Lãng phí công trình tiền tỷ
Tháng 8/2011, Trường THCS Phong Thịnh (Thanh Chương) do UBND xã Phong Thịnh làm chủ đầu tư được xây dựng trên diện tích 1,4ha gồm nhà 2 tầng với 12 phòng học. Theo kế hoạch thì công trình được chia làm 2 gói thầu, gói thầu số 1 xây dựng các phòng học dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2011, gói thầu số 2 gồm các công trình: nhà hiệu vụ, tường rào và nhà vệ sinh, tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng (trong đó 90% vốn nhà nước, 10% nguồn vốn đối ứng). Khu nhà được xây dựng ngay cạnh trường Tiểu học Phong Thịnh theo mục tiêu sát nhập trường THCS và tiểu học giai đoạn 2011 - 2015. Gói 1 đã được bên thi công bàn giao cho UBND xã từ cuối năm 2011. Thế nhưng cho đến nay ngôi nhà 2 tầng vẫn đang bị bỏ hoang. Cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp, nhất là hệ thống đường dây điện và bóng đèn hầu như đã hư hỏng; sân trường cây cỏ mọc um tùm và từ lâu đã trở thành nơi… chăn thả gia súc của bà con trong làng. Trong khi đó, học sinh đang phải học tập tại ngôi trường cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, phía trên mái nhà đã bị dột nát, các bảng điện đã bị lão hóa theo thời gian.
Lý do trường học mới chưa thể đưa vào sử dụng được vì chưa có các công trình phụ trợ như: nhà hiệu vụ, tường rào bao quanh và nhà vệ sinh. Được biết, gói thầu số 2 dự kiến sẽ khởi công vào quý IV năm 2014 với thời gian thi công là 6 tháng và tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Và cũng theo dự kiến thì vào năm 2015 thầy trò Trường THCS Phong Thịnh sẽ được chuyển về giảng dạy và học tập ở ngôi trường mới. Tuy nhiên, điều mong ước của bà con nhân dân và thầy trò Trường THCS Phong Thịnh khó thành hiện thực vì đến thời điểm này gói thầu số 2 vẫn chưa được tiến hành.
Trường mới khang trang đã xây dựng được 50% hạng mục nhưng lại bị bỏ hoang suốt 4 năm qua thì thật là một sự lãng phí quá lớn. Thiết nghĩ các cấp, các ngành, địa phương cần sớm có sự quan tâm, huy động nguồn vốn để đầu tư để công trình sớm được đi vào sử dụng.
Quốc Cường
(Hội Nhà báo Nghệ An)
Cần sớm hoàn thành đập Bàn Vàng
Đập Bàn Vàng xã Tiến Thành (Yên Thành) trữ lượng 30 vạn m3 nước, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 100 ha đất sản xuất của các xóm 6a, 6b xã Tiến Thành. Trước thực trạng đập xuống cấp, năm 2011, nhà nước có chủ trương nâng cấp đập Bàn Vàng, với các hạng mục: nâng cao thân đập, kè đá hộc mái ta luy dương; xây dựng cống vận hành; tràn xả lũ và xây dựng 100 m kênh. Tổng mức đầu tư của công trình là 4,7 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp 4 tỷ đồng. Công trình do Công ty TNHH Hải Phú An khởi công xây dựng đầu năm 2012.
Thế nhưng, cho đến nay sau 3 năm thi công, công trình nâng cấp đập Bàn Vàng vẫn chưa hoàn thành, điều đáng nói, một số hạng mục mặc dù đã hoàn thành, nhưng mới qua một mùa mưa lũ của năm 2013 đã bị hư hỏng nặng. Phần tràn xả lũ, mặt tràn bong tróc, hư hỏng hoàn toàn, cần phải làm lại và một số điểm khác bị nứt nẻ. Bên cạnh đó, phần kề đá hộc mái ta luy dương, sát với tràn xả lũ, vẫn còn khoảng 30m dài đang trong tình trạng dở dang, lâu nay đơn vị thi công không tiếp tục làm. Trước thực trạng trên, xã Tiến Thành đã nhiều lần đề nghị UBND huyện sớm có giải pháp để hoàn thiện công trình trước mùa mưa lũ năm nay, nhằm đảm bảo công trình và phát huy vai trò cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng cho đến nay, đơn vị vẫn chưa tiếp tục thi công, công trình đứng trước nguy cơ hư hỏng đặc biệt trong mùa mưa lũ, nhất là phần tràn xả lũ và thân đập.
Được biết, đến thời điểm này, chủ đầu tư là UBND huyện Yên Thành đã giải ngân 3 tỷ đồng cho công trình này.
Xuân Hoàng
Cảnh giác với bút Frixion ball 05
Loại bút đặc biệt mang thương hiệu Frixion ball 05 xuất xứ từ Nhật Bản khiến nhiều người tò mò. Loại bút này về hình thức giống bút bi bình thường, khi viết có màu mực xanh, một đầu viết và một đầu tẩy, viết xong có thể xóa ngay mà không gây tì vết trên giấy. Bút này giá chỉ khoảng 80.000 đồng. Tuy nhiên bút này sẽ bị bay mực khi tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ từ 700C trở lên.
Nhiều giáo viên cho rằng, bút rất thuận tiện cho việc vào điểm ở sổ điểm cá nhân và sổ điểm lớn. Sổ điểm lớn có tính chất pháp lý được đóng dấu treo của Sở Giáo dục và Đào tạo; được hiệu trưởng kiểm tra ký tên, đóng dấu hằng tháng và tổng kết học kỳ, cả năm mà được các giáo viên sử dụng theo kiểu “điền - xóa - điền” thì rất nguy hiểm. Thiết nghĩ, trước khi các giáo viên hiện thực hóa và truyền tai nhau “sáng kiến kinh nghiệm” này thì nhà trường nên quán triệt và kiên quyết nói không với loại bút này.
Hiện nay trên các trang báo mạng quảng cáo tràn lan: “Dạng bút gài tiện lợi: 1 đầu viết mực bút bi, đầu còn lại xoá không còn dấu vết, không xước giấy (chỉ xóa mực do bút này viết ra thôi, không xóa được mực bút khác đâu nhé) giá 90.000 đồng/chiếc. Có nhiều bút như 888 thì chỉ viết sau 2 giờ mực sẽ bay hết và bay ngay nếu tiếp xúc với nguồn nhiệt. Những loại bút hầu hết được “truy lùng” để thực hiện mục đích xấu, liên quan đến các hợp đồng và giao dịch kinh tế. Ngay cả nhân viên ngân hàng cũng được khuyến cáo cẩn thận với bút “phù thủy”.
Trước khi loại bút này gây ra hậu quả, người dân nên cảnh giác trong các giao dịch kinh tế và hợp đồng có giá trị; cơ quan chức năng nên có biện pháp quản lý mặt hàng này, tránh nó được sử dụng phổ biến.
Nguyễn Lương Ngọc