(Baonghean) - Đẩy nhanh tiến độ đường Châu Thôn qua Nghĩa Đồng, lao động biển thiếu hụt, học sinh vẫn đi xe máy tới trường... là các ý kiến của bạn đọc gửi về Báo Nghệ An.
 
Đẩy nhanh tiến độ đường Châu Thôn qua Nghĩa Đồng
 
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Châu Thôn - Tân Xuân có tổng chiều dài toàn tuyến 77,5 km. Trong đó giai đoạn 144,5 km, khởi công năm 2008, đi qua các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 có chiều dài 33 km, nối huyện Tân Kỳ với Quỳ Hợp đang tiến hành thi công. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn tuyến cả 2 giai đoạn gần 740 tỷ đồng, được thực hiện theo nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. 
 
image_2567151.jpgĐường Châu Thôn qua Nghĩa Đồng thi công dang dở.
Do nhiều nguyên nhân,  đến nay 31 km thuộc giai đoạn 2 đã hoàn thành phần nền, trong đó đã rải nhựa được hơn 26/33 km. Riêng 1 km đi qua địa bàn xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) đến nay vẫn chưa xong phần GPMB, thi công dang dở ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ông Nguyễn Văn Thảo, Bí thư xóm 4a, xã Nghĩa Đồng cho biết: “Đường Châu Thôn - Tân Xuân có 1 km đi qua 2 xóm của Nghĩa Đồng, khởi công từ hơn 4 năm nay, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Trong khi các xóm khác trong xã đã khép kín bê tông theo tiêu chí NTM. Mong Ban Quản lý dự án và nhà thầu sớm thi công để người dân bớt khổ”. Ông Ngô Xuân Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Kỳ họp hội đồng lần nào, cử tri xã Nghĩa Đồng cũng kiến nghị, đề xuất, xã cũng đã đề nghị lên huyện, tỉnh mong sao đường sớm thi công, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
 
Trân Châu
 
Thiếu hụt lao động biển
 
Đầu mùa biển, ngư dân các xã Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận… (Quỳnh Lưu) phấn khởi vì chuyến vươn khơi hiệu quả. Ngư dân ra khơi với tinh thần vui vẻ và hồ hởi vì giá dầu không tăng, cá tôm được giá, nhiều tàu vươn khơi chưa tới 20 ngày nhưng thu lãi hàng tỷ đồng.
 
Lao động nghề biển đang thiếu hụt
Nhưng không ít chủ tàu trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu lo lắng khi lao động biển thiếu hụt trầm trọng. Để bảo đảm cho một chuyến bám biển vươn khơi từ 15 đến 20 ngày, mỗi tàu cần tới gần 20 lao động. Chủ tàu muốn có đủ quân số để ra khơi đúng lịch phải “ký hợp đồng” với lao động từ trước Tết Nguyên đán. Còn nếu ra Giêng mới tìm, gọi chỉ tuyển được những lao động chưa có kinh nghiệm đi biển. Đó là chưa kể đến chuyện, chuyến đi biển thắng lợi thì lao động đi tiếp chuyến sau, còn thua lỗ là họ sẵn sàng bỏ việc để sang làm cho tàu khác! Để giữ chân lao động, mỗi chuyến đi, đều phải cho họ ứng trước lương; có những ưu đãi... Thiếu lao động nên không thể khai thác hết công suất, lãng phí nhiên liệu.
 
Theo tìm hiểu, tại các địa phương có thế mạnh về đánh bắt hải sản trên địa bàn huyện Quỳnh thì các xã như: Tiến Thủy, Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận… tình trạng thiếu hụt lao động đi biển diễn ra khá phổ biến. Hiện lao động trên các tàu là người dân các địa phương có nghề khai thác thủy, hải sản giảm rõ rệt. Lao động trên các tàu chủ yếu là người các địa phương lân cận, lao động chưa có tay nghề, kinh nghiệm đi biển. 
 
Hiện Quỳnh Lưu có 1.272 phương tiện tàu thuyền với tổng công suất 250.020 CV, trong đó tàu có công suất trên 400 CV là 256 chiếc, còn lại là số tàu thuyền dưới 400 CV, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong khi các chủ tàu không ngừng đóng mới, hoán cải, nâng công suất tàu để bám biển dài ngày, lao động nghề biển ngày càng giảm. Phần lớn lao động trên các tàu đều là lao động thủ công, làm việc theo kinh nghiệm mà chưa được đào tạo, tập huấn những kỹ năng cần thiết cho nghề đi biển.
 
Hoàng Thúy
Đài Quỳnh Lưu
 
Nghi Lộc: Nhiều học sinh đi xe máy đến trường 
 
Trên địa bàn Nghi Lộc có 5 trường THPT. Hầu hết các trường đều nằm trên những trục giao thông chính của huyện, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá đông, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhất thời điểm tan học. Hiện nay, tình trạng học sinh đi xe máy đến trường ở Nghi Lộc diễn ra khá phổ biến và hầu hết các em đều không chấp hành Luật Giao thông (không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; lạng lách…).
 
Học sinh Trường THPT Nghi Lộc 4 đi xe máy đến trường.
Có mặt tại cổng Trường THPT Nghi Lộc 4 vào lúc 6 giờ 30 phút sáng. Từ các ngã rẽ vào trường, có nhiều học sinh chở 3, chở 4 trên những chiếc xe máy không đội mũ bảo hiểm đi vào khu vực trường. Khi được hỏi vì sao đi xe máy đến trường các em cho biết: “Nhà ở Nghi Thiết xa quá nên em phải đi xe máy”.
 
Không chỉ Trường THPT Nghi Lộc 4, mà hiện nay trên địa bàn huyện Nghi Lộc còn có rất nhiều trường hợp học sinh đi xe máy đến trường. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của các ban ngành liên quan, đặc biệt nhà trường cần có giải pháp đồng bộ vừa tuyên truyền cho học sinh, đồng thời tổ chức cho các bậc phụ huynh ký cam kết chấp hành Luật Giao thông.
 
Thu Hiền
Đài Nghi Lộc