bna_image_3008177_242019.jpgĐiều trị cho trẻ tự kỷ bằng các liệu pháp, bài tập như múa hát. Ảnh: Thành Chung

Đi tìm tuổi thơ

Tại Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Nghệ An, mỗi ngày, có khoảng trên dưới 45 phụ huynh đưa con em mình tới đây để theo học chương trình can thiệp trị liệu giáo dục đặc biệt. Đó là những trẻ mắc tự kỷ - chứng rối loạn về phát triển hành vi, ngôn ngữ và tương tác xã hội. Đại đa số trẻ thường trú ở thành phố Vinh, một số ít đến từ các huyện cận kề.

Cũng là mắc tự kỉ nhưng những trẻ tới đây không giống nhau. Có trẻ chậm phát triển trí tuệ, lại có trẻ tăng động, giảm chú ý và nhiều trẻ khác bị khiếm thính, rối loạn về khả năng ngôn ngữ. Khi trẻ tới đây, các cô giáo ở Quỹ sẽ có những bài tập riêng biệt nhằm khắc phục khiếm khuyết, phát huy các thế mạnh của trẻ. Những bài tập này có thể là trò chơi vận động, vẽ tranh, hát múa...

Chị N.T.T có con 4 tuổi mắc tự kỷ cho biết: Ban đầu gia đình nhận thấy cháu luôn lặng lẽ, ngơ ngác, không thể tham gia cuộc nói chuyện thông thường dù hoàn toàn có khả năng. Qua thăm khám, gia đình biết cháu mắc chứng tự kỷ nên ngoài việc điều trị bằng thuốc men, mỗi ngày gia đình lại đưa cháu tới Quỹ tham gia học. Mỗi buổi học như vậy kéo dài trong 1 giờ...Hai tháng, cháu tham gia học tại đây rất tiến bộ, đã biết đọc ít bài thơ ngắn và linh động hơn.

Trong giờ học, mỗi trẻ ở Quỹ đều có riêng một thế giới của mình. Có thế giới lặng lẽ, ở đó trẻ không kết bạn và chỉ thích chơi một mình. Có thế giới luôn vận động, trẻ không bao giờ ngừng nghỉ, luôn tay luôn chân nghịch ngợm.

Tại đây, mỗi cô theo kèm và giúp đỡ một cháu rèn luyện kỹ năng tạo lập và phát triển các mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp hoặc khả năng vận dụng trí tưởng tượng...Quá trình giúp trẻ tự kỷ cân bằng, phát triển này được định danh là “Đi tìm lại tuổi thơ”.

Thống kê năm 2016: Ở Việt Nam hiện đang có hơn 200.000 người tự kỷ trên tổng số gần 90 triệu dân và con số này vẫn đang tăng lên hằng ngày với tốc độ rất nhanh. Trung bình mỗi năm có thêm 20.000 trẻ phát hiện tự kỷ mới. Trong đó các bé trai mắc tự kỷ cao gấp 5 lần các bé gái.
 

Góc sáng tạo của trẻ tự kỷ tại Nhóm Bước Nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Lài - Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Nghệ An cho hay: Thực tế, để giúp trẻ tự kỉ cân bằng, phát triển là một việc rất khó, đòi hỏi một quá trình dài, kiên trì bền bỉ từ phía gia đình và kỹ năng, nhiệt huyết, tình yêu trẻ rất lớn của các trị liệu viên. Năm 2018, Chương trình can thiệp trị liệu giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỉ đã tiếp nhận 111 trẻ vào tham gia. Qua can thiệp, rất nhiều trẻ đã tiến bộ, hòa nhập tốt vào các lớp học bình thường.
Theo bà Lài, các chương trình can thiệp chỉ chiếm 30% trong sự cải thiện, học tập kỹ năng, hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ. 70% còn lại đến từ sự giúp đỡ từ phía gia đình, nhà trường... Hiện nay, số trẻ chưa được trị liệu vẫn còn rất lớn.
Thông tin từ Liên hiệp quốc, hội chứng tự kỷ có tỷ lệ 1/100 ở trẻ mới sinh, nghĩa là cao hơn nhiều so với tỷ lệ trẻ mắc hội chứng Down, ung thư hay tiểu đường.
Theo tính toán của các chuyên gia, việc can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ sẽ tiết kiệm chi phí cho xã hội. Nếu 100 trẻ được can thiệp sớm và 40 trong số đó chỉ có một phần tiến bộ, cộng đồng có thể tiết kiệm tới 9,5 triệu đô la trong suốt quá trình những đứa trẻ này đi học (từ 3 - 22 tuổi).

