Hai tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất siêu 865 triệu USD. Tuy nhiên, xuất siêu bền vững vẫn là điều mà các nhà điều hành kinh tế vĩ mô đang hướng đến.
Xuất khẩu giảm tốc
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 23,66 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 22,8 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Do đó, Việt Nam đã đạt được mức xuất siêu gần 900 triệu USD. Tuy nhiên phân tích cơ cấu cho thấy xu hướng xuất siêu chưa thực sự bền vững.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 19,1 tỷ USD, tăng trưởng chỉ khoảng 5,4%, khá thấp so với năm 2015. Trong số 42 nhóm mặt hàng xuất khẩu có đến 21 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm. Một số nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2015 thì lại đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại như điện thoại, linh kiện, máy vi tính, linh kiện điện tử, máy quay phim… Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm.
“Có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2015 như: thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, phân bón các loại, chất dẻo nguyên liệu, clinker và xi măng…”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.
Ngoài ra, có một yếu tố khách quan là giá bán hầu hết các nhóm hàng đều giảm đã tác động không nhỏ tới giá trị xuất khẩu. Trong đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng quặng và khoáng sản, dầu thô, xăng dầu, sắt thép, cao su, cà phê, hạt xơ sợi dệt các loại, sắn, gạo, tiêu...
Mặt khác, điều rất đáng lưu ý hiện nay là xuất siêu có được phần lớn nhờ vào hoạt động của nhóm doanh nghiệp (DN) FDI. Theo thống kê, 2 tháng đầu năm, khu vực DN trong nước nhập siêu 2,1 tỷ USD, còn khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,9 tỷ USD. Điều này cho thấy, DN trong nước vẫn đang trong giai đoạn phải đầu tư cho sản xuất, cần nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị, nguyên liệu và cần thêm nhiều thời gian nữa mới có thể xuất siêu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định: “Phải theo dõi sát diễn biến thị trường từ nay đến cuối năm bởi con số xuất siêu 2 tháng đầu năm chưa bền vững”.
Kiềm chế nhập siêu
Hai tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần nhập ước đạt gần 19,95 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, kim ngạch của nhóm hàng hạn chế nhập lại lên đến gần 1,1 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo ông Trần Thanh Hải, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu thì vẫn phải kiềm chế nhập khẩu ở mức phù hợp. “Trong năm 2015, ta đã thấy hiện tượng ồ ạt nhập khẩu thép, đặc biệt là phôi thép, đe dọa sản xuất trong nước. Do đó, trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn”, ông Hải nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, xuất siêu có được chủ yếu nhờ khu vực FDI, còn khu vực DN nội địa thì mờ nhạt. Điều này tiềm ẩn yếu tố không bền vững bởi khi DN FDI giảm đầu tư thì nhập siêu sẽ trở lại. Theo ông Phong, để đánh giá mức độ bền vững của xuất siêu phải căn cứ vào khả năng tiếp tục xuất siêu hay nhập siêu của 2 nhóm DN này. Với DN FDI, các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện điện tử... vốn đóng góp rất lớn vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, các DN trong nước vẫn chưa đủ sức vươn lên xuất khẩu để thay thế cho sự tăng trưởng chậm lại của nhóm FDI.
Do vậy, việc cần làm lúc này là các DN trong nước cần tìm hiểu và tận dụng các lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kí kết để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới.
Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), phân tích: Có hai nhóm hàng xa xỉ góp phần vào việc gia tăng nhập khẩu của Việt Nam, đó là ô tô và điện thoại. Ngoài việc hàng rào thuế quan giảm còn do nhu cầu tiêu dùng tăng. Khi niềm tin tiêu dùng ổn định, xu hướng sử dụng hàng xa xỉ còn tiếp tục tăng. Do đó, thời gian tới nhóm hàng này vẫn phải kiểm soát nhập khẩu.
Mặt khác, theo ông Phương, để thúc đẩy DN trong nước xuất siêu, cần dịch chuyển việc xuất khẩu hàng nguyên liệu thô và sản phẩm gia công sang chế biến sâu và hàm lượng công nghệ cao. “Để làm được việc này, phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu và linh kiện. Các cơ quan nhà nước cần đề ra biện pháp kiểm soát nhập khẩu một cách hợp lý thông qua việc áp dụng biện pháp phi thuế quan như thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay những khâu này của Việt Nam rất yếu”.
Theo Baotintuc.vn