* Sớm có phương án thay thế cầu Nghi Văn 1 (Nghi Lộc)
Cầu Nghi Văn 1 nằm trên địa phận Km25+600 Tỉnh lộ 534 được xây dựng năm 1997, là cầu dầm liên hợp dầm thép 1, thiết kế mặt cầu là bản bê tông cốt thép lắp ghép, gồm 2 nhịp với tổng chiều dài 12,6m, bề rộng toàn cầu 4,5m, bề rộng xe chạy 4m. Mố, trụ cầu được xây bằng đá hộc, lan can cầu là bê tông cốt thép lắp ghép. Tải trọng khai thác qua cầu là 13 tấn. Đến nay, cầu đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Trong báo cáo tình trạng của cầu do Phòng Kết cấu hạ tầng, Sở GTVT chỉ rõ: Hiện cả 2 mố cầu bị rạn nứt, bong tróc vữa xây ở phần chân, tường cánh bị đẩy nghiêng. Do trụ yếu nên được gia cường bằng khung thép nhưng hiện tại khung thép và dầm thép cũng bị hoen rỉ, hư hỏng; bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép lắp ghép cũng bị nứt vỡ cục bộ, xê lệch vị trí; gờ chắn bánh bằng bê tông bị nứt, nghiêng ra phía ngoài; lan can cầu bị nứt, mất ổn định; đường 2 đầu cầu bị rạn nứt, cong vênh lún lõm.
Ngoài ra, vị trí cầu được đặt ở đoạn cua gấp, tim đường hẹp trong khi mặt cầu đã bị xuống cấp, sụt lún nên không đảm bảo an toàn. Tuyến đường này là nơi đi lại của nhân dân các xã lân cận (xã Sơn Thành, huyện Yên Thành; các xã Nghi Vạn, Nghi Mỹ, Nghi Lâm, Nghi Phương, huyện Nghi Lộc) nên lưu lượng phương tiện qua lại khá đông. Học sinh Trường THPT Nghi Lộc 2 và THPT Nghi Lộc 5 hàng ngày đi qua con đường này. Đặc biệt, gần đây xuất hiện tình trạng xe chở quá khổ, quá tải chạy qua để tránh trạm cân trên QL1A càng làm tăng nguy cơ sập cầu.
Chính quyền xã Nghi Văn cho biết, nơi đây đã xảy ra trên 5 vụ tai nạn giao thông, trong đó làm chết 2 người, nguyên nhân là do cầu xuống cấp.
Trước thực trạng này, Sở GTVT Nghệ An đã giao đơn vị trực tiếp quản lý tuyến tổ chức trực gác, kiểm tra bố trí lắp đặt biển cảnh báo, thực hiện gia cường tạm kết cấu mặt cầu phục vụ đảm bảo giao thông, kịp thời hạ tải trọng cho phép qua cầu. Tháng 5/2014, Sở GTVT Nghệ An đã có văn bản báo cáo về tình trạng của cầu gửi UBND tỉnh và ngành chức năng đề xuất cho phép đầu tư xây dựng cầu mới bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu để thay thế cầu cũ.
Ngày 27/5/2014, UBND tỉnh đã có Văn bản 3495, đồng ý chủ trương giao Sở GTVT làm chủ đầu tư lập dự án xây dựng mới công trình này, với kinh phí dự kiến 7 tỷ đồng. Ông Vương Đình Nhuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án Vốn sự nghiệp kinh tế giao thông, Sở GTVT cho biết: Xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ Nghi Văn 1 là công trình cấp thiết. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm công trình vẫn chưa thể triển khai bởi khó khăn về nguồn vốn. Giải pháp trước mắt để bảo đảm an toàn công trình và an toàn giao thông, phía ban cũng chỉ mới dừng lại ở việc cắm biển hạn chế.
