(Baonghean) - Trong thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp không còn chỉ là sản phẩm, doanh thu, thương hiệu mà đầu tiên và cốt lõi nhất chính là văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Đây là yếu tố quyết định sự thành công và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

images1680721_bna_57d21814557c0.jpgĐồng chí Lê Ngọc Hoa trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp may xuất khẩu Ventrue (Thanh Chương) về chất lượng bữa ăn cho người lao động.

Những nỗ lực được ghi nhận

VHDN được hiểu ở nhiều nghĩa khác nhau, song chung quy lại, nó được hiểu là toàn bộ các quy tắc ứng xử, cách nghĩ, chuẩn mực, đường lối kinh doanh..., theo quy định của pháp luật và đạo đức văn hóa; có tác dụng tạo uy tín, cao hơn nữa là hình ảnh của một doanh nghiệp trên thương trường. Đây được coi là yếu tố quyết định sự thành công và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo đồng chí Đào Quang Nghị - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Nghệ An: Nhận thức rõ những lợi ích và vai trò của VHDN đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nhiều năm qua Đảng ủy Khối đã quan tâm chỉ đạo xây dựng VHDN. VHDN trước hết là xây dựng môi trường văn hóa và các tiêu chuẩn ứng xử trong các mối quan hệ của doanh nghiệp. Hàng năm, Đảng ủy Khối chỉ đạo và đưa tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa vào việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng.

Hiện tại có khá nhiều doanh nghiệp được công nhận đơn vị văn hóa, đơn vị xanh – sạch – đẹp do tổ chức Công đoàn các cấp công nhận. Rõ nét nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng như Vietcombank, Viettinbank, BIDV; hay Bảo Việt nhân thọ, Bưu điện – Viễn thông..., đều xây dựng bộ tiêu chí văn hóa riêng của ngành để thực hiện; gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ở các doanh nghiệp dịch vụ này, hàng năm cũng tổ chức các cuộc thi liên quan đến kỹ năng hoạt động nghiệp vụ, văn hóa ứng xử đối với khách hàng, đối tác. 

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang thực hiện tốt văn hóa giao tiếp khách hàng, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ

Ngoài các đơn vị ngân hàng, bảo hiểm, bưu điện thì cũng có một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chú trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, hoạt động sản xuất và kinh doanh chè truyền thống, bình quân mỗi năm sản xuất 10.000 – 12.000 tấn chè khô.

Trong số đó có khoảng 22% phục vụ thị trường trong nước và 78% xuất khẩu. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được công ty chú trọng, từ việc giáo dục ý thức, trách nhiệm cho người lao động đến kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt. Song song với đó là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể chè Nghệ An trên thị trường trong nước và quốc tế. Đó còn là việc tôn trọng và giữ chữ tín đối với đối tác; nghĩa là mẫu hàng chào bán như thế nào thì sản xuất và cung ứng như thế đó, thậm chí là tốt hơn thế; đồng thời công ty luôn giao hàng đúng thời gian hợp đồng.

Còn ở Công ty cổ phần nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu) việc xây dựng VHDN  được đơn vị tập trung vào vấn đề xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu công nghiệp và chứng nhận danh hiệu tập thể cho sản phẩm của mình. Công ty luôn đảm bảo thực hiện nghiêm túc hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao ý thức của người sản xuất, cán bộ kỹ thuật và quản lý đơn vị trong quá trình hoạt động.

Công nghệ truyền thống sản xuất nước mắm Vạn Phần

Đồng chí Võ Văn Đại - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty, chia sẻ: Sản phẩm được đăng ký và được Nhà nước bảo hộ đã góp phần quan trọng trong nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Người tiêu dùng tin tưởng và sẵn sàng lựa chọn sản phẩm của đơn vị do có xuất xứ, cam kết và bảo hộ rõ ràng. Từ khi đăng ký thương hiệu thành công, doanh thu của đơn vị tăng bình quân 25%/năm; thị trường tiêu thụ từ chỗ hoàn toàn chỉ có trong tỉnh, đã mở rộng ra các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang cả một số nước như Lào, Malaysia và một số thị trường khác. 