Để nhấn mạnh tầm nghiêm trọng và sự phức tạp của chứng tự kỷ tới cộng đồng, năm 2007, Liên hiệp quốc đã chọn ngày 2/4 hàng năm là "Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ".

“Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ” năm 2019 có chủ đề “Cùng hành động vì trẻ em tử kỷ”.

Chia sẻ và yêu thương

Thạc sĩ tâm lý học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên (Đại học Toulouse – Pháp) Tôn Thị Trí, công tác tại Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Nghệ An cho hay: Nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn tự kỉ vẫn chưa được biết rõ. Nó có thể từ việc rối loạn của bộ gen và các yếu tố khác, như: Cha mẹ tuổi cao sinh con; tổn thương não hoặc não bộ kém phát triển (sinh non trước 37 tuần, cân nặng khi sinh dưới 2,5 kg; chấn thương não sơ sinh...).

Mỗi trẻ phát triển theo nhịp độ riêng, có trẻ nhanh có trẻ chậm. Tuy vậy, các bậc phụ huynh nên cân nhắc xem liệu con bạn có nguy cơ cao bị tự kỷ hay không nếu nhận thấy bé có các dấu hiệu như: Trẻ không bập bẹ âm tiết nào hoặc không tạo được điệu bộ nào; không tự nói được cụm từ gồm 2 chữ; mất kỹ năng ngôn ngữ; phát triển chậm hơn so với độ tuổi; không thể kết bạn và chỉ thích chơi một mình; có cách chơi đồ chơi hoặc đồ vật một cách không bình thường; thiếu trí tưởng tượng; không có khả năng thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt; luôn lặp lại một kiểu cử động cơ thể hoặc một hành vi nhất định nào đó...Triệu chứng của tự kỷ thường sẽ xuất hiện trước khi trẻ được 3 tuổi.
Ngoài ra, có một số trẻ thuộc dạng tự kỷ đặc biệt khi phát triển kỹ năng hiếm có ở một lĩnh vực chuyên biệt như: âm nhạc, nghệ thuật, các con số… và cho thấy khả năng vượt trội về lĩnh vực đó mặc dù chưa được ai dạy.
Phát triển trí tưởng tượng cho trẻ. Ảnh: Thành Chung

Hiện nay, tự kỷ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Song chúng ta hoàn toàn cải thiện sự phát triển của trẻ bằng các liệu pháp can thiệp sớm ở trường học như: Liệu pháp hành vi (khuyến khích trẻ những hành động tích cực và ngăn cản các hành vi tiêu cực); liệu pháp về ngôn ngữ và liệu pháp nghề nghiệp; giúp trẻ tự kỷ điều chỉnh cảm giác ...

Để cải thiện cho trẻ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là bố mẹ. Ở nhà, bố mẹ và mọi người cần nói chuyện với trẻ ngắn gọn, rõ ràng; tùy theo sở thích của trẻ mà đưa ra lựa chọn phù hợp với trẻ. Các thành viên trong gia đình cần thay phiên chơi với trẻ, giúp giảm hành vi lặp đi lặp lại của trẻ; tìm kiếm những chương trình hỗ trợ trẻ và cùng trẻ tham gia vào chương trình đó.

Sản phẩm tranh giấy quy linh của trẻ tự kỷ ở Nhóm Bước Nhỏ.
Thạc sĩ Tôn Thị Trí nhấn mạnh: Trẻ tự kỷ cần can thiệp sớm mới có thể hòa nhập xã hội. Phần lớn trẻ tự kỷ thể hiện sự tiến bộ nhờ vào can thiệp sớm. Nếu như đến khoảng 6 tuổi mới phát hiện để can thiệp thì sẽ không thể giúp trẻ hòa nhập với người bình thường. Để một đứa trẻ tự kỷ được phát hiện sớm, can thiệp sớm và có cơ hội hòa nhập xã hội thì rất cần sự chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đơn cử, với trường mầm non thì các cô giáo cần quan tâm chú ý, không để trẻ tự kỷ bị kỳ thị, cô lập và tại nơi ở cũng vậy.

Tại TP Vinh, Nghệ An, ngày 1/4 đã diễn ra Chương trình "Tự kỷ - Hiểu để yêu thương" của nhóm Từng Bước Nhỏ là chương trình lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của hơn 60 gia đình trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động hướng về ngày 2/4, ngày nhận thức về tự kỷ trên toàn thế giới. Với mục đích nâng cao nhận thức về tự kỷ, mong mọi người hiểu đúng hơn về tự kỷ và cùng chung tay vì một xã hội an toàn, bền vững và phát triển cho người tự kỷ.