Cầu thủ ra nước ngoài thi đấu là vấn đề tất yếu của xu thế phát triển bóng đá hiện nay. Tuy nhiên, nếu thống kê lại số phút thi đấu của các cầu thủ Việt Nam thì đó quả là những con số đáng buồn của bóng đá Việt Nam thời điểm này.
Hiện tại, bóng đá Việt Nam có 2 cầu thủ đang khoác áo các đội bóng nước ngoài là Nguyễn Công Phượng (Sint-Truiden, Bỉ) và Đoàn Văn Hậu (Heerenveen, Hà Lan). Có thể nói, Công Phượng và Văn Hậu đang được hít thở bầu không khí của các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Trước đó vào năm 2016, Công Phượng chuyển sang Nhật thi đấu cho CLB Mito Hollyhock tại J-League 2 và được ra sân 5 trận, tổng cộng 80 phút, không ghi được bàn thắng nào. Trước khi đến Bỉ, Công Phượng cũng có 8 trận cho Incheon United với 253 phút thi đấu. Thời gian thi đấu của anh trên mọi mặt trận là 401 phút, 4 trận đá chính, 5 lần từ ghế dự bị.
Tuy nhiên, khi mà giải VĐQG Bỉ đã trôi qua được 14 vòng đấu, số phút ra sân của Công Phượng chỉ là 1 phút vỏn vẹn. Tiền đạo trưởng thành từ lò HAGL cũng chỉ có 4 lần được đăng ký trong danh sách mỗi trận.
Và đương nhiên, việc thường xuyên bị cất trên ghế dự bị đã khiến phong độ của Công Phượng đang có dấu hiệu trượt dốc. Tại đội tuyển Việt Nam, lần gần nhất Công Phượng ghi bàn là bàn thắng vào lưới Jordan tại Asian Cup 2019. Tại vòng loại World Cup 2022, anh chưa ghi được bàn nào.
Còn trong màu áo CLB, lần gần nhất anh ghi bàn thắng là năm 2018 khi còn khoác áo HAGL. Mùa giải V.League 2018, Công Phượng ghi được 12 bàn thắng trước khi chuyển đến Incheon United.
Trong quá khứ, tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh cũng từng có thời gian khoác áo CLB Yokohama. Còn tiền vệ Lương Xuân Trường gắn bó với 2 CLB Hàn Quốc là Inchein United và Gangwon FC trước khi đến Thái Lan khoác áo Buriram United.
Nếu như Tuấn Anh chưa thi đấu 1 phút nào cho Yokohama thì số phút được thi đấu của Xuân Trường khá hơn, 4 trận với 251 phút cho Incheon United, 2 trận với 106 phút cho Gangwon và tại Buriram United là 6 trận với 258 phút và 1 bàn thắng.
Cầu thủ nhận được nhiều kỳ vọng nhất trong những lần xuất ngoại của bóng đá Việt Nam là Đoàn Văn Hậu vẫn chật vật tìm chỗ đứng tại trời Âu. Giải VĐQG Hà Lan đã trôi qua được 12 vòng đấu và số phút thi đấu của cầu thủ trẻ này vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Mặc dù, Văn Hậu có 6 lần được đăng ký.
Nếu xét về số lần được thi đấu, số phút hiệu quả mang lại thì các đàn em vẫn bị cựu tuyển thủ Lê Công Vinh bỏ xa. Năm 2013, tiền đạo xứ Nghệ có 13 bàn thắng tại V.League cho SLNA và chuyển đến Consadole Sapporo thi đấu theo dạng cho mượn.
Cụ thể, Lê Công Vinh có 9 trận đấu, 377 phút và ghi được 2 bàn thắng, 2 kiến tạo tại J-League 2. Thống kê bao gồm cả Cúp QG là 11 trận, 503 phút, 4 bàn thắng.
Trước đó, thời gian Công Vinh thi đấu tại Leixoes là không nhiều, nhưng Công Phượng và Văn Hậu vẫn chưa với đến được. Anh có 2 trận đấu tại Giải VĐQG Bồ Đào Nha với 116 phút thi đấu, không ghi được bàn thắng nào. Trên mọi mặt trận, Lê Công Vinh có 3 trận với 176 phút.
Mọi so sánh đều khập khiễng và chỉ mang tính tương đối, tuy nhiên cơ hội của Đoàn Văn Hậu được cho là nhiều hơn, vì hậu vệ trái ĐT Việt Nam vẫn còn rất trẻ. Trong quá khứ, Công Vinh phải mất ròng rã 2 tháng trời tập “chay” tại Bồ Đào Nha mới được ra sân thi đấu.
Nếu nhìn sang thành tích của các tuyển thủ Thái Lan, các cầu thủ Việt Nam vẫn còn cách khá xa. Điển hình như Chanathip Songkrasi. Cầu thủ chỉ cao 1m58 và nặng 55 kg này đã có 3 mùa khoác áo Sapporo.
Năm đầu 2017, Chanathip 16 trận, không ghi được bàn nào. Năm 2018 anh thi đấu 30 trận, 2.641 phút, trở thành trụ cột của đội bóng và ghi được 8 bàn thắng. Thành tích đó giúp Chanathip lọt vào đội hình tiêu biểu, sánh vai với các cầu thủ hàng đầu châu Á.
Năm 2019, thành tích của Chanathip cũng không hề tệ, tiền vệ của Thái Lan có 24 trận đấu với 2.142 phút trên sân và 4 bàn thắng. Nên nhớ rằng, khi Chanathip đến đây thi đấu thì CLB cũ của Lê Công Vinh đã thăng hạng J-League 1, tức là giải đấu cao nhất Nhật Bản.
Bên cạnh Chanathip, Thái Lan còn có rất nhiều gương mặt đang thi đấu tại nước ngoài và lạ trụ cột của những đội bóng đó như hậu vệ Theerathon Bunmathan (Yokohama FC), thủ môn Kawin chơi bóng tại OH Leuven của Bỉ và nhiều trường hợp khác đã trở về.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến cho cầu thủ Việt Nam gặp khó khăn khi chơi bóng tại nước ngoài đến từ yếu tố thể hình và sức mạnh. Bên cạnh đó, khả năng tiếp thu chiến thuật và trình độ ngoại ngữ cũng là một rào cản khá lớn.
Xem ra, dù bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và vững chắc kể từ khi HLV Park Hang-seo đặt chân đến. Thế nhưng, nếu lấy thành công của những cầu thủ ra nước ngoài thi đấu làm thước đó thì chúng ta vẫn còn cách Thái Lan khá xa.