P.V:Với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, nên qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn huyện Yên Thành đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về điều này? 
 
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện, Huyện ủy Yên Thành đã chủ động sớm xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đến nay, huyện Yên Thành đã có 38/38 xã đạt chuẩn NTM; Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đánh giá, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.
Trong 10 năm qua, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt gần 5,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương hơn 242 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 348 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 277 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 1,2 nghìn tỷ đồng, vốn vay tín dụng hơn 203 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 189 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 1,7 nghìn tỷ đồng.  Từ năm 2010 đến nay, huyện đã huy động gần 400 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp 42 hồ đập và 7 trạm bơm. 
bna_ghep2903618_2422020.jpgDiện mạo nông thôn ở Yên Thành đã ngày càng khởi sắc. Ảnh: Tư liệu

Diện mạo nông thôn ở Yên Thành đã ngày càng khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, như hệ thống giao thông đã nhựa hóa, bê tông hóa thêm 425 km. Đường trục thôn, xóm cứng hóa thêm 838,5 km, đường trục chính nội đồng cứng hóa thêm 458,5 km. 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động, cơ sở vật chất giáo dục được trang bị hiện đại, đạt chuẩn theo quy định. 100% thôn có nhà văn hóa với đầy đủ trang thiết bị... Toàn huyện hiện có 92 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non 31 trường, tiểu học 38 trường, THCS 18 trường, THPT 5 trường). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 78,15%. Tổng vốn đầu tư trong 10 năm cho giáo dục khoảng 727,187 tỷ đồng.

Xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị vào xây dựng mô hình trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc ưu tiên các mô hình sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm thị trường, hướng tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng.
Mỗi năm giải quyết việc làm cho 3.600 - 4.000 lao động đưa tổng số lao động có việc làm trong 9 năm hơn 30.000 lao động, trong đó có hơn 15.000 người làm việc ở nước ngoài thông qua xuất khẩu lao động. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước: Năm 2010 đạt 13,92 triệu đồng/người/năm, năm 2015 đạt 26,075 triệu đồng, đến năm 2019 ước đạt 43 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo giảm dần theo các năm, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9,42%, đến nay còn 1,92%.
Đồ họa: Lâm Tùng

P.V: Những năm qua, Yên Thành tập trung mạnh vào lĩnh vực thu hút đầu tư, đây cũng là tiêu chí để tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Vậy kết quả ở lĩnh vực này như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Yên Thành luôn xác định thu hút đầu tư là “chìa khóa” để giúp huyện nhà khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Là huyện “lúa” nên Yên Thành luôn ưu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, huyện đã kêu gọi được Tập đoàn TH cam kết đầu tư 4.000 - 6.000 ha lúa chất lượng cao, xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu với tổng mức 3.000 tỷ đồng. Các công ty cổ phần như Đồng Giao, Tâm Nguyên liên kết đầu tư sản xuất rau, đậu, lúa hàng hóa; các công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Giống Thái Bình, Giống Bắc Ninh, Vật tư nông nghiệp Nghệ An liên kết đầu tư sản xuất lúa giống...
Sản xuất giống lúalchất lượng cao tại xã Hoa Thành, Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
Tính đến thời điểm này, huyện đã thu hút được 1.693 dự án đầu tư vào địa bàn huyện với tổng vốn đầu tư 14.885 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt lĩnh vực thu hút đầu tư, Yên Thành đưa ra các giải pháp như: Tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, nhằm tác động tích cực đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt huyện quan tâm đến cơ chế hỗ trợ mặt bằng, bàn giao mặt bằng “sạch” cho nhà đầu tư. Tăng cường đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Huyện luôn coi việc thu hút được nhiều dự án về địa bàn huyện sẽ có thêm việc làm cho nhiều lao động để người dân không phải vào miền Nam kiếm việc làm, có cuộc sống ổn định ở quê hương. Ngoài ra, huyện đã quan tâm thu hút các nguồn lực từ hoạt động hướng về quê hương của con em Yên Thành trong và ngoài nước, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thu hút dự án Jica xây dựng kênh mương ở Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
P.V:Để tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trong giai đoạn tiếp theo, huyện đã có giải pháp nào?
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Thời gian tới huyện Yên Thành tiếp tục nâng cao chất lượng từng tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo hướng bền vững. Đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn. Ưu tiên triển khai lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc chương trình nông thôn mới và các nguồn xã hội hóa để phát huy hiệu quả đầu tư.
Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng các nhãn hiệu hàng hóa đối với một số sản phẩm như cam, bưởi, nấm, đào... Đẩy mạnh thực hiện “Chương trình mỗi làng xã, một sản phẩm”, “Vườn chuẩn nông thôn mới”... Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với công nghiệp chế biến như cam, dứa, nguyên liệu giấy, nguyên liệu cho nhà máy chế biến gạo sạch và lạc sen thắt tại cụm công nghiệp thị trấn... 
Yên Thành thu hút lĩnh vực may mặc (Nhà máy may Nhật Bản).

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là mở rộng hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, quyết định tính hiệu quả và bền vững của liên kết.

Thực hiện xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước sạch, chợ nông thôn, công trình thu gom, xử lý rác thải và một số công trình công ích khác.
Huyện cũng đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, mở rộng các loại hình dịch vụ, chú trọng dịch vụ phục vụ sản xuất, du lịch và đời sống dân sinh; kết hợp du lịch tâm linh, du lịch sinh thái với du lịch trải nghiệm nông thôn mới. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng NTM, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!