(Baonghean) - Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhu cầu về con giống để tái đàn gia cầm là rất lớn, việc mua bán, vận chuyển gia cầm diễn ra nhộn nhịp gây khó khăn trong việc kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ về bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao. Vì vậy, những ngày này, huyện Yên Thành đang tập trung chỉ đạo các xã chủ động các biện pháp phòng dịch.

Xã miền núi Quang Thành là một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm, thuỷ cầm phát triển mạnh. Theo thống kê, toàn xã hiện có 72.600 con, chủ yếu chăn nuôi ở các trang trại, gia trại. Vì thế, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm mỗi khi thời tiết chuyển mùa là nhiệm vụ quan trọng, luôn được cấp uỷ đảng, chính quyền xã quan tâm thực hiện, nhằm thúc đẩy chăn nuôi phát triển, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của người dân. Ông Phan Lệ Kin - Trưởng ban thú y xã Quang Thành cho biết: Để đảm bảo tổng đàn phát triển ổn định, thú y xã đã thường xuyên khuyến cáo cho bà con về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm khẩu phần thức ăn trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Đặc biệt khi tái đàn phải mua con giống có địa chỉ rõ ràng, đủ các tiêu chuẩn và phải nuôi cách ly từ 10 đến 15 ngày mới được nhập đàn. 

Toàn huyện Yên Thành hiện có gần 1,8 triệu con gia cầm, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo cho chăn nuôi phát triển ổn định, ngành chức năng đã tham mưu cho UBND huyện, chỉ đạo các địa phương điều tra nắm rõ tổng đàn và tình hình dịch bệnh, nhất là ở các xã vùng giáp ranh và vùng sâu trũng. Tăng cường cán bộ bám điểm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến cáo cho bà con  chấp hành nghiêm pháp lệnh thú y; thực hiện tiêm phòng văcxin định kỳ cho 100% tổng đàn, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến tận xóm, hộ chăn nuôi. Ngoài ra, đội ngũ thú y viên cơ sở đã đến tận hộ gia đình, nhất là các khu trang trại, gia trại chăn nuôi lớn để hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, thường xuyên thực hiện việc tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại không để phát sinh dịch bệnh. Ông Nguyễn Thanh Hải - xóm Khánh Hoà, xã Khánh Thành cho hay: Vào thời điểm sau Tết, dịch bệnh gia cầm thường hay bùng phát, nhưng bằng kinh nghiệm qua nhiều năm chăn nuôi, gia đình rất tự tin, không để dịch xẩy ra, bởi vì vật nuôi luôn được chăm sóc chu đáo, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin theo chu kỳ; khu vực chuồng trại luôn đảm bảo khô ráo, sạch sẽ.
Vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở xã Khánh Thành (Yên Thành).
Hiện nay, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, trước nguy cơ tiềm ẩn dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung, huyện Yên Thành đang tập trung chỉ đạo các  địa phương tăng cường kiểm tra giám sát, tuyên truyền cho bà con đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác thú y, phát hiện sớm các ổ dịch ở các hộ gia đình, kịp thời báo cáo cho thú y cơ sở để có biện pháp khống chế, Trong đó người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; ngành chuyên môn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, lưu thông gia súc gia cầm  trên địa bàn. Vào thời điểm này, Trạm thú y huyện đã cung ứng được 62 nghìn liều vắc xin các loại, một số hóa chất  cho các xã vùng trọng điểm, tiến hành phun tiêu độc khử trùng các khu vực lò mổ, chợ, khu vực chuồng trại chăn nuôi -  Ông Nguyễn Khắc Minh - Trưởng trạm thú y huyện Yên thành nhấn mạnh.
Ngay sau Tết,  Trạm phối hợp với các xã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đối với gia cầm, thuỷ cầm, đặc biệt là cúm gia cầm H5N1, chú trọng những xã từng có ổ dịch như: Phú Thành, Vĩnh Thành, Nhân Thành... Đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng vắcxin đúng kênh, đúng luồng và tăng cường công tác quản lý nhà nước theo quy định pháp lệnh thú y.
Bằng sự chỉ đạo sâu sát từ huyện đến cơ sở về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm và kinh nghiệm trong chăn nuôi của người dân, Yên Thành đang tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống các loại dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt cho tổng đàn, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương. 
Thái Dương - Hồng Nhung