Bất ngờ nhận được tin con
Sáng 27/5, gia đình bà Ngân Thị Thu ở bản Nóng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong vui mừng nhận được thông tin "Tìm người thân" của con trai bà Ngân Văn Sơn đăng trên nhóm “Người Quế Phong”. Cả nhà bà Thu mừng rỡ, bởi sau bao nhiêu năm tìm kiếm, có lúc tưởng chừng hết hy vọng thì nay con trai đã trở về. Ai cũng hồi hộp, trông mong sớm được gặp mặt Ngân Văn Sơn, người con lưu lạc đã 11 năm trời.
Anh Phan Văn Tiệp (33 tuổi) ở xóm Đình, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên cho biết, khoảng 11 h đêm ngày 26/5, có một thanh niên xuống xe tại đường tránh Vinh tìm đến quán anh ăn tối. Sau khi lân la hỏi chuyện, mới biết người khách đến quán muộn quê ở huyện Quế Phong, đi làm vàng từ hồi còn thiếu niên, bị lưu lạc ở trong Nam giờ mới tìm được về nhà, nhưng không nhớ rõ quê ở xã nào, bản nào. Do trời đã khuya nên anh Tiệp cho Sơn ở nhờ qua đêm. “Sơn không nhớ nhiều về quê mình, chỉ nhớ là nhà có 5 anh em, bố đã mất, mẹ tên Thu, ở huyện Quế Phong” - anh Tiệp kể.
Anh Ngân Văn Sơn không nhớ được nhiều về quá trình lưu lạc. Clip: Văn Tiệp |
Sáng hôm sau, anh Tiệp đã liên hệ với bạn bè ở huyện Quế Phong nhờ đăng lên nhóm “Người Quế Phong” để tìm người thân cho Sơn. Nhờ sự chia sẻ của cộng đồng mạng, ít phút sau, người thân của Ngân Văn Sơn ở xã Tri Lễ đã nhận ra người quen và gọi điện cho anh Tiệp, hẹn sẽ xuống Hưng Nguyên đón Sơn về nhà. Tuy nhiên, khi anh em chưa kịp xuống, thì buổi chiều cùng ngày, có người dân trong xã Tri Lễ đi công việc ở TP Vinh biết chuyện, đã ghé Hưng Nguyên đón hộ. Khoảng 14 h ngày 27/5, Sơn đã ngồi xe với người cùng xã về Quế Phong.
Cuộc hội ngộ xúc động
Sau 5 tiếng đồng hồ di chuyển, chiếc xe chở người con tha phương về đến bản Nóng khi trời đã nhá nhem tối, lúc đó khoảng 19 h. Nhiều người dân trong bản đứng đợi sẵn, khi thấy xe đến, đã đổ ra đường đón Sơn, trong niềm vui khôn tả.
Bà Ngân Thị Thu (59 tuổi) từ khi nhận được tin con trai đang ở Hưng Nguyên, lòng người mẹ nghèo mừng khấp khởi. 11 năm qua, bà đã khóc nhiều vì con, mỗi lần nghĩ đến con, hay ai nhắc đến con bà lại khóc. Bà cũng không nghĩ rằng sẽ được gặp lại con trong hoàn cảnh bất ngờ đến thế này. Khi bà Thu từ trong nhà bước xuống cầu thang cũng là lúc Sơn về đến đầu ngõ. Thấy mẹ, Sơn kêu to, “mệ, mệ ơi….”. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Anh Lô Văn Thọ chia sẻ: Tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy cảnh Sơn gặp lại mẹ mình, nhất là lúc Sơn gọi “mệ ơi”. Với một người con xa quê, không nhớ nhiều lắm về người thân, về quê hương, nhưng khi thấy bà Thu ở đằng xa Sơn vẫn nhận ra và gọi mẹ, khiến tôi xúc động.
Biết tin con trai bà Thu đã về, rất đông anh em, bà con trong bản, trong xã đã đến hỏi thăm, động viên, chúc mừng gia đình. Một số người bạn đi làm vàng với Sơn hơn 10 năm về trước cũng có mặt. Trong không gian gia đình ấm cúng, gặp lại người quen, dường như Sơn nhận mặt được hầu hết, nhưng không nhớ tên nhiều.
11 năm chờ đợi
Anh Ngân Văn Thiên, anh trai của Sơn kể: Sơn sinh năm 1992, mới học hết lớp 3 thì bỏ học, ở nhà đi làm với anh em. Hồi đó, khi phong trào đi đào vàng ở Quảng Nam bùng nổ, nhiều người Thái ở Tri Lễ, Quế Phong và các huyện vùng cao cũng tham gia. Đầu năm 2009, sau khi ăn Tết Nguyên đán xong, anh và nhiều người ở bản Nóng đã bắt xe lên đường vào Quảng Nam. Lúc đó, tuy mẹ không cho đi, nhưng Sơn vẫn bỏ nhà theo bạn bè vào khu làm vàng.
Tại Quảng Nam, anh và Sơn làm cho 2 ông chủ. Trong một lần công an truy quét điểm nóng, những người đi đào vàng chạy tán loạn, hai anh em thất lạc nhau từ đó. Những người Tri Lễ đi làm vàng ở Quảng Nam cũng không ai biết Sơn ở đâu.
11 năm qua, anh em trong gia đình luôn ngóng chờ tin Sơn, có lần cũng đã quay trở lại khu đào vàng tìm Sơn nhưng không thấy. Có người đồng hương bảo gặp Sơn ở Tây Nguyên, nhưng khi xin được ảnh gửi về thì không phải. “Từ khi em lưu lạc, gia đình luôn mong tin em. Chờ mãi không thấy, có lúc đã nghĩ dại có thể em đã bị giết đâu đó ở bãi vàng” - anh Thiên nói.
Xúc động giây phút về lại nhà sau 11 năm lưu lạc của Ngân Văn Sơn. Video: Văn Thọ |
Sơn đã trở về trong sự vui mừng, ngạc nhiên của gia đình, anh em, bè bạn. Tuy nhiên, Sơn không nhớ nhiều về quá khứ, anh quên tên người thân và quên cả tiếng Thái của mình.
Sơn kể, sau đợt truy quét vàng tặc của công an ở Quảng Nam, Sơn từng được đưa vào trại mồ côi. Sống ở trại này 1 thời gian, anh trốn ra ngoài đi làm thuê, rồi trôi dạt lên Đắk Lắk. Do bất mãn với chủ sử dụng lao động về việc trả tiền công, nên anh đã tìm đường về quê.
Anh Ngân Văn Thiên cho biết thêm, sáng 28/5, gia đình sẽ đưa em trai lên Ủy ban xã Tri Lễ trình diện. Gia đình cũng hy vọng Sơn sớm ổn định tinh thần, khôi phục trí nhớ, để hòa nhập với cuộc sống ở quê hương./.