(Baonghean) - Mặc dù 6 tháng đầu năm 2012 thị trường thế giới và trong nước khó khăn, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu biến động phức tạp, sức mua giảm mạnh, song các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu Nghệ An vẫn nỗ lực đạt mức tăng trưởng khá, thậm chí có doanh nghiệp chạm đích chỉ tiêu xuất khẩu cả năm 2012.

Nhờ nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ theo hướng chủ động hội nhập quốc tế nên hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh 6 tháng đầu năm nay đạt 254 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu gồm: dăm gỗ tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh, chủ lực với gần 27 triệu USD; sắn và tinh bột sắn số lượng trên 60.000 tấn, kim ngạch đạt 25 triệu USD; đá các loại đạt 11,5 triệu USD. Lĩnh vực dệt may với nhiều doanh nghiệp được đầu tư đi vào hoạt động hiện đã có hàng xuất khẩu và đạt khá với 3,2 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là gạo tẻ tăng 153%, hạt tiêu tăng trên 700%, cao su tăng 25%, đường kính tăng 369%, sản phẩm nhựa plastic tăng 102%...

Thủy sản - mặt hàng đạt kim ngạch khá trong 6 tháng đầu năm 2012.

                                                                       Ảnh: Trường Sinh

Anh Võ Minh Tuấn – Phó Phòng quản lý XNK (Sở Công thương) cho rằng, đây chính là khoảng thời gian thử sức bền và năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đã biết lách qua khe cửa hẹp, củng cố thị trường tiềm năng, mở rộng thị trường mới, phát huy thế mạnh của những những ngành hàng, lĩnh vực của địa phương để tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 59%, kinh tế tập thể tăng 15%, kinh tế nhà nước tăng 13%, khu vực kinh tế tư nhân tăng 7%.

Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu phải kể đến doanh nghiệp Thanh Thành Đạt, 6 tháng đầu năm 2012, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 18 triệu USD. Kế đó là các doanh nghiệp: Công ty CP TM Bắc Hồng Lam với 7 triệu USD, Công ty CP chế biến thực phẩm Hoàng Long đạt gần 6 triệu USD; Công ty CP XNK Nghệ An 5,3 triệu USD... Nếu như trước đây xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhiều năm liền kim ngạch đì đẹt, thậm chí không xuất được lô hàng nào thì thời gian qua đã có nhiều cố gắng tìm kiếm bạn hàng, xuất khẩu đạt khá. Trong đó, điển hình có Công ty TNHH Chế biến phụ phẩm Thủy sản Xuri Việt – Trung 6 tháng đầu năm xuất khẩu 5.310 tấn, đạt 4,6 triệu USD.

Tuy nhiên, bên cạnh một số lĩnh vực, doanh nghiệp tăng trưởng tốt thì vẫn còn những sản phẩm được coi là tiềm năng lợi thế của Nghệ An nhưng chưa thực sự phát huy tốt. Chẳng hạn, mặt hàng lạc nhân là sản phẩm truyền thống của địa phương nhưng khó khăn đầu ra, giá cả trong nước cao so với thị trường nên xuất khẩu chính ngạch gặp khó khăn, hầu hết sản phẩm được thu gom bán cho tư thương xuất theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc, đầu ra bấp bênh. Một số doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lạc truyền thống cũng đã có giao dịch với các bạn hàng từ một số nước Asean khác như Indonesia, Singapore, Malaysia... nhưng rất ít hợp đồng được ký kết vì giá lạc Nghệ An cao hơn giá lạc của Ấn Độ. Và hiện tại, cũng chưa thấy doanh nghiệp ngoại tỉnh nào vào Nghệ An thu mua lạc nhân xuất khẩu. Ngoài ra, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tình hình đơn hàng khan hiếm, chi phí nhân công tăng, lãi suất vay vốn ngân hàng ở mức cao và khó tiếp cận, sản phẩm tiêu thụ chậm, đơn hàng xuất khẩu giảm, đặc biệt ở thị trường EU...

Trên đà tăng trưởng về xuất khẩu 6 tháng đầu năm, nhận định những khó khăn về kinh tế - tài chính, sản xuất, kinh doanh thời gian tới, các doanh nghiệp đều đặt chỉ tiêu phấn đấu 6 tháng cuối năm đạt và vượt kế hoạch xuất khẩu. Để đạt mục tiêu đề ra, về phía các doanh nghiệp, tùy theo điều kiện và thế mạnh của mình để đưa ra các biện pháp cụ thể đẩy mạnh xuất khẩu, giải phóng hàng hóa…

Đối với Sở Công thương cũng có giải pháp ưu tiên tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định và đẩy mạnh sản xuất. Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay và ưu tiên các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, bình ổn giá, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh hoạt động thương mại-dịch vụ, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích sử dụng sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp khác trên địa bàn… cũng chính là giải pháp góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, ổn định sản xuất.

Thu Huyền