Chiều 29/6, sau 2 ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ đại án xảy ra tại ngân hàng BIDV.
HĐXX quyết định y án sơ thẩm đối với cả 3 bị cáo cùng về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Trong đó, Đinh Văn Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) bị tuyên 12 năm tù; Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) 18 năm tù và Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ bị cáo Dũng, thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng) 3 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Đinh Văn Dũng liên đới cùng Trần Anh Quang (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) bồi thường hơn 23 tỷ đồng, trong đó, cá nhân bị cáo Dũng là hơn 6 tỷ đồng. Tòa cũng buộc Công ty Trung Dũng phải hoàn trả BIDV hơn 600 tỷ đồng, hai vợ chồng Đoàn Hồng Dũng liên đới bồi thường 263 tỷ đồng chiếm đoạt của BIDV.
Theo HĐXX, bị cáo Đinh Văn Dũng với cương vị tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty Bình Hà, cũng là thành viên góp vốn tại công ty này. Bị cáo trực tiếp ký hợp đồng với công ty môi giới và chỉ đạo việc bán bò cũng như thu tiền bán bò, bao gồm chuyển tiền bán bò vào tài khoản cá nhân để góp vốn công ty. Do đó, quan điểm của bị cáo và luật sư cho rằng, bị cáo không có trách nhiệm trong việc bán bò là không có căn cứ.
Đối với hai vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng, HĐXX đánh giá hành vi vi phạm của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền hơn 263 tỷ đồng, cần phải có hình phạt nghiêm khắc. Mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên với cả 2 bị cáo là phù hợp, không nặng, thậm chí mức án đối với Nguyễn Thị Thanh Sơn là quá nhẹ, chưa tương xứng với hậu quả mà hành vi của bị cáo này gây ra.
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Thanh Sơn có cam kết khắc phục hậu quả cho BIDV nhưng số tiền và lộ trình chi trả mà bị cáo đưa ra là quá ít so với hậu quả, không đủ để cân nhắc xem xét tình tiết giảm nhẹ.
Ngoài ra, HĐXX còn ra phán quyết đối với các nội dung kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Trần Lan Phương, con gái của ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, đã chết). Bà Phương cũng chính là người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của mẹ mình – bà Ngô Kim Lan (vợ ông Hà, đã mất trước phiên phúc thẩm).
Theo HĐXX, hầu hết các tài sản của vợ chồng ông Trần Bắc Hà được hình thành vào thời điểm trước khi ông Hà có hành vi vi phạm pháp luật, do đó, cần tiếp tục kê biên các bất động sản mang tên vợ chồng ông Hà để đảm bảo thi hành án.
Riêng với bất động sản tại 60A Bà Huyện Thanh Quan (TP.HCM), HĐXX xác định đây là tài sản riêng của bà Lan, do vậy có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phương về việc giải tỏa kê biên đối với bất động sản này.
Trước đó, quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo Đinh Văn Dũng nhiều lần kêu oan. Ông Dũng khẳng định không chỉ đạo việc tiêu thụ bò cũng như thu tiền bán bò của Công ty Bình Hà, do vậy không thể chiếm đoạt tiền của BIDV. Bị cáo này cùng luật sư bào chữa đề nghị tòa hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Hai bị cáo có đơn kháng cáo còn lại là vợ chồng ông Đoàn Hồng Dũng tha thiết mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình, cả về phần hình sự và dân sự.
Trong khi đó, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Trần Lan Phương cho rằng trong số những tài sản bị kê biên của vợ chồng ông Trần Bắc Hà có 2 bất động sản ở TP.HCM là tài sản riêng của mẹ bà, mong được giữ lại để gia đình có nơi sinh sống.