(Baonghean) - Ở các đảo nổi thuộc huyện đảo Trường Sa chưa trồng được mai, đào hay bất kỳ một loại hoa cảnh nào, nhưng khi Xuân về, trên những cây phong ba, bão táp, bàng vuông... lộc non đã biếc, chùm hoa đua nở. Thân phong ba sần sùi, oằn khúc khuỷu lại sinh ra những chùm hoa trắng nhỏ li ti đơm dày như mâm cốm. Cây bàng vuông khỏe khoắn, trái to vuông vức như chàng lực điền, ấy vậy mà lại thẹn thùng nẩy hoa vào giữa đêm, tim tím, tỏa hương khắp đảo; có ai soi đèn mới trộm thấy đài hoa xòe ra hàng trăm sợi noãn tơ phớt hồng, kiêu sa trong gió biển. Rồi sắc vàng hoa cây bão táp, tím biếc hoa muống biển... tạo nên hương sắc hoa Xuân riêng có của Trường Sa !

Trước cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây, kỳ đài tung bay dưới trời xanh thắm, cành mai cất giữ từ mùa đông được đưa ra, lính ta xúm xít dán hoa, treo thiệp... Lũ trẻ ồn ã đuổi nhau, bố mẹ tất bật chuẩn bị cho tiết mục dự đêm liên hoan văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân của đảo. Bộ phận anh nuôi nhộn nhịp khua dao thớt, "sò biển cô đơn", "ốc nhảy" và "cầu gai"... là đặc sản biển ban tặng cho bữa tiệc đón giao thừa.

Xuân về trên đảo Song Tử Tây

Những ngày cuối đông, lá rụng nhiều, trời chưa sáng, tiếng chổi cọng dừa đã khua khắp đảo Nam Yết, chỉ một loáng mọi ngả đường đã sạch. Sân bóng chuyền đã giăng lưới, khung thành sân bóng mi ni sẵn sàng cho cuộc "tỷ thí" giữa Tuyển lính đảo và Tuyển các nhà báo đến công tác. Được "chấp 2 trái" nhưng cánh nhà báo vẫn không đua nổi với những cặp giò của lính. Thua, mệt, nhưng "báo" rất vui vì được chơi Xuân trên mảnh đất giữa trùng khơi này. Rồi tiếp đến giao hữu bóng chuyền, kéo co. Khắp đảo vui như ngày hội.

Hội thi kéo co ở đảo Nam Yết.

"Đảo này là của ta, biển trời này là của ta...".

Đảo Sơn Ca chưa có dân, chỉ có lính, nhưng náo nhiệt và ấm cúng chẳng thua gì đảo khác. Đêm giao lưu văn nghệ, lính đảo và nhà báo cùng hát: "Đảo này là của ta, biển trời này là của ta...". Rồi họ tặng cho nhau những bông hoa bàng vuông tim tím. Nhạc sỹ Huỳnh Liên (Hội VHNT Khánh Hoà) vừa đặt chân lên đảo, sau một đêm đã có nhạc phẩm "Đêm Sơn Ca và tình yêu người lính đảo". Anh tự hát tặng lính: "Đêm Sơn Ca không có tiếng chim ca, chỉ có tiếng hát của người canh giữ đảo, lời yêu thương gửi về cuối chân trời...".

Những mầm xuân trên đảo.

Hoa bàng vuông kiêu sa diễm lệ.

Vừng đông vừa hừng sáng, ngoài bờ kè mép đảo, công trường đã rộn tiếng máy múc máy trộn bê tông đổ kè mở rộng đảo. Ngày mai, một ngôi chùa Sơn Ca sẽ mọc lên, sẽ đón người dân ra đảo sinh sống. Chiều chiều, tiếng chuông chùa sẽ ngân lên giữa biển Đông bao la, như lời ngàn xưa vọng về...

Bài, ảnh: Minh Thông