(Baonghean) - Tôi không phải người Vinh (cũng không phải người Nghệ), nhưng đã gắn bó với Vinh, yêu Vinh bắt đầu từ tình yêu với con phố Quang Trung. Trong vạn lần tự hỏi: đã có khi nào, sự quen thuộc ấy khiến mình nhàm chán, thì rất nhanh, những sự chia xa tình cờ đã ngay lập tức giúp tôi có câu trả lời: không, nó đã thành máu thịt trong mình, cứ đi xa là nhớ, là mong về. Góc phố ấy có mái nhà tôi ở, có hương một loài hoa dịu dàng dậy lên từ ban công, có nỗi xôn xao chợ sớm, có tiếng rao bánh lạc giữa gió buốt mùa Đông, có vẻ đon đả cô hàng xôi trước Rạp 12-9, và hình như tiếng ầm ì xe lăn trên Quốc lộ 1 trong đêm là tiếp nối hành trình của những chuyến xe ngựa lóc cóc vọng về từ miền xa thẳm...



Bằng nỗi nhớ, tình yêu rất giản dị ấy, tôi đã ngầm gọi con phố ấy là con phố của tôi, con đường ấy là con đường của tôi. Vẻn vẹn 1 cây số, điểm đầu là ngã tư chợ Vinh, điểm cuối là ngã tư chùa Diệc và mang tên gọi của một vị hoàng đế - một anh hùng dân tộc “áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước xiết bao công trình”, đường Quang Trung đã góp mình trong dằng dặc chặng đường thiên lý Bắc - Nam, gói trọn trong đó bao nỗi thăng trầm của thành phố.



Nhớ lại lần gặp mặt đầu tiên, phố Quang Trung đón tôi bằng cơn mưa tầm tã. Những dãy chung cư cao tầng rêu phủ đứng trầm ngâm trong màn mưa, trong ánh sáng tỏa rạng cần mẫn từ những ngọn đèn đường. Tôi chỉ kịp nhìn những cái biển hiệu bên đường, những cái tên đã găm vào trí nhớ của tôi: Cửa hàng bách hóa tổng hợp, Trung tâm sách, thiết bị, Khách sạn Thanh Bình, hiệu ảnh Sơn Ninh Phong, hiệu ảnh Thiên Tuyến, hiệu giày Tuấn Thứ, thời trang Xuân Thu, Rạp 12-9, Thư viện Nghệ An, Báo Nghệ An...



Cửa hàng sách quốc văn trên đường Quang Trung xưa bị bom Mỹ tàn phá.

(Ảnh tư liệu).

Bây giờ, nhiều trong số những biển hiệu ấy đã thay tên hoặc chuyển dời tới những con phố khác, nhưng ngày ấy, nó làm nên vẻ đa dạng, náo nhiệt của đường Quang Trung. Sau này, khi đã quen thân, tôi mới biết ở con phố này, có rất nhiều nơi chẳng cần đến biển hiệu mà vô cùng tấp nập, mà dân Vinh ai cũng biết tới là chợ Quang Trung, là quán cơm bà Xường vốn người gốc Hoa, sau đến đời con nối nghiệp chuyển thành quán Thảo Tâm, là quán ốc sân chung cư B6... Cũng như, sau cái vẻ hào nhoáng, ồn ã của nhịp chảy phố phường, người ta vẫn biết, vẫn thuộc và gọi tên nhau: “ Ênh Phú, chạy cho cuốc xe từ sân C7 đến Đại học Vinh cấy”, “ Mai ơi, bưởi Phúc Trạch đã ngon chưa, đóng cho thùng gửi Hà Nội”, “Lại đằng Hoa Sơn mà cắt tóc, ả ta chuyển vào phía trong chợ ấy”, “Bác Hưng ơi, quấn cho cháu trăm hương trầm”...



Anh bạn vong niên, một nhà thơ người Vinh gốc, mang niềm tự hào là cư dân khu phố 1 kể chuyện xưa thường từ nhà ông nội là ông Hàn Thanh (ở góc khách sạn Sài Gòn- Kim Liên bây giờ) theo chúng bạn nhảy sang Hồ Thành câu cá rô thia. Khi rảnh rang, anh lại ngồi nghe ông nội kể chuyện cụ cố Hội Tịnh vẫn thường qua lại nhà cụ Hàn Bình- một công chức hỏa xa (thân phụ của nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) ở132 phố Maréchal Foch (bây giờ chính là nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai ở phố Quang Trung).



