Thái Lan xả gạo dự trữ là một trong những yếu tố được xem là ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo thế giới trong đó có Việt Nam.

Quyết định mở bán 11,4 triệu tấn gạo lưu kho của Chính phủ Thái Lan được Ủy ban Chính sách lúa gạo Quốc gia Thái Lan phê chuẩn từ tháng 4 vừa qua. Việc xả bán này đã diễn ra trong suốt tháng 6. Trung bình mỗi phiên đấu giá, nước này bán ra khoảng 1 triệu tấn gạo, với hy vọng thu về 100 tỷ baht, tương đương 2,86 tỷ USD nhằm bù vào khoản lỗ trước đó mà nước này gánh chịu trong đợt mua gạo dự trữ.

Việt Nam vẫn đang tích cực tìm thị trường để xuất khẩu gạo. (Ảnh minh họa: KT)

Trong khi nhiều nước vẫn còn “hoang mang” về việc Thái Lan xả một khối lượng gạo khổng lồ như vậy thì những ngày đầu tháng 7, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ tiếp tục đấu giá 1,1 triệu tấn gạo dự trữ với giá cao. Bên cạnh đó, nước này sẽ tiếp tục giải phóng lượng gạo tồn kho bằng nhiều cách, kể cả việc mở đấu thầu cho khu vực tư nhân và các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Trước tuyên bố như vậy của Thái Lan, nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam lo ngại rằng, Thái Lan luôn duy trì lượng gạo tồn kho với số lượng lớn. Đây là một trong những yếu tố được xem là ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo thế giới trong đó có Việt Nam.

Tuy vậy, việc nước này xả lượng gạo tồn kho lớn trong bối cảnh hiện nay cho thấy tình hình thị trường gạo thế giới sẽ biến động khó lường. Các cơ quan liên quan cần có những giải pháp linh hoạt, chủ động trong công tác điều hành, tăng cường theo dõi sát thị trường để nắm chắc thông tin thị trường, chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, để tránh bị động bởi việc xả bán gạo của Thái Lan, trước hết, Việt Nam cần thu thập thông tin chính xác, xem xét đánh giá kỹ lưỡng từng động thái của các quốc gia xuất gạo, nhu cầu, diễn biến của từng thị trường nhập khẩu mặt hàng thiết yếu này và từ đó đề ra các biện pháp cụ thể, phù hợp để ứng phó…

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN