Clip: Thái Dương.

Tại huyện Yên Thành, nước từ thượng nguồn đổ về  đã gây ngập úng trên diện rộng, thiệt hại nặng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. 

Theo số liệu báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt huyện Yên Thành, trên 4.400 ha lúa hè thu đang trong thời kỳ ngậm đòng bị ngập, trong đó khoảng 2.000 ha có nguy cơ mất trắng; gần 100ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; trên 25 ha rừng bị gãy; hàng ngàn con gia cầm, thủy cầm bị lũ cuốn trôi.

Đập Lim, xã Đồng Thành (Yên Thành) bị vỡ thân đập vừa mới nâng cấp. Ảnh: Thái Dương

Đặc biệt, nước lớn cộng với hoàn lưu bão số 3 đã có hơn 900 hộ dân ở các xã Long Thành, Khánh Thành, Bảo Thành, Công Thành, Trung Thành bị nước tràn vào nhà; hiện tại 140 hộ dân của xóm 5, xã Bảo Thành đang bị nước lũ cô lập.

Đê ngăn lũ Khe Cát (xã Bảo Thành); đập Lùng (xã Thịnh Thành); đập Lim (xã Đồng Thành) bị vỡ từ 10 - 12 m; đê Biên Hòa (xã Khánh Thành) bị sạt lở 200m gây ngập úng khu vực hạ lưu. Một số cầu, cống ở xã Tân Thành, Minh Thành, Hậu Thành, Phúc Thành bị sụt lún.

Xã Khánh Thành huy động lực lượng ứng cứu hộ đê Biên Hòa. Ảnh: Anh Tuấn
Quốc lộ 7A, đoạn từ xã Công Thành đến Bảo Thành dài 2 km bị ngập từ 0,5 - 0,7 m, phương tiện không thể lưu thông; Quốc lộ 7B đoạn qua khu vực chợ Rộc, xã Trung Thành bị ngập sâu; nhiều tuyến đường liên huyện bị sạt lở nghiêm trọng; 21 cột điện bị đổ. Đặc biệt ở xóm Đồng Bàu, xã Mã Thành trạm biến áp hạ thế bị chập, gây cháy nhiều thiết bị điện của dân...

Ngay trong buổi sáng 19/7, các đồng chí lãnh đạo huyện đã trực tiếp về các vùng trọng điểm, huy động lực lượng tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, triển khai nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ nhân dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt trên tuyến đường Quốc lộ 7A, 7B, Công an Yên Thành và Đội CSGT 1-7 Công an Nghệ An đã  thành lập các trạm Barie cấm người và phương tiện qua lại. Đồng thời phân luồng, chỉ dẫn lưu thông đi đến các tuyến giao thông  toàn an toàn.

Công an Yên Thành phân luồng, chỉ dẫn cho người và phương tiện đi vào các tuyến đường an toàn.
Do cống tiêu úng Diễn Thành  Diễn Châu) đang thi công, vì thế đến 15h chiều 19/7, nước lũ tại các vùng sâu Yên Thành vẫn tiêu thoát chậm, nước từ đầu nguồn đổ về lớn, gây ngập úng trên diện rộng.    

Thái Dương - Anh Tuấn  

Đập Bầu Xạ, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu có trữ lượng hơn 1 triệu m3 nước. Hệ thống đập gồm 3 trạm bơm, 4 cống tưới và 1 tràn xả lũ. Đập tưới nước cho 300ha sản xuất nông nghiệp của bà con các xóm 9, 10, 5, 15, 13, 14, 2, 3, 4.

Do lượng mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã làm cho cống tưới thuộc xóm 17 bị vỡ bắt đầu từ ngày 14/7. Thời điểm đó, cống đập mới chỉ vỡ 1m, rồi tăng lên 3 m. Sau cơn mưa lớn của cơn bão số 3 vào tối 18 đến sáng 19/7, cống tiếp tục vỡ thêm với chiều dài lên đến 6 m, khiến nước dâng nhanh, chia cắt 7 hộ dân của xóm.
Cống tưới đập Bàu Xạ thuộc xóm 17, xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu) bị vỡ với chiều dài 6m, phải dùng cọc tre làm cầu tạm bắc qua. Ảnh: Hồng Diện
Trước tình hình đó, xã Quỳnh Lâm chỉ đạo thôn 17 thông báo tình hình khẩn cấp trong đêm, tiến hành di dời dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ đến vùng an toàn. Đồng thời vận chuyển các loại gia súc, gia cầm lên vị trí cao hơn. Ban cán sự thôn huy động lực lượng các tổ chức đoàn thể dùng cọc tre làm cầu tạm bắc qua để giúp các hộ dân bị chia cắt được lưu thông ra bên ngoài.
 

"Hiện nay việc sạt lở quá dài, nếu diễn biến tiếp tục mưa sẽ sạt lỡ mạnh; xóm giao cho Chi hội Cựu chiến binh túc trực ở cây cầu tạm này để hỗ trợ 7 hộ dân bị chia cắt những ngày mưa gió" - ông Hồ Viết Lạng, trưởng thôn 17, xã Quỳnh Lâm cho biết thêm.

 
Hàng trăm ha lúa bị ngập lụt do vỡ cống đập Bàu Xạ. Ảnh: Hồng Diện
Việc cống tưới của đập Bầu Xạ bị vỡ đã gây ngập trắng hơn 200 ha lúa, hoa màu và xóa sổ gần 8 ha nuôi cá nước ngọt. Dự kiến khoảng 15 - 20 ngày nữa lượng nước trong đập cạn thì nước phía ngoài mới rút hẳn.Ông Hồ Ngọc Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm cho biết thêm, xã đã tổ chức họp ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trực tiếp làm việc tại cơ sở thôn, giao cho thôn bằng mọi biện pháp không được để chia cắt các hộ ở hai bên khu vực cửa cống, làm cầu tạm để đi lại.

Hiện tại, do lưu lượng nước ở các hồ đập ở xã Ngọc Sơn cùng các dòng chảy trên địa bàn xã đều dồn về đập Bầu Xạ nên mực nước dâng cao, các diện tích lúa phía dưới vùng đập càng ngập sâu. Nếu tình trạng mưa còn xảy ra trên địa bàn, ngập úng kéo dài nguy cơ gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với người dân.