Ông chỉ chếch sang bên kia đường, chậm rãi: “Nhà chị Minh Khai ở đó”. Anh cùng chúng bạn vẫn băng qua con đường trước mặt, hồi đó (đầu những năm 1960), đường Maréchal Foch thời Pháp thuộc đã đổi tên Phạm Hồng Thái nhỏ hẹp, vẫn còn nhiều ổ gà, ổ trâu để xem “nhà chị Minh Khai”. Chỉ còn lại dằm đất cỏ hoang. Ga Vinh (ở ngay Rạp 12-9) hồi đó cũng đã chuyển dời, chỉ còn lại đường ray với những đầu máy xe lửa chơ vơ. Cậu bé dăm bảy tuổi là anh hồi đó, đã đứng ngẩn ngơ dưới rặng xà cừ, đếm bước xe ngựa lóc cóc trên đường phố để nuối nhớ những gì không rõ. Cũng là con đường ấy, mấy chục năm sau này, đã khiến anh giật mình với hàng cây bàng mới thay lá tháng Ba : “Vừa bầm đỏ lá rủ nhau đi hết/ Qua trơ cành nay búp tủa trời xanh”.



Có phải trong thoáng giật mình ấy, có cái chớp mắt của thời gian, đã biến cậu bé lang thang những trưa hè, đi sau lưng một người dân nghèo kéo xe ba gác, tới tìm đọc sách ở Hiệu sách Quốc văn, cậu bé theo bước chân rầm rập đoàn diễu binh thanh, thiếu niên với cờ sao trống giục dịp Quốc khánh và ngày thành lập Đoàn Đội, thành người đàn ông tóc điểm bạc đi chậm rãi bên phố, bên những khu chung cư, khách sạn, siêu thị cứ xây lên cao mãi... Ký ức của anh vẫn bền bỉ cùng nhịp sống cư dân Khu phố 1: Ngày ấy, những dãy nhà bên phố đều nứa lá. Có mùa gió Lào thổi, một nhà bén lửa cháy là cả khu phố bỗng chốc rực đỏ. Gió cuộn thốc những mái nhà, ném lên không trung , những ngọn đuốc lửa cứ vậy bùng lên. Có cảm giác rằng cả thành phố này bốc cháy vậy. Nhà ông nội của anh cũng cháy. Mọi người chạy đi sơ tán và ngoái lại bất lực trước ngọn lửa tàn ác thiêu đốt... Ấy xem như là thiên tai.



Nhưng để đối phó với giặc thù, mới biết người Vinh hy sinh cho kháng chiến là rất lớn khi thực hiện tiêu thổ kháng chiến triệt để.  Rồi thành phố lại một lần nữa hoang tàn trong chiến tranh chống Mỹ. Chùa Diệc, nơi sum suê bóng mát cây cối, nơi chim chóc tìm về mỗi chiều cũng tiêu điều vì bom đạn. Để lại kiêu hãnh đứng dậy từ hố bom và gạch vụn, người Vinh bắt đầu xây dựng lại thành phố của mình. Viên gạch đầu tiên để làm nên vóc dáng tự hào của thành phố đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười đặt lên Khu chung cư Quang Trung này...