Cần quan tâm đúng mức

Doanh nghiệp xây dựng được một văn hóa tốt sẽ thu hút được khách hàng và đối tác đến với mình, và dần làm nên thành công cho doanh nghiệp. Đối tác và khách hàng tìm đến một doanh nghiệp, sản phẩm nào đó, không chỉ đơn giản sản phẩm tốt mà chính là họ yên tâm và đặt niềm tin tưởng, thậm chí đó còn là sự thiện cảm đối với doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, thực tế, doanh nghiệp Nghệ An hiện nay, tuy đông nhưng chưa mạnh. Bởi chủ yếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, vốn ít, chậm đầu tư và đổi mới công nghệ. “Cái khó bó cái khôn”, nhiều doanh nghiệp sản phẩm làm ra chất lượng hạn chế, khó cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động kỹ thuật cao; trình độ quản lý, hiểu biết pháp luật của đội ngũ doanh nhân còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu “cú nhát” “chụp giật”, tranh mua, tranh bán sản phẩm, tranh chấp vùng nguyên liệu; không giữ chữ tín với khách hàng, đối tác...

Sản xuất ở Nhà máy gạch Tân Kỳ.

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, lợi thế cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải đổi mới trong cả suy nghĩ và hành động để tạo chỗ đứng của mình trên thị trường. Chỗ đứng đó được làm nên không chỉ là sản phẩm, doanh thu, thương hiệu mà đầu tiên và cốt lõi nhất chính là văn hóa doanh nghiệp. Đây là yếu tố quyết định sự thành công và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đại hội XII của Đảng cũng xác định “bốn trụ cột” phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần.

Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng đặt ra yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ. Để thực hiện được yêu cầu này, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm, ý thức hành động, kể cả các doanh nhân, doanh nghiệp. Theo đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, các doanh nghiệp Nghệ An phải xây dựng VHDN mang đặc sắc xứ Nghệ, đó là tôn trọng pháp luật; đề cao chữ tín đối với đối tác, với cộng đồng thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm, mặt hàng có chất lượng; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong vấn đề bảo vệ môi trường, tham gia xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, để thực hiện được yêu cầu này, các doanh nghiệp cần đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; gắn với thực hiện có hiệu quả  Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đồng chí Hồ Viết An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An:

Hoạt động của các doanh nghiệp có sự cạnh tranh là điều tất yếu. Tuy nhiên, thị trường ở đây không phải “mạnh ai, người nấy làm” và sự cạnh tranh không phải “vô chính phủ” mà đòi hỏi sự cạnh tranh trên cơ sở thúc đẩy sự phát triển. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có VHDN. Các yếu tố để đảm bảo cho VHDN hình thành, trước hết là tự thân các doanh nghiệp phải nhận thức đúng và trúng tầm quan trọng của VHDN để từ đó có chiến lược xây dựng. Thứ hai, cần có vai trò Nhà nước trong vai trò khâu trung gian, trọng tài, đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, bình đẳng và đúng nguyên tắc, đúng pháp luật. Thứ ba, là trình độ hiểu biết và ý thức trách nhiệm của người lao động, sản xuất trong nền kinh tế thị trường.

Đồng chí Trần Anh Sơn – Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An:

Xây dựng VHDN, trước hết phải xây dựng văn hóa doanh nhân – những người đứng đầu doanh nghiệp. Một doanh nhân có văn hóa là người có tri thức làm giàu, khát vọng làm giàu, biết cách ứng xử và biết cách làm giàu. Mục đích kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận, tuy nhiên không vì lợi nhuận mà chà đạp lên trên tất cả để có lợi nhuận, mà tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở doanh nhân phải có văn hóa thực tâm, thực tài trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt.

Đối với một doanh nhân, ngoài những phẩm chất cần có như tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận mạo hiểm, hiểu biết, nhanh nhạy trong kinh doanh, còn phải có đạo đức, có tâm sáng, biết tổ chức, hợp tác, biết sử dụng đúng người, đúng việc, hay những việc làm đơn giản như những ứng xử với cấp dưới, với đồng nghiệp, với bạn hàng, với các mối quan hệ trong xã hội.

 Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN