(Baonghean) -Hiện nay, cùng với sự phát triển của thể thao, các vận động viên (VĐV) thường phải tập luyện, thi đấu với cường độ cao, do đó họ phải đối mặt với những rủi ro như chấn thương hay những hậu quả lâu dài khác về sức khỏe, dẫn đến thành tích, thậm chí là cả sự nghiệp bị ảnh hưởng. Do đó, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho các VĐV đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, cũng như ở nhiều địa phương khác, công tác y học thể thao ở  Nghệ An hiện nay còn nhiều bất cập.
 
images937793_chan_trang_7.jpgNhân viên y tế của CLB SLNA chăm sóc cầu thủ trẻ bị chấn thương.
 
Về chuyện chấn thương trong giới thể thao Nghệ An, nổi tiếng nhất có lẽ là chuyện cầu thủ Nguyễn Công Minh. Là tiền vệ trung tâm có chuyên môn xuất sắc của CLB SLNA, Công Minh từng được gọi vào đội tuyển quốc gia thi đấu ở SEA Games 25 năm 2009. Trong trận đấu mở màn vòng đấu bảng, Công Minh chỉ chơi được một hiệp trước khi bị thay ra vì chấn thương đầu gối. Tiền vệ này sau đó được kết luận là bị đứt dây chằng chéo và đối mặt với nguy cơ giã từ sân cỏ. Nhờ sự hỗ trợ của CLB SLNA, tháng 6/2010, tại TP. Hồ Chí Minh, tiền vệ này đã được phẫu thuật thay dây chằng chéo thành công bởi một nhóm bác sỹ người Mỹ. Sau đó, Công Minh tiếp tục sự nghiệp thi đấu trong màu áo một CLB ở Hà Nội nhưng phong độ của cầu thủ này đã không còn như xưa. Từ câu chuyện của Công Minh, những vấn đề bất cấp của y học thể thao đã được phơi bày, từ chăm sóc ban đầu cho tới chẩn đoán, điều trị chấn thương. 
 
Ngoài trường hợp của Nguyễn Công Minh, từ trước đến nay, đã có không ít trường hợp VĐV đã và đang cống hiến cho thể thao Nghệ An bị dính chấn thương nặng, có nguy cơ giã từ sự nghiệp thể thao. May mắn là nhiều người trong số họ nhờ được điều trị kịp thời và đúng phương pháp nên đã trở lại thi đấu, như Lê Công Vinh, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Hồng Tiến ở môn bóng đá hay gần đây là Nguyễn Thị Hòa (cầu mây), Nguyễn Thị Đường (taekwondo), Đoàn Xuân Luyện (vật)… Thực tế cho thấy, đòi hỏi khắt khe của thể thao thành tích cao khiến các VĐV thường phải tập luyện, thi đấu với cường độ lớn, đôi khi quá sức. Đáng tiếc là đối với thể thao hiện nay, chăm sóc y tế cho VĐV thường chỉ được đề cập tới sau khi sự cố đã xảy ra chứ chưa được tiến hành một cách bài bản, từ chăm sóc ban đầu như chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện cho đến điều trị, chăm sóc phục hồi. VĐV Mai Sỹ Việt (điền kinh) cho biết: “Các vấn đề về sức khỏe của các thành viên trong đội điền kinh chúng em hiện nay hầu hết đều do HLV đảm nhận, và chỉ khi bước vào các giải đấu, chúng em mới được khám sức khỏe để xem đủ điều kiện thi đấu hay không?”. 
 
Được biết, trong công tác y học thể thao hiện nay, tỉnh ta mới chỉ có một bác sĩ duy nhất là bác sỹ Hồ Viết Trần – hiện là Trưởng phòng hành chính của Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể thao. Hơn 30 năm làm công tác chăm sóc sức khỏe VĐV, trong đó từng có hơn 10 năm làm việc ở CLB SLNA, bác sỹ Trần cho biết: “Phải khẳng định rằng, y học thể thao có ảnh hưởng rất lớn đến thành tích của VĐV, bởi nó liên quan chặt chẽ tới thể lực, phong độ của VĐV. Ở những nước có nền thể thao phát triển, bác sỹ thể thao có một vai trò hết sức quan trọng. Ở mỗi một đội tuyển hay một cơ sở đào tạo thể thao, các bác sỹ phải nắm được hệ thống cơ bắp và sức khỏe , khả năng chịu đựng, thói quen vận động, thói quen ăn uống, trạng thái tâm lý của từng VĐV để tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cũng như tinh thần cho VĐV.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, trước mỗi trận đấu, các bác sỹ còn truyền đạt cho VĐV những nguyên lý thể thao cần thiết (sự tiêu hao, tích lũy, sản sinh ra năng lượng…), đặc biệt là những kinh nghiệm, bí quyết về thể lực trong quá trình thi đấu. Do đó mới có một chuyên ngành riêng về thể thao. Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo tôi biết, hiện nay, cả nước mới chỉ có hơn chục người được đào tạo chuyên sâu về y học thể thao. Còn ở Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể thao Nghệ An, dù quản lý xấp xỉ 300 VĐV nhưng bộ phận chăm sóc sức khỏe VĐV, ngoài tôi là bác sĩ, cũng chỉ có thêm 1 săn sóc viên có trình độ trung cấp điều dưỡng và không ai được đào tạo chuyên ngành Y học thể thao.
 
Bên cạnh đó, kinh phí cũng như sự quan tâm dành cho y học thể thao hiện nay còn nhiều hạn chế. Khi các đội tuyển của tỉnh đi thi đấu dài ngày ở các giải vô địch quốc gia, việc có đội ngũ y tế đi theo là rất quan trọng để theo dõi giám sát về chế độ dinh dưỡng, xử lý kịp thời những phát sinh về sức khỏe, thể lực trong quá trình tập luyện, thi đấu. Tuy nhiên, do những hạn chế về kinh phí, cộng theo áp lực về thành tích, các đội tuyển thường ưu tiên cho VĐV và huấn luyện viên, còn các săn sóc viên phải… ngồi nhà, do đó những chấn thương của các VĐV, nếu xảy ra, sẽ không được phát hiện và điều trị ban đầu kịp thời, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”.
 
Ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá SLNA bày tỏ: “Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trên bình diện cả nước, ở tất cả các bộ môn, công tác y học thể thao vẫn chưa được coi trọng, dẫn đến đội ngũ bác sỹ có chuyên khoa về y học thể thao còn thiếu và yếu. Nhân viên y tế của CLB hiện có 2 người nhưng không ai có trình độ bác sỹ, do đó việc chẩn đoán, sơ cứu ban đầu cho các cầu thủ bị chấn thương trong tập luyện cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến sức khỏe hàng ngày của cầu thủ còn có những hạn chế. Thực tế, đã có không ít trường hợp chấn thương không đến mức để lại di chứng hay cố tật cho cầu thủ, nhưng do khâu sơ, cấp cứu ban đầu không chuẩn đã dẫn đến bệnh nhẹ mà thành nặng. Để khắc phục, những năm qua, chúng tôi đã liên hệ với nhiều bệnh viện trong tỉnh tuyển một bác sỹ về làm việc tại CLB, nhưng không có bác sỹ nào muốn về”. 
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tam – Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể thao tỉnh cho biết: “Hiện nay, do nguồn kinh phí cấp cho hoạt động của các đội tuyển còn hạn chế nên công tác chăm sóc y tế cho VĐV còn nhiều bất cấp. Với cường độ tập luyện của VĐV hiện nay, chúng tôi mong muốn được thành lập một phòng hoặc ít ra một tổ y học thể thao (trực thuộc phòng hành chính) để công tác chăm sóc sức khỏe VĐV được cải thiện và đi vào chuyên nghiệp hơn”. 
 
Thiết nghĩ, để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho các VĐV, góp phần phát triển thể thao thành tích cao, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần cho chủ trương về việc thành lập phòng, tổ y học thể thao ở các cơ sở đào tạo thể thao, đồng thời có cơ chế để thu hút bác sỹ về làm công tác y học thể thao, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên ngành cho đội ngũ y tế sẵn có, nâng cao chế độ đãi ngộ để họ toàn tâm toàn ý với công việc. Có như vậy thì các VĐV cũng sẽ yên tâm hơn nếu như họ có bị chấn thương trong quá trình thi đấu.
 
Minh Quân