(Baonghean.vn) - “Xuất ngoại” cầu thủ chưa thực sự được xem là một hướng đi, một chiến lược tạo đà cho sự phát triển của nền bóng đá nước nhà.

Công Vinh là điểm sáng

Lê Huỳnh Đức là cầu thủ đầu tiên của Việt Nam xuất ngoại thi đấu tại CLB Chongquin Lifan (Trung Quốc). Tuy nhiên đó là xuất ngoại với vai trò đi công tác, làm nhiệm vụ bóng đá chứ không phải được chiêu mộ như những cầu thủ khác trên thế giới.

images1952440_cong_vinh_sapporo.jpgLê Công Vinh để lại ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ khi thi đấu tại Nhật Bản. Ảnh: Internet

Sau đó là Lương Trung Tuấn tới Thái Lan trong tình cảnh bắt buộc, Việt Thắng và Hữu Thắng thử sức tại Bồ Đào Nha, Mỹ. Cho đến khi Lê Công Vinh kết thúc nửa năm thi đấu tại CLB Sapporo của Nhật Bản, bóng đá Việt Nam mới thực sự “mở mày mở mặt” vì màn trình diễn của tiền đạo xứ Nghệ tại J.League 2. Dù cho trước đó Công Vinh đã có 4 tháng tại Bồ Đào Nha, nhưng đó thực sự là chuyến đi không như ý muốn vì các cầu thủ châu Âu không chào đón một một cầu thủ châu Á như Vinh.

Xét về đẳng cấp, Công Vinh là "một 7, một 10" so với các cầu thủ bản địa Nhật Bản và ngoại binh. Tuy nhiên xét về những khía cạnh khác, cầu thủ sinh năm 1985 vẫn được đánh giá rất cao, trong đó có yếu tố chuyên nghiệp trong tập luyện, thi đấu. Đức tính cần cù, chịu khó và không ngừng khổ luyện đã giúp cho chân sút số 1 của bóng đá Việt Nam khoả lấp được phần nào những hạn chế về thể hình, kỹ thuật và trình độ tại nền bóng đá số 1 châu Á.

Giá trị và vai trò mà Lê Công Vinh thể hiện ở CLB Sapporo khiến người hâm mộ và lãnh đạo đội bóng này tha thiết muốn tiền đạo này ở lại. Chỉ cần SLNA đồng ý, Lê Công Vinh sẽ có thêm một bản hợp đồng “khủng” có giá trị 2 năm với CLB Nhật Bản, đáng tiếc điểm dừng chân cuối cùng của anh lại là B. Bình Dương.

"Đi một ngày đàng học một sàng khôn"

Khi thi đấu tại Nhật Bản, Công Vinh ở tuổi 28 đang trong độ chín của sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, được tập luyện và thi đấu với những cầu thủ có đẳng cấp cao cùng môi trường làm bóng đá chuyên nghiệp, tiền đạo xứ Nghệ tiếp thu và học hỏi được quá nhiều điều bổ ích. Từ đó, giúp anh trở thành một cầu thủ hoàn thiện và có những tích quỹ cho công tác quản lý bóng đá sau này.

Tại Việt Nam, HAGL là đội bóng tiên phong trong vấn đề xuất ngoại thời gian gần đây, tuy nhiên đa số đều được cho là thất bại, Công Phượng “ấm” ghế dự bị tại Mito Hollyhock thì Tuấn Anh cũng phải trở về quê hương sau thời gian khó khăn tại Yokohama FC. Cả 2 cầu thủ này đều được xem là những cầu thủ đẳng cấp của Việt Nam. Nhưng rõ ràng phải ở một môi trường bóng đá mới, ở đẳng cấp hơn họ mới biết những khuyết điểm và hạn chế của họ nằm ở đâu.

Ngay cả một tuyển thủ QG được cho là xuất sắc, toàn diện như Lương Xuân Trường cũng chỉ là sự lựa chọn thứ 2, thứ 3 tại CLB Incheon United và Gangwon FC. Nếu như không sang Hàn Quốc, Xuân Trường sẽ khó mà vỡ ra những điểm cần khắc phục từ những nhận xét của HLV. Đó là cần bổ sung sự nhanh nhẹn, khả năng tranh chấp tay đôi với cầu thủ Hàn Quốc và ý thức trong phòng ngự. 

Tuyển thủ Quế Ngọc Hải được đánh giá là đủ trình độ thi đấu tại nước ngoài. Ảnh: Trung Kiên

Theo chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế, hiện nay cầu thủ có đủ khả năng sang nước ngoài thi đấu nhất chính là Văn Thành. Hậu vệ của HAGL có chiều cao khá, đầm người, tì đè, dám đua tốc độ và quan trọng hơn cả là nhạy cảm với bóng một cách bẩm sinh. Nếu được sang nước ngoài thi đấu, cơ hội phát triển của cầu thủ này là rất lớn. Hơn ai hết, ĐTQG sẽ hưởng lợi từ việc có nhiều tuyển thủ đang thi đấu tại các quốc gia khác.

Ngoài ra, một cầu thủ khác cũng đủ đẳng cấp chơi bóng tại châu Âu là Quế Ngọc Hải. Trung vệ của SLNA có đẳng cấp và sức mạnh tiềm ẩn khi được bố trí đá tự do. Hạn chế duy nhất của Ngọc Hải chính là chiều cao. 

Thi đấu tại nước ngoài không chỉ giúp họ có điều kiện cọ xát, học hỏi mà chế độ đãi ngộ và điều kiện phát triển sau này cũng rất “sáng cửa”. Các CLB tại Thái Lan đang "nhòm ngó" đến Xuân Trường, còn Văn Thanh đang lọt vào tầm ngắm của CLB Vojvodina (Serbia), và chắc chắn còn rất nhiều cầu thủ khác có đủ khả năng.

Thiết nghĩ, nếu chỉ gò bó tại sân chơi V.League, tài năng và khả năng của họ sẽ bị giới hạn. Càng nguy hiểm hơn nếu họ thi đấu tại một CLB không có tham vọng hoặc chỉ dừng lại ở mục tiêu trụ hạng. Nên nhớ rằng, số lượng cầu thủ Thái Lan đang thi đấu tại châu Âu và Nhật Bản đang gấp bội Việt Nam, và đó là dấu hiệu của một nền bóng đá đang phát triển từng ngày.

Trung Kiên

TIN LIÊN QUAN