Một giáo viên tiểu học ở Mỹ vô cùng bất ngờ và xúc động khi nhận được câu trả lời của học sinh về những điều ước của mình, mở đầu bằng “Em ước cô giáo biết rằng...”.
Khi Kyle Schwartz bắt đầu trở thành giáo viên lớp 3 trường Tiểu học Doull, thành phố Denver, bang Colorado, Mỹ, cô muốn hiểu nhiều hơn về học trò nên đã đưa ra một yêu cầu: các em học sinh trong lớp phải hoàn thành câu "Em ước giáo viên có thể biết".
Câu trả lời của những đứa trẻ đã khiến cô Schwartz mở rộng suy nghĩ. Một vài em đang phải vật lộn với cuộc sống nghèo đói ("Em ước cô giáo biết em không có bút chì để làm bài tập về nhà"); phụ huynh thường xuyên vắng mặt ("Em ước cô giáo biết rằng đôi khi nhật kí đọc sách của em không được ký tên bởi vì mẹ không thường xuyên ở nhà"); hay một đứa trẻ không được gặp mặt bố ("Em ước cô giáo biết rằng tôi nhớ bố đến mức nào bởi vì ông ấy đã bị trục xuất về Mexico khi em mới lên 3 và em đã không gặp bố trong 6 năm.")
Bài học mà cô Schwartz nhận được khi bước vào năm thứ 5 trên con đường sự nghiệp trồng người là thực sự thấu hiểu học sinh của mình đang phải đối mặt với điều gì bên ngoài lớp học để giúp chúng thành công hơn trên ghế nhà trường.
Khi cô chia sẻ những điều mà cô nhận được từ năm học trước với những người khác, nó đã trở thành một nguồn cảm hứng. Nó lan truyền trên một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới Twitter với từ hóa “#iwishmyteacherknew”. Rất nhiều giáo viên khác cũng đang áp dụng bài tập này và nhận được những câu trả lời tương đồng. Một vài người đã gửi cho cô Schwartz câu trả lời của học sinh mà họ nhận được.
Trong cuốn sách mới phát hành của co Schwartz có tựa đề: " “I Wish My Teacher Knew: How One Question Can Change Everything For Our Kids” (Tạm dịch: Em ước giáo viên biết: Một câu hỏi có thể thay đổi tất cả vì những đứa trẻ), cô đã lý giải chi tiết tại sao đây là điều cần thiết để gia đình và nhà trường có thể phối hợp với nhau trong quá trình giáo dục trẻ nhỏ.
"Tôi thật sự muốn gia đình biết giáo viên chủ động như thế nào để tạo ra ý thức cộng đồng và tạo mối liên kết với những đứa trẻ. Trẻ em sẽ không học khi chúng cảm thấy không an toàn hoặc có giá trị." - Cô Schwartz nói.
Cô Melody Molinoff đến từ Washington, D.C - một bà mẹ của hai đứa con 9 và 11 tuổi đang theo học hệ thống trường công đồng ý với quan điểm này: "Cha mẹ nên xem giáo viên nhưng là nhưng đối tác trong việc nuôi dạy con cái và đó là trách nhiệm lớn lao mà chúng ta đang đặt lên vai người giáo viên cũng như trường học. Tôi luôn muốn giáo viên của con trai mình biết thử thách của chúng là gì, chúng thích gì và nhiều hơn về chúng."
Mary Clayman, giáo viên lớp 4 ở Washington cho biết, cô đã chú ý đến điều tương tự từ một khía cạnh khác của công việc: "Tôi đã dạy hơn 500 đứa trẻ trong sự nghiệp của mình và phụ huynh ở mỗi lớp đều muốn biết rằng cách con hộ đang giao tiếp xã hội và thể hiện tình cảm như thế nào".
Trong cuốn sách của mình, cô Schwartz viết về những sai lầm có thể ngăn chặn được nếu như biết rõ hơn về học trò của mình. Cô có một cậu học trò tên Chris luôn sợ hãi môn khoa học. Cô Schwartz nghĩ sẽ là một cơ hội tốt nếu em Chris chịu theo một khóa rèn luyện hè. Nhưng cô không hề biết rằng gia đình em gặp khó khăn về tài chính, cha mẹ em không thể nghỉ làm để đưa em đến dự khóa học.
Cô Schwartz cho biết, lớp học có thể trở thành một môi trường đầy tính nhân văn nhằm giúp đỡ các em học sinh khó khăn. Nhà trường nên có các quỹ hỗ trợ cho những học sinh đã trải qua cuộc khủng hoảng, như vậy mới giúp các em vững mạnh để đối mặt và vượt qua khủng hoảng.
“Là những giáo viên, chúng tôi biết cha mẹ là những thầy cô giáo đầu đời và tốt nhất của các em, và chúng tôi muốn họ cùng chúng tôi phát triển trẻ em từng ngày”, cô chia sẻ./.