Vì sao có tình trạng này và liệu tới khi nào thì mọi việc mới thực sự lắng xuống?

Trước hết, từ “một thoáng buồn” trên gương mặt của Tiến Linh, người chỉ giành danh hiệu Quả bóng Bạc, người ta ngay lập tức tìm mọi cách để chứng minh thành tích của cầu thủ Bình Dương xuất sắc hơn, đáng kể hơn so với thành tích của Văn Quyết, người lần thứ 2 được vinh danh Quả bóng Vàng (lần trước vào mùa giải 2020).

Ở đây có thể thấy, xét thành tích đóng góp cho câu lạc bộ, Văn Quyết xứng đáng hơn khi cùng Hà Nội FC đoạt ngôi vô địch quốc gia, cúp quốc gia và siêu cup quốc gia, là Cầu thủ xuất sắc nhất V-League. Trong khi đó, Tiến Linh cùng đồng đội không giúp cho Bình Dương lọt nổi vào top 3 (chỉ đạt hạng 7) nên ở góc nhìn này, tiền đạo Bình Dương khó có thể sánh được thành tích so với…đối thủ cạnh tranh.

Văn Quyết lần thứ 2 giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam vào các năm 2020 và 2022. Ảnh: Zing.vn

Nhưng ở góc nhìn đóng góp cho Đội tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam, Văn Quyết lại không thể so bì với Tiến Linh khi Tiến Linh trở thành Vua phá lưới AFF Cup 2022 (6 bàn), đóng góp xuất sắc khi tham gia vào đội hình U23+3 đoạt Huy chương Vàng SEA Games 31, được đưa vào danh sách bầu chọn Quả bóng Vàng châu Á…Ở Đội tuyển Việt Nam thời ông Park Hang-seo, Văn Quyết chỉ là tiền đạo dự bị, không có đóng góp gì đáng nói.

Những người thiên về ủng hộ đóng góp của Tiến Linh cho quá trình “vạch lá tìm”…đóng góp của Văn Quyết cho Hà Nội FC cho rằng, những bàn thắng có được của Văn Quyết chỉ được ghi trước những đội bóng yếu, những trận đấu cuối cùng không có Văn Quyết đội bóng vẫn thi đấu tốt chứng tỏ vai trò có thể thay thế của tiền đạo này, kể cả sau khi vắng Quang Hải…Thậm chí họ còn đi xa hơn khi nói người ta bầu chọn lần này không khác gì sự việc “tôn vinh một tuyển thủ sắp giải nghệ” hồi nào mà thôi…

Vậy thì “ai sẽ hơn ai” lúc này khi tiêu chí bầu chọn Quả bóng Vàng Việt Nam không làm được vai trò “trọng tài” trong cuộc bầu chọn mà yếu tố cảm tính không thể tránh khỏi? Thực tế cho thấy không phải mùa giải nào cũng có các nội dung, tiêu chí bầu chọn như nhau bởi có mùa cầu thủ chỉ tham gia giải quốc nội, có mùa lại cả quốc nội lẫn quốc tế và đóng góp cho cả hai, thật sự luôn không dễ dàng, như trường hợp của cả Văn Quyết lẫn Tiến Linh.

Tiến Linh đã rất gần Quả bóng Vàng Việt Nam nhưng không thắng được số phiếu của Văn Quyết. Ảnh: Zing.vn

Bởi thế, khi nhận phiếu bầu chọn, có vị huấn luyện viên phát biểu như một định hướng rằng, sẽ chọn trước hết cầu thủ thi đấu tốt nhất ở V-League, đồng thời xem xét thành tích khi tham gia đội tuyển…và vị này công khai tuyên bố bầu cho Văn Quyết. Cũng lại có chuyên gia cho rằng, nên xem xét đồng thời cả 2 yếu tố trên, cả đóng góp cho câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia, vì thế, danh hiệu này nên dành cho Hoàng Đức, Văn Lâm khi họ đóng góp tốt cho Viettel, Bình Định lẫn các đội tuyển, chứ không phải Văn Quyết hay Tiến Linh?

Không ai phủ nhận thành tích của các tuyển thủ xuất sắc nói trên, nhưng nếu một cuộc bầu chọn để lại “một thoáng buồn” trên gương mặt sáng láng của họ, để lại nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa thì việc cần làm sắp tới là phải công bố rõ ràng, cụ thể các tiêu chí bầu chọn, mọi thông số có thể được tính điểm để tổng hợp, đánh giá. Tất nhiên, cuộc bầu chọn nào cũng sẽ để lại những dư âm không đáng có, chẳng hạn những câu chuyện liên quan giữa Messi và Ronaldo. Nhưng giảm thiểu những điều đáng tiếc phải là quá trình tất yếu, tự nhiên, như một văn hóa cần phải có để các cuộc vinh danh thực sự mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, nhiều dư vị ngọt ngào, không hề gợn một thoáng buồn nào đó, đâu đó./.