Tất cả những ai biết đến Việt Nam đều ngưỡng mộ những thành tựu hiện đại, sự phát triển nhanh chóng và sự gia tăng uy tín, tự hào là trong đó có sự đóng góp nhỏ bé của họ. Như ông Nikolay Kolesnik, Chủ tịch Tổ chức Liên khu vực Các cựu chiến binh tham gia chiến tranh tại Việt Nam, người chúc nhân dân Việt Nam năm mới một cuộc sống thịnh vượng và bầu trời luôn hòa bình. Như cụ Sofia Korchikova, người vừa mừng sinh nhật lần thứ 93 vào ngày 11 tháng 2, cụ chính là cô giáo dạy tiếng Nga cho nhóm lớn các nam thanh nữ tú Việt Nam đầu tiên đến Moskva vào năm 1954 xa xôi. Sau này, họ trở nên nổi tiếng khắp cả nước như những học giả và nhà văn, nắm giữ các vị trí cao trong chính phủ, trong kinh tế và văn hóa.
Nhưng đối với cụ Sophia Korchikova họ vẫn là những sinh viên thân yêu, còn cụ đối với họ, những chuyên gia tóc đã muối tiêu là người thầy mà họ luôn duy trì liên lạc chặt chẽ. Như Nikolai Balyasnikov - một cựu giáo viên của Học viện Cảnh sát LB Nga, người đã đào tạo không chỉ vài chục cán bộ an ninh của Việt Nam. Hai năm trước, ông cùng với các giảng viên đồng nghiệp đã đến thăm Việt Nam như những vị thượng khách, gặp gỡ các cựu sinh viên giờ đây đã là những quan chức cấp cao trong Bộ Công an Việt Nam. Nguyên Bộ trưởng nay là Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang từng phát biểu ghi nhận, Liên Xô và Nga đã có những đóng góp không nhỏ trong việc hình thành hệ thống đảm bảo trật tự an ninh của đất nước.
Đại sứ cũng lưu ý đến sự hợp tác thành công giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, sự phát triển tích cực quan hệ kết nghĩa và đối tác giữa các thành phố, tỉnh và vùng lãnh thổ của Việt Nam với Nga, nhiều hoạt động chung thú vị trong lĩnh vực văn hóa, ngoại giao nhân dân, tăng trưởng trao đổi du lịch.
"Các nhà khoa học Nga đang có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Việt Nam, chúng tôi mong tiếp tục sự hợp tác này," - bà Phạm Thanh Xuân, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam về Khoa học và công nghệ nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Một ví dụ về hợp tác trong khoa học nhân văn là tập san của các học giả Nga và Việt Nam được công bố gần đây bởi Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN Viện Nghiên cứu phương Đông Viện HLKH với nhan đề "Văn hóa và nghệ thuật của Việt Nam". Tập san được ông Evgeny Kobelev, chuyên gia hàng đầu của trung tâm đã trao tặng Đại sứ.
Nhưng mọi người đều hiểu rằng những kết quả đạt được vẫn còn rất xa với tiềm năng thực sự của cả hai nước. Để khai thác những tiềm năng ấy cần làm việc nhiều hơn. Tham khảo, tìm hiểu những thực tại mới của nhau. Và ở đây, các nhà Việt Nam học phải đóng góp vai trò quan trọng. Năm nay, nhóm sinh viên học tiếng Việt đầu tiên đã xuất hiện tại một trong những trường ngoại ngữ hàng đầu ở Nga - Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moskva.
Như giáo viên tiếng Việt, bà Elena Zubtsova cho biết, "các bạn trẻ đã đem lòng yêu Việt Nam và mong muốn trở thành các chuyên gia có trình độ cao về đất nước này".
Trường đã ký thỏa thuận trao đổi sinh viên với ba trường đại học tại Việt Nam, chẳng bao lâu nữa, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ đón các nhà Việt Nam học người Nga tương lai sang thực tập, còn Moskva đón các nhà Nga học trẻ người Việt.
Một trang liên lạc quan trọng khác giữa hai nước là những người Việt Nam đang sinh sống ở Nga.
"Chúng tôi đang chờ đợi mùa Xuân mới và mong Tết Mậu Tuất mang cho tất cả chúng ta sức khỏe, sự ổn định và tiến bộ trong công việc. Chúng tôi hy vọng sự trỗi dậy của nền kinh tế Nga sẽ tác động đến đời sống của người Việt Nam tại Nga, nâng cao hiệu quả sự hợp tác Nga-Việt," -bà Phạm Thị Thúy Quỳnh, Thư ký Hội người Việt Nam tại LB Nga cho biết.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh đã bày tỏ cảm xúc của đại đa số đồng bào bằng những lời sau: "Hàng triệu người Việt Nam dành tình yêu và quý mến cho nước Nga, văn học Nga và tính cách Nga: cả những người đã từng theo học ở Nga và những người chưa bao giờ có dịp đến đây. Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên sự trợ giúp to lớn và hiệu quả mà đất nước của các bạn đã mang lại cho chúng tôi trong những năm chiến tranh và bây giờ trong xây dựng phát triển đất nước. Tình hữu nghị của chúng ta là một tài sản giá trị mà chúng ta phải truyền cho các thế hệ tương lai. Biểu hiện chứng minh là trong các cuộc hội đàm năm ngoái Chủ tịch Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định tổ chức chéo Năm Việt Nam ở Nga và Năm Nga tại Việt Nam vào năm 2019".
Trước năm hoạt động chéo Nga và Việt Nam còn một năm Mậu Tuất. Chúng tôi rất hy vọng đây sẽ là năm thành công đối với hai nước và sự hợp tác của chúng ta. Và chúng tôi hứa sẽ góp phần nhỏ bé của mình vào công việc này.