Lựa chọn nào cho châu Âu?

Khi lực lượng Nga đẩy mạnh cuộc tấn công ở phía Đông, Ukraine ngày 13/6 đã yêu cầu phương Tây cung cấp số vũ khí lớn hơn gấp nhiều lần so với những cam kết trước đó.

Các chiến thuật của Ukraine trong giai đoạn đầu cuộc chiến gần như không hiệu quả khi cuộc xung đột đã chuyển sang khu vực Donbass ở phía Đông Ukraine, nơi Nga đang dựa vào lợi thế về pháo tầm xa. Nga đang nỗ lực để kiểm soát thành phố Severodonetsk và tiến sát tới thành phố lân cận Lysychansk.

Xung đột Nga - Ukraine: Châu Âu trước ngã rẽ 'hòa bình hay chiến tranh' ảnh 1

Binh lính Ukraine ở thành phố Severodonetsk. Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italy đang lên kế hoạch cho chuyến thăm đầu tiên đến Thủ đô Kiev của Ukraine, kể từ khi xung đột nổ ra. Họ và các nhà lãnh đạo phương Tây khác phải quyết định xem có nên tăng gấp đôi việc trang bị vũ khí cho Ukraine hay gây sức ép mạnh hơn đối với các cuộc đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh.

Ivan Krastev, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược Tự do có trụ sở ở Sofia, Bulgaria, cho biết, hiện tồn tại hai trường phái ở châu Âu. Một là “phái hòa bình”, mong muốn kết thúc chiến tranh nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại về người và kinh tế. Bên còn lại là “phái công lý”, mong muốn lực lượng Nga bị đẩy lùi và trừng phạt.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí và nhấn mạnh rằng đất nước của ông phải giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết, Ukraine cần 1.000 pháo cỡ nòng 155mm, 300 hệ thống tên lửa phóng loạt MLRS M270, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái, để đạt được vị thế ngang bằng với Nga ở khu vực Donbass.

NY Times nhận định rằng, yêu cầu về số vũ khí lớn như vậy là không thực tế khi những khẩu pháo Howitzer đang được chuyển tới Ukraine nhanh hơn thời gian binh sĩ nước này được đào tạo để sử dụng chúng. Trong khi đó, Ukraine vẫn muốn tiếp tục gây áp lực lên phương Tây khi nói rằng số vũ khí hiện tại không đủ.

Khả năng chiến đấu của Ukraine trong xung đột với Nga sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ chuyển giao và số lượng vũ khí hạng nặng được cung cấp từ phương Tây. Phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Nga và cung cấp viện trợ tài chính và quân sự đáng kể cho Ukraine.

Tuy nhiên, trước hậu quả của chiến sự Nga – Ukraine, giới chức châu Âu cũng lo lắng về thiệt hại gây ra cho nền kinh tế của chính họ do lạm phát và giá năng lượng tăng cao, và về phản ứng chính trị có thể xảy ra trong nước. Nhiều nước châu Âu đang cố gắng tìm cách, ngay cả khi đó là một lệnh ngừng bắn tạm thời, để tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu tăng cao và một số khu vực trên thế giới có nguy cơ đối mặt với nạn đói.

Châu Âu cho rằng chiến sự Nga – Ukraine vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, không bên nào sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa cho đến khi một bên giành được lợi thế quyết định.

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét việc đưa Ukraine trở thành ứng cử viên chính thức cho tư cách thành viên. Các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng không biết động thái này có thể khiến Ukraine sẵn sàng nhượng bộ để kết thúc cuộc chiến hay không.

Chuyến đi đến Kiev của Tổng thống Emmanuel Macron, Thủ tướng Olaf Scholz và Thủ tướng Mario Draghi vẫn chưa được xác nhận chính thức và lịch trình cụ thể chưa được tiết lộ vì lý do an ninh, nhưng dự kiến sẽ diễn ra trước Hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu vào ngày 26/6.

Cuộc gặp với Tổng thống Ukraine tại Kiev sẽ mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện sự ủng hộ của các quốc gia Tây Âu đối với quốc phòng và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Pháp, Đức và Italy có khả năng sẽ công bố nguồn cung cấp vũ khí mới cho Ukraine và thảo luận về các lựa chọn khác nhau để giúp Kiev xuất khẩu ngũ cốc từ cảng Odessa đang bị phong tỏa.

Chương tiếp theo của chiến sự Nga - Ukraine

Cho đến nay, câu hỏi liệu sẽ có bất kỳ thỏa thuận về việc ngừng bắn giữa Nga và Ukraine hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Một người phát ngôn của Tổng thống Macron nói rằng Pháp muốn Ukraine chiến thắng nhưng bản thân ông Macron chưa bao giờ nói điều này một cách công khai. Thủ tướng Scholz nói rằng Nga sẽ không chiến thắng song chưa bao giờ nhắc đến việc Ukraine phải giành được chiến thắng.

Thủ tướng Draghi đã phá vỡ truyền thống thân thiết của Italy với Nga khi ủng hộ Ukraine mạnh mẽ. Ông Draghi cho rằng việc Ukraine trở thành thành viên EU một cách nhanh chóng là điều không thực tế nhưng sẽ là một vấn đề chính trong cuộc họp thượng đỉnh EU tiếp theo vào cuối tháng 6.

Các quan chức châu Âu đang thảo luận về việc các nước EU, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước cần ngũ cốc như Ai Cập về việc bố trí một nhóm tàu hộ tống cho các tàu xuất khẩu lương thực.

Đại diện Ukraine và Nga đã gặp nhau để đàm phán ngừng bắn ngay từ đầu chiến dịch quân sự, nhưng các cuộc thảo luận không mang lại kết quả, khi mỗi bên cáo buộc bên còn lại không nghiêm túc với thỏa thuận hòa bình. Các quan chức Ukraine nói rằng còn quá sớm để đàm phán với Nga và đàm phán có khả năng sẽ củng cố lợi ích của Nga, đồng thời có thể châm ngòi cho các hành động gây hấn./.