Đó là ý kiến của Luật sư Đặng Văn Cường về sự việc đăng phát những thông tin “phản cảm” của nhóm sản xuất chương trình “nhưng kẻ lắm lời”.

Ngày 25/11 vừa qua, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT ban hành Công văn số 1301 gửi Công ty TNHH Monday Morning yêu cầu dừng phát chương trình “Những kẻ lắm lời”.

Hình ảnh chương trình
Hình ảnh chương trình "Những kẻ lắm lời"

Công văn nêu rõ: Qua theo dõi trên mạng, được biết từ tháng 6/2015 đến nay, Công ty TNHH Monday Morning đã cho phát trên Youtube hơn 20 chương trình Bitches in Town (Những kẻ lắm lời).

Rất nhiều nội dung trong các chương trình này có ngôn từ nhận xét, đánh giá thô tục, phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của nhiều cá nhân, gây bức xúc trong xã hội.

Tuy nhiên, MC của nhóm này lại phát biểu sẽ không dừng sản xuất chương trình. Để bạn đọc có cái nhìn mang tính pháp lý về vấn đề truyền thông này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Vp Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cho biết ý kiến xung quanh câu chuyện này.

Ls Đặng Văn Cường, Trưởng Vp Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)

Thưa luật sư, việc một nhóm làm chương trình phát tán trên mạng xã hội (youtube) trong đó có những nội dung bình luận "cười cợt nhân vật lịch sử", bình luận trang phục, hình thức của các cá nhân. Quan điểm của luật sư về sự việc này như thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường:Kể từ khi xuất hiện chương trình này thì đã có nhiều người lên tiếng phản đối về cách thể hiện của các MC, họ nói một tự do vô biên và đầy cảm tính, mang dấu ấn cá nhân đối với các nhân vật trong những câu chuyện của họ. Điều đáng nói ở đây, các nhân vật trong các câu chuyện của chương trình này lại là các nhân vật lịch sử hoặc những người nổi tiếng… Nhiều người cho rằng chương trình này thật nhố nhăng, lố bịch… ngoài ra, các chuyên gia pháp lý còn thấy lo ngại về tính hợp pháp của chương trình này và nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông ra văn bản “túy còi” chương trình này là điều cần thiết để tránh những sự quá đà từ kịch bản của họ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tiếp tục xem xét, làm rõ các sai phạm và xử lý theo quy định pháp luật để đảm bảo các quyền lợi của các chủ thể trong xã hội, giữ gìn các giá trị và hóa của dân tộc.

Luật sư có thể lý giải kỹ hơn về việc yêu cầu dừng phát chương trình này là hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật?

Luật sư Đặng Văn Cường: Việc một nhóm làm chương trình phát tán trên mạng xã hội (youtube) trong đó có những nội dung bình luận “cười cợt nhân vật lịch sử”, bình luận trang phục, hình thức của các cá nhân là hành vi không thể chấp nhận được, thể hiện sự thiếu tôn trọng, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Đặc biệt, các bình luận cười cợt nhân vật lịch sử - những người đã có công lao to lớn, cống hiến xương máu cho tổ quốc lại càng không thể chấp nhận được. Hành vi này có thể nói là mặt đạo đức của họ đang rất có vấn đề, thiếu hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc, không biết trân trọng giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc…

Nếu nhóm sản xuất chương trình vẫn tiếp tục làm, theo luật sư, pháp luật có chế tài như thế nào đối với hành vi phát tán thông tin trên mạng Internet kiểu như “Những kẻ lắm lời”?

Luật sư Đặng Văn Cường: Hành vi đăng tải, phát hành các chương trình bình luận trang phục một cách quá đà, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác và hành vi xuyên tạc, cười cợt các nhân vật lịch sử, các anh Hùng dân tộc sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định như sau: “Điều 64. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”

Khoản 4, điều 64 cũng quy định: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại điều Điều 65 quy định về các hành vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Khoản 4, Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi  chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;  Khoản 5 quy định, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: c) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Theo luật sư, cơ quan quản lý nào sẽ được xử phạt và yêu cầu nhóm làm video clip phải dừng phát chương trình?

Luật sư Đặng Văn Cường: Việc đăng tải, phát tán các clip nêu trên trên các mạng xã hội là hành vi thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông và văn hóa. Vì vậy, các cơ quan thông tin truyền thông, quản lý về văn hóa xã hội sẽ có thẩm quyền xử lý. Còn thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực nêu trên theo quy định pháp luật là do cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan hành chính hoặc cơ quan công an tổ chức thực hiện.

Xin cảm ơn luật sư!

Điều 64. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định;

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

c) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 65. Vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội

5. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

c) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

(Trích Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ)

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN