(Baonghean) - Mức thù lao hỗ trợ chưa tương xứng; hầu hết tuổi đã cao, lại chưa được đào tạo cơ bản... là những bất cập ảnh hưởng chất lượng hoạt động của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, dù họ có vai trò khá quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Cánh tay nối dài
Đã 20 năm nay, bước chân của chị Lê Thị Minh, nhân viên y tế thôn bản đã in dấu khắp các con suối, con khe, ngọn đồi của bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Hàng ngày, chị Minh cứ lặn lội, tìm đến tận từng hộ dân để tuyên truyền về lợi ích của chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình dinh dưỡng cho trẻ, vận động phụ nữ mang thai tới sinh con tại trạm y tế xã...
Ở Na Tổng có chị Vi Thị A Ly hiện đang mang thai đứa con thứ 2 được 6 tháng, chồng đi làm ăn xa, không có ai gần gũi chăm sóc. Chị Minh đã hỗ trợ, tư vấn đầy đủ để chị Ly có một thai kỳ khỏe mạnh. Chị Ly chia sẻ: “Bản thân em cũng như bà con ở đây biết được ý nghĩa quan trọng của tiêm chủng mở rộng, khám thai định kỳ, cách chăm sóc thai nhi… là nhờ sự tư vấn nhiệt tình, cặn kẽ của chị Minh. Tháng nào có lịch tiêm, chị cũng đến tận nhà nhắc đến trạm y tế xã để tiêm phòng, kiểm tra”.
Bản Na Tổng hiện có 134 hộ với 520 khẩu bao gồm 3 dân tộc Kinh, Thái và Tày Poọng. Nhờ am hiểu phong tục tập quán, thói quen lối sống của đồng bào, nên chị Minh đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của bà con trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của chị đã góp phần đem lại kết quả thiết thực. Nhiều năm qua bản không có dịch bệnh xảy ra, bên cạnh đó bản làm tốt việc vận động kế hoạch hóa gia đình nên 10 năm liền bản không có ai sinh con thứ 3 trở lên.
Huyện Tương Dương có rất nhiều nhân viên y tế thôn bản tận tụy như chị Lê Thị Minh. Anh Kha Văn Diện - nhân viên y tế của bản Quang Thịnh, xã Tam Đình cũng đã nhận được nhiều lời khen của dân bản. Ông Vi Võ Tuấn - Trưởng bản Quang Thịnh nhận xét: "Địa bàn bản đường xá đi lại khó khăn, dân trí không đồng đều, rất khó khăn cho hoạt động của nhân viên y tế. Nhưng anh Diện rất kiên trì, buổi họp dân nào anh cũng tuyên truyền rất mạnh, nên dân bản thay đổi suy nghĩ, hành động để giảm sinh và làm tốt dần lên về vệ sinh môi trường".
Còn ông Lương Văn Bằng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thông Thụ, huyện Quế Phong cho hay: Giữa bao khó khăn đó, nhờ có lực lượng y tế thôn bản là “cánh tay nối dài” của trạm y tế tới 1.055 hộ dân cư để thực hiện có chất lượng công tác phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, nước ăn chân, sốt rét, cảm cúm, các bệnh xã hội.
Áp lực cao, phụ cấp thấp
Chị Lang Thị Soa, nhân viên y tế bản Định Tiến, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu chia sẻ những khó khăn, áp lực từ công việc: “Bất kể trời mưa hay nắng, ngoài công việc thường xuyên được phân công, bà con cần là tôi lập tức có mặt ngay. Tuy vậy nhiều khi chồng con không hiểu, không thông cảm làm mình khó hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, ngoài đường sá đi lại khó khăn, thì phương tiện làm việc thiếu...”
Thực tế cho thấy, cống hiến và thời gian dành cho công việc của nhân viên y tế thôn bản không phải là ít, nhưng thu nhập của họ còn thấp. Hiện tại, đối với tỉnh Nghệ An đang chi trả phụ cấp mức 0,35 và 0,55 hệ số mức lương cơ bản được quy định theo từng vùng. Cụ thể, đối với nhân viên y tế vùng đồng bằng, miền núi thấp được nhận 402.500 đồng/tháng, vùng đặc biệt khó khăn được chi trả 632.500 đồng/tháng, bao gồm cả 3% BHYT.
Phụ cấp thấp không đủ để trang trải cuộc sống khiến những năm gần đây, một số nhân viên y tế thôn bản không còn mặn mà với công việc. Không ít người đã phải bỏ công việc ý nghĩa này để chuyển sang làm việc khác hoặc nghỉ hẳn để chuyên tâm lo kinh tế gia đình - y sĩ Kha Thị Khấn - Trạm trưởng Trạm y tế xã Tam Thái (Tương Dương) cho hay.
Chị Lê Thị Minh, nhân viên y tế bản Na Tổng, xã Tam Thái mong mỏi: “Chúng tôi phải đảm nhiệm rất nhiều việc, nhưng phụ cấp quá ít ỏi không đủ trang trải cho sinh hoạt của gia đình, nhiều người đã phải bỏ việc. Một tháng như tôi, thuộc vùng 135 nên được hưởng 630.000 đồng, nhưng gần như chưa đủ tiền xăng xe đi lại giao ban rồi các đợt truyền thông. Mong cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ thêm cho chúng tôi yên tâm công tác”.
Thực tế cho thấy, y tế cơ sở có mạnh hay không, phụ thuộc nhiều vào lực lượng y, bác sĩ công tác tại trạm y tế và nhân viên y tế thôn bản. Chế độ phụ cấp chưa tương xứng, vậy nên rất nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng y ra trường không có việc làm cũng chẳng mặn mà gì với công việc y tế thôn bản. Trong số 5.746 nhân viên y tế/5.979 thôn bản mà ngành Y tế Nghệ An đang quản lý, thì tuổi cao chiếm tỷ lệ lớn, với hơn 10,18%, chưa đảm bảo trình độ chuyên môn theo khung chương trình đào tạo của Bộ Y tế, không được cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên, do đó có nhiều hạn chế trong công tác.
Bác sỹ Trần Văn Công - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương kiến nghị: Về cơ bản đội ngũ cán bộ y tế thôn bản đã được đào tạo qua các lớp 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và đặc biệt có những trường hợp đào tạo qua lớp trung cấp; gần đây thì có các dự án đầu tư vào Trung tâm Y tế huyện cũng đã kết hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh bố trí các lớp nâng cao năng lực trình độ chuyên môn nhưng kết quả không cao. Chúng tôi cũng đã có đề xuất cấp trên tiếp tục tạo điều kiện nâng cao năng lực, đào tạo lại chuyên môn cho đội ngũ nhân viên tuyến y tế cơ sở.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay: Ngành đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02 Quy định về số lượng, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn, đơn vị quản lý và chi trả phụ cấp đối với nhân viên y tế xóm, bản trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện quyết định này một cách nghiêm túc, nhằm đảm bảo 100% xóm, bản có nhân viên y tế hoạt động hiệu quả. Về mức phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản chưa tương xứng, Sở Y tế đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản đặc biệt là những thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa khó khăn. |
Thanh Sơn - Hiến Chương