(Baonghean) - Với nhiều người, con đường Đặng Thái Thân hiện là “thiên đường” mua sắm, sành điệu với cơ man nào là cửa hàng quần áo, giày dép. Nhưng với riêng tôi, con đường này lại là nơi gợi nhớ những ký ức tuổi thơ với những tiệm may nho nhỏ và đôi ba chiếc máy may kêu xành xạch suốt 4 mùa…
Một nửa quãng thời gian tuổi thơ của tôi gắn liền với cửa hàng may vá trên con đường Đặng Thái Thân. Mỗi khi mẹ đi làm tôi lại được gửi lại đây. Đồ hàng của tôi là những vải vóc, kim khâu, chỉ nhiều màu. Đó là tiệm may của dì tôi. Vốn khéo tay lại tỉ mỉ, dì tôi nhanh chóng bén duyên với nghề may, rồi cũng từ đó mà nên duyên vợ chồng với một người thợ may có tiếng trên con phố bụi bặm này.
Tôi đã không biết những năm tháng ấy, tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc đến cỡ nào, nhưng tôi thực sự có một thế giới của riêng mình và chìm đắm trong đó với cơ man quần áo mà tôi khâu vá cho những con búp bê nhỏ nhắn, đáng yêu. “Nguyên liệu” của tôi là những thẻo vải thừa, cuộn chỉ xanh đỏ, rồi thước, phấn… Cửa hàng của chú dì tôi nhỏ nhưng chưa bao giờ vắng khách hàng.
Tôi nhìn thấy rất đông các bà, các mẹ, các chị thường xuyên đến may quần áo. Và họ còn đến để được dì tôi sửa lại măng - sét, khuy áo… Thậm chí vì tiếc đồ mặc hãy còn mới, người ta yêu cầu cắt xén làm áo tay ngắn, cánh dơi. Cứ thế, chú dì tôi chẳng mấy khi ngơi tay nhưng cũng chưa bao giờ tôi thấy nụ cười thiếu vắng trên môi họ. Từng người khách đến rồi đi, và chưa ai phàn nàn một lời về những bộ quần áo mà chú gì tôi cất công may đo, sửa chữa.
Bên khung cửa sổ ngập tràn ánh sáng, chăm chú nhìn dì tỉ mỉ với những đường may hay vắt sổ cho khách, lâu lâu lại được sai mang cái nọ, lấy cái kia khiến một đứa bé như tôi cảm thấy hãnh diện lắm. Bởi tôi nghĩ tôi cũng đã góp một tay giúp dì làm nên một “tác phẩm thời trang” như lời chú tôi vẫn nói. Nhưng tôi cũng đã dành phần lớn thời gian cho “công việc” của mình.
Tôi thường lui về một góc nhỏ, rồi lấy những mảnh vải thừa cùng ít kim chỉ để may áo cho em búp bê là món quà bố gửi về từ Tiệp Khắc. Ôi chao! Mỗi khi được khoác “bộ cánh” do tôi may sao mà nó xinh xắn, đáng yêu đến thế. Tôi dám chắc ngày đó cả con phố Đặng Thái Thân không có đứa bạn nào may mắn như tôi.
Một thời tiệm may ở thành phố Vinh mọc lên như nấm, may mặc là nghề “hot” của một lớp thị dân. Cũng nhờ sau những năm 90 của thế kỷ trước, cuộc sống đã khá dần lên, cái ăn không còn là gánh nặng nên người ta chú trọng cái mặc. Những quần côn, quần thụng rồi áo cánh dơi, cánh chuồn làm nóng cả một quãng thời gian. Cửa hàng may mặc chưa bao giờ nhộn nhịp đến vậy.
Ở phố Đặng Thái Thân, chú dì tôi cũng có những ngày bận rộn lắm. Nhưng rồi nghề mở tiệm may đã thoái trào khi cuộc sống đã bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn. Thay cho những tiệm may là các cửa hàng bán đồ may sẵn, đồ ăn, giải khát… Họa hoằn chỉ những nhà may có tiếng, có đổi mới, sáng tạo mới trụ lại được trong xu thế công nghiệp.
Chắc từ bé đã có chút duyên với nghề may, nên tôi thường tìm thấy một thứ gì đó thật thân quen mỗi lần đặt chân vào các cửa hàng như thế trên đường Đặng Thái Thân. Thân quen từ những cái máy may, máy vắt sổ cho đến từng cuộn chỉ, viên phấn. Rải dọc khắp con đường Đặng Thái Thân hiện có hơn chục tiệm may sửa quần áo. Tiệm có sớm đã ngót nghét 15 năm, tiệm mới đã vài ba năm. Thế nên, nếu gộp cả những cửa hàng quần áo may sẵn, shop thời trang, lẫn tiệm may - sửa quần áo có lẽ không đâu ở Vinh nhiều như con phố này. Tôi vẫn hay nói với lũ bạn của mình, đây đích thực “là phố làm đỏm”.
Cũng chẳng biết từ bao giờ, tôi đã thành khách quen với nhiều thợ may trên con đường này. Có đôi lúc, tôi ghé qua như để mong tìm lại chút ký ức tuổi thơ hoặc để được nghe chị thợ may kể dăm ba câu chuyện vui buồn của nghề. Biết làm sao được khi cái thời huy hoàng của nghề may đã qua rồi. Giờ đây người ta ưa chuộng dùng đồ may sẵn hơn dẫu nó có nhanh hỏng.
Cuộc sống hiện đại, cũng đặt ra yêu cầu mọi người năng động hơn và trang phục cũng đáp ứng nhu cầu đó. Tình thế ấy buộc nhiều thợ may chuyển hẳn sang làm nghề sửa chữa quần áo. Có những người ra chợ, tìm một chỗ vài mét vuông, đặt chiếc máy khâu, dăm cuộn chỉ, nếu chân đạp từ sáng đến tối cũng được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Những người khác vẫn không chịu rời con phố xưa.
Họ nhường cái vị trí đắc lợi cho các shop, cửa hàng lớn nhưng vẫn dành ra một góc cho riêng mình để đặt chiếc máy khâu phục vụ cho những ai cần đóng khuy áo, cắt ngắn ống quần hàng hiệu. Công việc không có gì là nặng nề, nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo; loay hoay cũng kín ngày. Hỏi vài người rằng tại sao không tìm nghề khác để có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn. Câu trả lời tôi nhận được luôn là cái lắc đầu. Đơn giản vì họ hãy còn yêu nghề này lắm. Kể cả khi “năm thì mười họa” mới có dăm ba khách quen đặt may áo, quần hoặc may đồ mặc ở nhà cũng đã khiến người thợ may hài lòng.
Phố Đặng Thái Thân giờ đây là một trong những con phố tấp nập nhất thành Vinh. Giới trẻ thường đến đây để mua sắm, đóng bộ thời trang cho mình. Giữa những ồn ào của con phố, thi thoảng tôi vẫn nghe âm thanh lách cách, rè rè quen thuộc của bác thợ may già thay đạp guồng máy may bằng nhấn ga mô tơ điện. Tôi cứ mường tượng ra đâu đó có “tác phẩm thời trang” của cô bé còi cọc ngồi trong góc tiệm. Chỉ đơn giản thế, đã thấy yên bình kỳ lạ; mà yêu con phố ấy đến nhường nào.
Chu Thanh