Châu Yên
* Tiềm ẩn TNGT do thi công dang dở
Ngày 16/4/2015, Báo Nghệ An điện tử phản ánh: Tuyến đường vành đai Thị xã Thái Hòa nối Quốc lộ 48 đi qua địa phận xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Long, Nghĩa Hòa được rải nhựa hơn 1 năm, nhưng nay tuyến đường đi qua xóm Nam Cát, xã Nghĩa Long ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ voi. Các phương tiện ô tô, xe máy khi đi qua đoạn đường này phải đi vào lề đường hoặc vất vả vượt qua một bên ổ voi nên không an toàn.
Sau khi báo nêu, UBND Thị xã Thái Hòa đã kiểm tra, xử lý yêu cầu BQL dự án thị xã, nhà thầu khắc phục, sửa chữa, nâng cấp đoạn đường bị xuống cấp nêu trên, để đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Việc làm này đã góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều tháng thực hiện, bên cạnh nhiều đoạn đường xuống cấp đã được khắc phục, sửa chữa vẫn còn nhiều đoạn trên đường vành đai Thị xã Thái Hòa đi qua xóm Nam Cát, xã Nghĩa Long thi công dang dở gây rất nhiều khó khăn cho người đi lại, tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo triệt để, sớm hoàn thành việc khắc phục các đoạn đường vành đai Thị xã Thái Hòa nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông.
T.L
* Nỗi lo mất an toàn lưới điện
Một số hộ dân đội 5, bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, huyện Qùy Châu rất lo lắng cho tính mạng và tài sản bởi đường dây điện 110 kv đi qua khu vực mà họ đang sinh sống.
Ông Trần Văn Đông, một người dân ở đội 5, bản Quỳnh 2 cho biết: Gia đình ông làm nhà từ năm 1987, đến năm 2006, đường dây điện 110 kv mới được lắp đặt, chạy qua nóc nhà, cách mặt đất 8 - 10m. Gần đây, khi ông Đông đang đứng trước cửa nhà bếp thì bị điện giật. Đàn lợn trong chuồng cũng bị điện giật chết. Sau khi có sự cố điện giật, gia đình ông đã trình báo với cán bộ địa phương và ban quản lý bản.
Cách đây mấy tháng, xe ô tô tải của Công ty 36 đang thi công công trình kênh tiêu gần nhà ông Đông, lúc đang đổ đất cũng bị nhiễm điện từ đường điện 110 kv nên bị nổ lốp, rất may không có thương vong về người.
Đường dây điện 110 KV đi qua đội 5, bản Quỳnh 2 đe dọa an toàn tính mạng và gây thiệt hại về tài sản, người dân đã làm đơn kiến nghị thì được cơ quan điện lực huyện trả lời bằng miệng rằng: “Đường dây 110 kv làm trước khi dân chưa làm nhà ở”. Sau 2 vụ phóng điện của đường điện 110 kv xảy ra, hiện người dân rất lo lắng.
Đối chiếu với Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện số 14/2004/NĐ-CP ngày 26/2/2014, tại Điều 9, Mục d, Khoản 2, ghi: Khoảng cách từ điểm thấp nhất của đường dây điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất không nhỏ hơn: đối với điện áp 110 KV là 15m. Cũng tại Điều 13, Khoản 3 của nghị định trên ghi: Khoảng cách từ một bộ phận nào của nhà ở, công trình xây dựng đến đường dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn quy định: Đối với đường điện 110 KV là 4m. Theo quan sát thì tại vị trí nơi đường dây điện 110 kv phóng điện gây sự cố đường dây điện chỉ cách mặt đất khoảng 8m, tại vị trí đường dây bị võng cực đại chỉ cách mặt đất 6 đến 6,5m. Tại vị trí gần nhà ông Trần Văn Đông đường dây điện đã bị đứt một số sợi, chỉ cách tường chuồng nuôi bò, lợn của gia đình ông Đông 2m.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân nơi có đường dây 110 kv đi qua, trong đó có đoạn đi qua khu dân cư đội 5 bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, đề nghị ngành Điện lực kiểm tra chất lượng đường dây và phạm vi an toàn lưới điện.
Nguyễn Minh Giảng