên và người hướng dẫn sẽ có thể giúp con bạn tốt hơn khi họ biết bạn sẵn sàng phối hợp cùng họ để làm cho không khí trong lớp học, những chuyến đi dã ngoại thú vị hơn và nhất là phù hợp với con bạn hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên chú trọng đến việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ để con bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ thiết thực trong khoảng thời gian sắp đến.
2. Thay đổi không gian
Một đứa trẻ bị tăng động vốn có khả năng tập trung không tốt. Đó là lý do mẹ nên chú ý hơn đến những yếu tố có thể càng làm bé thấy rối rắm. Bạn nên hạn chế và loại bỏ những yếu tố có thể kích thích hay làm bé bị phân tâm trong không gian của bé.
Ở nhà, bạn cần đảm bảo phòng của bé luôn gọn gàng, ngăn nắp; sắp xếp đồ chơi và truyện tranh của bé ở những nơi “kém thu hút”. Không nên để quá nhiều đồ chơi hoặc vật gì khiến bé muốn cầm, nắm thường xuyên trước mặt bé, bởi con sẽ muốn nhặt đồ chơi lên mày mò đến nỗi quên mất việc mình đang làm.
Trong lúc bé đang cần tập trung, mẹ cũng nên giúp bé có một không gian yên tĩnh, không có những âm thanh như chuông điện thoại, TV… Ngay cả quần áo không thoải mái cũng khiến bé khó chịu và giảm hẳn sự chú ý đến việc cần làm.
Trẻ tăng động cũng không thích hợp với những chỗ quá đông đúc và có nhiều tiếng ồn. Ở trường, bạn nên nhờ giáo viên cho bé ngồi hay chơi ở những chỗ nào mà cô có thể theo dõi được bé hay hạn chế bé tiếp xúc với những bé khác và vật dụng có thể làm bé mất tập trung.
3. Luôn dịu dàng với bé
Việc quát mắng các bé bị chứng bệnh tăng động thường gây nguy hiểm nhiều hơn là khiến bé nghe lời. Tăng động là một rối loạn tâm lý và bé cần được bố mẹ giúp đỡ và khuyến khích trong mọi việc, kể cả những hoạt động thường ngày như tắm rửa hay đọc sách.
4. Đưa ra những hướng dẫn ngắn gọn
Những câu chỉ dẫn hoặc yêu cầu dài dòng thường khiến các bé tăng động khó mà nắm bắt. Để con không còn bối rối, bố mẹ đừng quên đưa ra những lời chỉ dẫn, những yêu cầu ngắn gọn. Bé sẽ hiểu các yêu cầu và dễ dàng làm theo từng yêu cầu riêng lẻ. Nếu bé đã biết đọc, mẹ có thể viết từng yêu cầu nhỏ ra và để ở những nơi bé dễ thấy như cửa tủ lạnh, góc bàn học…
5. Áp dụng kỷ luật một cách khéo léo
Mọi đứa trẻ đều cần phải hiểu được một số nguyên tắc kỷ luật nhất định. Tuy nhiên, đối với các bé bị tăng động, mẹ không nên áp dụng những hình thức như la mắng, phạt con bằng các hoạt động thể chất. Một ý tưởng hay khi muốn áp dụng kỷ luật cho các trẻ gặp vấn đề về chú ý hay tăng động, đó là cho bé vào một phòng cách ly một lúc. Bố mẹ nên tha thứ và cho bé ra khỏi phòng ngay khi con nhận lỗi.
6. Lên kế hoạch cụ thể cho các hoạt động hằng ngày của con
Các chuyên gia tâm lý luôn khuyên rằng, cha mẹ nên xây dựng kế hoạch, thời gian biểu cụ thể, rõ ràng cho các hoạt động hằng ngày của con như thời gian đi ngủ, thức dậy, vệ sinh cá nhân, học tập, vui chơi… Chẳng hạn như 7h sáng thức dậy, đánh răng, rửa mặt, đến 7h15 ngồi vào bàn ăn cơm và rời khỏi nhà đến trường lúc 7h30... có như vậy, bạn mới có thể tạo cho con những thói quen tốt và tự biết cách sắp xếp hoạt động trong ngày.
7. Khuyến khích trẻ tăng động thực hiện các mục tiêu bằng phần thưởng
Hãy tự đặt ra kế hoạch cho trẻ tăng động để thay đổi hành vi. Trong một khoảng thời gian chỉ nên tập trung vào một hoặc hai hành vi nhất định. Bên cạnh những lời khen ngợi thì bạn cũng nên có những phần quà nhỏ như: con sẽ được ra ngoài chơi, con sẽ được ăn món này, món kia… nếu con có những hành vi tích cực với những mục tiêu bạn đã đặt ra. Quà tặng nên thay đổi thường xuyên để tránh sự nhàm chán.
8. Khuyến khích con thực hiện các hoạt động thể chất
Hãy khuyến khích con bạn thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên như chạy bộ, chơi đá bóng, cầu lông... Theo các nghiên cứu thì vận động thể chất thường xuyên sẽ giúp trẻ tăng động giảm chú ý cải thiện một phần các triệu chứng, đặc biệt giúp cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ - rối loạn gặp phải ở khoảng 65% trẻ mắc chứng tăng động.
9. Lựa chọn một chế độ ăn hợp lý khi con tăng động
Bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy, các loại thực phẩm được chế biến hay đóng gói sẵn chứa nhiều chất tạo màu nhân tạo, chất phụ gia, bảo quản có thể làm tăng nặng hơn dấu hiệu tăng động ở trẻ. Do đó, phụ huynh cần hạn chế tối đa cho con sử dụng những loại thực phẩm này.
Tốt nhất nên lựa chọn những thực phẩm sạch, tăng cường các loại rau quả tươi có màu xanh, đỏ hay vàng đậm, tăng cường các thực phẩm giàu protein như tôm, cá, động vật có vỏ, trứng, thịt nạc…
10. Tránh tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ tăng động
Rối loạn giấc ngủ như trằn trọc khó ngủ, tỉnh giấc giữa đêm... là một vấn đề ảnh hưởng tới rất nhiều trẻ tăng động. Giấc ngủ không được đảm bảo sẽ khiến cho các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn, đồng thời, sức khỏe không được tái tạo đầy đủ cho những hoạt động ngày hôm sau, trẻ sẽ uể oải, mệt mỏi và không muốn làm gì, ngay cả việc đến trường...
Để hạn chế tình trạng này, phụ huynh nên nhắc nhở con để con có thể đi ngủ hay thức dậy vào những thời điểm giống nhau trong ngày. Tránh sử dụng điện thoại, chơi trò chơi điện tử trước giờ ngủ bởi vì điều này có thể khiến cho trẻ khó ngủ hơn.
Hoa Lê
(Tổng hợp)