(Baonghean.vn) - "Dù có ở đâu làm gì thì quãng đờì đẹp nhất vẫn là thời học tập ở trường Phan, kỷ niệm đẹp nhất vẫn thuộc về bạn bè trường Phan…" - đó là những dòng hồi tưởng đầy xao xuyến của một "Phan nhân" những khóa đầu. 

Cái sự “không giống ai” đầu tiên là đa số đã từng là bạn bè một thời của cấp 2 Năng Khiếu Nghệ Tĩnh. Nhớ lại đó là vào năm học 1976- 1977, để thành lập trường cấp 2 năng Khiếu, ngay vào đầu năm học mới, Ty Giáo dục đã tổ chức kỳ thi học sinh giỏi vòng 1, thay vì tổ chức vào cuối học kỳ 1 theo thông lệ. Kết quả là những người được xếp thứ từ từ 1-26 của các môn Văn - Toán được chọn về ngồi ở 2 lớp học tranh tre tại làng Xuân Hương xã Nghi Đức huyện Nghi Lộc. Thật khó khi viết về mình nhưng chúng tôi, các cựu học sinh K6 (1977- 1980), trường chuyên Phan Bội Châu vẫn tự coi mình là một thế hệ… "không giống ai". 

Trường phan bội châu
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm, tặng quà cho trường trong lễ khai giảng năm học 2011-2012. Ảnh tư liệu.

Tôi còn nhớ đó là một khoảng đất nhỏ đối dện cửa hàng mua bán xã Nghi Đức. Chúng tôi bắt đầu học vào học kỳ 2. Những đứa trẻ 13,14 tuổi ở nhà còn làm nũng mẹ tập làm người lớn và sớm thân nhau như ruột thịt. Một bộ phận trong số này đã đại diện cho hàng chục ngàn học sinh lớp 7 Nghệ - Tĩnh dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.

Một kỳ học nhanh chóng qua đi, cùng hàng trăm bạn khác trong cả tỉnh chúng tôi tham dự kỳ thi tuyển vào trường Năng khiếu Phan Bội Châu (tên cũ của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ngày nay) lúc ấy đóng ở xã Diễn Thành huyện Diễn Châu. Không hổ danh dân cấp 2 năng khiếu, đa số chúng tôi đều đậu vào trường. Lại được học, được ở với nhau nhưng không còn rải rác trong các nhà dân, đêm đêm đi học, đi chơi với nhau còn phải nhờ gia chủ đưa về như trước mà ở nội trú trong các nhà tập thể. Học ở đây được 3 tháng, đến tháng 11/ 1977, trường dời về Hưng Lộc, tiếp quản cơ sở cũ của Ty Giáo dục ổn định cho đến ngày ra trường.

Thời ấy thi đậu đại học còn khó khăn lắm nhưng tất cả chúng tôi đều đậu vào các trường tốp trên, các bạn lớp Toán có gần một nửa, lớp Văn ít hơn nhưng cũng có nhiều người được đi học tại Liên Xô và các nước Đông Âu khác. Đó là một niềm tự hào và rồi từ đây chúng tôi mỗi đứa một phương trời, mãi đến năm 2010, nghĩa là 30 năm sau mới có dịp gặp lại.

Ba mươi năm, những đứa trẻ ngày ấy nay đã lên tuổi trung niên, những người theo nghiệp đèn sách bút nghiên đã là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà báo. Người theo nghiệp chính trị đã là lãnh đạo ban ngành ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyên, kẻ làm kinh doanh đã lên đến Giám đốc, thậm chí là Tổng giám đốc…Nhưng chỉ sau dăm bảy phút chuyện trò, ai lại chính là người đó của ngày xưa, và những cái tên ghép cũ, thậm chí có những cái tên “tục” cũng được lôi ra để chào gọi bởi nó gắn với những kỷ niệm, những đặc điểm của từng người. Đói, khổ là những chuyện được nhắc nhiều nhất, rồi chuyện những mối tình dang dở, chuyện những cặp đôi tưởng hoàn hảo lại hóa ra …đáng tiếc.

Lần ấy chúng tôi đã trở về trường cũ ở Nghi Đức và Hưng Lộc. Trường cũ đã không còn dấu tích. Những xã ven đô này được nhập vào Vinh với cửa nhà san sát, nhịp sống hối hả, cư dân mới đến thậm chí không còn biết nơi đây đã từng có những mái trường chứ đừng nói là họ biết gì về chúng tôi

Thầy và trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh) đón em Cao Ngọc Thái đoạt HCV quốc tế môn Vật lý. Ảnh: Tư liệu

Rồi 3 ngày gặp gỡ cũng nhanh chóng qua đi, ai lại về  nhà nấy nhưng cuộc gặp mặt sau 30 năm dường như  “chưa đã’ từ đó chúng tôi thường xuyên tổ chức gặp mặt, nghĩ ra những lý do để gặp mặt như “kỷ niệm 35 năm ngày ra trường”, “gặp mặt Phan nhân tuổi 50”. Nói chung là tìm lý do để hội tụ…như là cho bõ một khoảng thời gian quá dài không được gặp nhau.  Không những thế sau những lần gặp nhau này chúng tôi còn tổ chức ra các phân hội, chi hội ở cả ba miền, bầu cử, chỉ định, thay thế các chức danh…lãnh đạo với mong mỏi là mọi hoạt động đạt được hiệu quả nhất. 

Các bạn trẻ bây giờ được đi học trong điều kiện tốt hơn, được gặp nhau thường xuyên, nhờ công nghệ thông tin có thể biết được bạn mình đang làm gì, ở đâu…hãy hiểu và thông cảm cho chúng tôi một thế hệ Phan nhân đã từng cùng ăn, ở, cùng vì  thành tích của trường Phan nhưng có nhiều thiệt thòi.

Bây giờ khi có được điều kiện như mọi người thì chúng tôi lại đã bắt đầu bước sang tuổi già, các bạn nữ có người đã về hưu, bạn nam cũng đang lục tục nối gót. Không biết rồi sẽ còn được gặp nhau đủ đầy, nhưng tôi tin một điều dù có ở đâu làm gì thì quãng đờì đẹp nhất vẫn là thời học tập ở trường Phan, kỷ niệm đẹp nhất vẫn thuộc về bạn bè trường Phan…

Nhằm tạo sân chơi cho các em học sinh trung học, các thầy cô, các cựu học sinh chia sẻ cảm xúc với mái trường, với thầy cô và bạn bè, Báo Nghệ An mở chuyên mục Lưu bút online . Độc giả có thể chia sẻ cảm xúc của mình bằng cách gửi bài về địa chỉ email: bna.pdt@gmail.com. Các bài viết chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Nghệ An, được hưởng chế độ nhuận bút theo quy định của tòa soạn. 

Trần Đình Hà

TIN LIÊN QUAN