Thế đấy, con phố thật ngắn, đứng nhìn từ đầu ngã tư chùa Diệc, nơi có tòa chung cư Handico bây giờ, theo hút phố vẫn thấy dòng chữ đỏ “Chợ Vinh”, vậy mà câu chuyện về nó lại thật dài. Ngắm phố từ Cafe tầng 18 Tecco, đường Quang Trung nối dài với những con đường khác để làm nên một dòng sông chảy xiết dưới bầu trời đầy mây trắng mùa thu. Phố vẫn bận mải nhịp ngày thường, và dường như chỉ một mình mình lơ đãng ngắm bao tất bật, lo toan trong ly cafe chảy chậm. Hàng trăm gương mặt lại qua đang lao về phía trước với hàng trăm nỗi niềm:  Giờ đón con đã muộn, quãng đường về thật xa, kịp buổi chợ chiều hôm, gặp một người đang hẹn…Và mặt trời đã tắt, lao xao thành phố lên đèn. Lốm đốm bên những ngôi nhà vươn cao mới xây của Mường Thanh, Dầu khí, Siêu thị Big C, Tecco là nét cũ càng của những khu chung cư 5 tầng được đặt tên các khu A, B, C. Những khu chung cư một thời là niềm tự hào của Vinh -Thành phố trẻ, đã, đang trọn vẹn sứ mệnh của mình.



Phố Quang Trung.

Chợ Quang Trung, vẫn giữ vẻ xập xệ bao năm, đang hối hả bước chân người dọn hàng. Chỉ có bà lão bán trứng người Quỳnh Lưu là chậm rãi cắp chiếc rổ không rời chợ. Mấy người bán hàng hoa lại đến giờ giăng  hàng, thắp điện. “Hồng đỏ nhé, hay ly tím, hay cả bó lan tường này?” Mấy bà cháo, miến lươn cũng chuẩn bị nhóm lò... Không thể thiếu những chiếu đèn dầu mực nướng í ới một dọc trước cửa Rạp 12-9 đang được xây dựng lại để thành Trung tâm chiếu phim to lớn, bề thế. Nếu là mùa Đông, chắc đã thêm nghi ngút khói than nướng khoai, nướng ngô.



Phải là cái duyên, từ mùa Đông năm nào, tôi đã dừng chân nơi đây để ở lại với phố? Không biết bao nhiêu đêm nằm nghe tiếng xe ầm ì chạy qua Quốc lộ 1 A mà mơ quê? Không biết bao lần ngắm những gương mặt lại qua trên những chuyến xe khách đường dài Bắc-Nam mà thương cho nỗi niềm lữ thứ? Tôi ở lại, để góp gương mặt mình trên dòng sông phố xiết chảy mỗi ngày, quen với từng cái ổ gà, với cây gạo hoa đỏ thắp lửa giữa thinh không một mình suốt tiết tháng ba đầy mưa bụi trước sân C1 xưa, quen với cây xoan sau dãy nhà C5 rắc hoa tím lên mái chợ Quang Trung, quen với tiếng rao bánh bao nóng trong những hẻm phố tinh sương. 



Để mang niềm tự hào về khu phố 1 giờ là phố Quang Trung của tôi, với điểm đầu chợ Vinh, điểm cuối chùa Diệc- những biểu tượng về thương mại và chiều sâu văn hóa, lịch sử của thành phố.  Để hiểu rằng, chẳng phải ngẫu nhiên, tên của vị hoàng đế nổi tiếng của lịch sử, người đã xây dựng nên kinh thành bên núi Quyết, sông Lam và gọi tên Phượng hoàng Trung đô đã được đặt cho con phố chính và khởi nguyên của phố phường Vinh.



Trên con đường thiên lý này, mấy trăm năm trước, đã có dấu chân người cùng 10 vạn quân tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm để thống nhất nước nhà? Lịch sử đã nhắc về ông là nhà quân sự thiên tài. Trong suốt hơn 20 nǎm đời chinh chiến, Quang Trung- Nguyễn Huệ chưa hề chùn bước. Ông tin tưởng vào quần chúng, biết trọng dụng nhân tài, có niềm tin tuyệt vời vào khả nǎng của mình. Ông còn là vị danh tướng chỉ đánh thắng, không có bại. Còn với tôi, và biết bao nhiêu người Việt khác, đã tin vào huyền thoại có thật trên đời, là huyền thoại về cành bích đào  ông gửi vào thành Phú Xuân cho Ngọc Hân công chúa, không chỉ để báo tin thắng trận mà còn là nét hào hoa, là cả một tấc lòng của tráng sỹ  đất võ Bình Định cho người con gái hoàng tộc đất Bắc.



Và tôi biết rằng, tôi đã yêu Vinh, bắt đầu từ con phố này, như vậy đấy!