Ngày 15/9, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề, cho ý kiến về 9 dự án Luật.

Đảm bảo điều kiện làm việc và tiền lương cho người lao động

Đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời giờ làm thêm vẫn giữ như quy định hiện hành, tối đa 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ được tăng lên thành 6 tháng.

Về tuổi nghỉ hưu, Bộ này cho rằng đối với người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động thì nên giữ như quy định hiện hành, 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ, tuy nhiên trong thời gian tới cần tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: dự án luật đã quy định tương đối toàn diện, tôn trọng và đề cao quyền tự chủ của người lao động, phù hợp với công ước quốc tế.

Các thành viên Chính phủ cho rằng thời giờ làm thêm nên giữ như hiện hành, quy định thời gian làm thêm tối đa 200 giờ/năm, tuy nhiên, để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp mang tính đặc thù như dệt, may, da giày, chế biến thủy sản thì Chính phủ cần có quy định riêng về thời gian làm thêm tối đa 300 giờ/năm.

Việc đề xuất nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng với lao động nữ, theo nhiều đại biểu, là phù hợp, tạo điều kiện tăng cường và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em sơ sinh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến trường hợp phụ nữ có nhu cầu đi làm sớm mà các bác sỹ khẳng định đạt yêu cầu về sức khỏe thì nên tạo điều kiện để họ được làm việc.

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các thành viên Chính phủ. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, nên giữ như quy định hiện hành 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ, có thể tăng độ tuổi nghỉ hưu tùy theo từng trường hợp. Phụ nữ đến 55 tuổi có quyền nghỉ hưu chứ không buộc phải nghỉ hưu.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đề nghị không nên quy định tuổi nghỉ hưu với những người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước và hành chính sự nghiệp vì không thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật này mà thuộc diện điều chỉnh của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Một số đại biểu cũng thống nhất với ý kiến này, cho rằng tuổi nghỉ hưu của cán bộ công chức, viên chức nên điều chỉnh theo hai Luật trên.

Một vấn đề đặt ra là nếu giữ nguyên tuổi nghỉ hưu nam 60, nữ 55 đối với cán bộ, công chức, viên chức thì lại lãng phí nguồn lực, trí tuệ bởi nhiều người ngoài 50 tuổi mới bảo vệ xong luận án tiến sỹ, chỉ làm việc thêm vài năm là đã nghỉ hưu.

Nhưng nếu quy định tăng tuổi nghỉ hưu thì ảnh hưởng đến một loạt yếu tố khác như giải quyết việc làm, quy hoạch cán bộ… Vậy quy định thế nào là hợp lý? Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề xuất cần quy định mở rộng hơn nữa, một số nghề đặc thù cần kéo dài tuổi lao động, quy định rõ cái gì áp dụng với công chức viên chức, cái gì để các luật chuyên ngành quy định.

Còn đại diện các Bộ Xây dựng, Y tế, Ủy ban Dân tộc thì cho rằng dù giữ nguyên tuổi nghỉ hưu nhưng cũng cần có quy định mềm hơn, áp thêm cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 25 năm với nữ, 30 năm với nam, đủ thời gian đóng bảo hiểm là được đảm bảo chế độ lương hưu, không trừ phần trăm lương hưu để tránh thiệt thòi cho họ. Tuổi nghỉ hưu có thể kéo dài nhưng không quá 5 năm. Những người có trình độ thì do thủ trưởng đơn vị quyết định.

Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ủy ban Dân tộc cũng khẳng định: công chức viên chức cũng là người lao động, cần quy định làm sao để mọi đối tượng đều chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật này.

Cũng liên quan đến Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề đối thoại tại nơi làm việc, đình công, đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn.

Kết luận phần đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu để sửa đổi những vấn đề hết sức bức thiết. Những gì đang thực hiện thí điểm thì không đưa vào Luật.

Về thời giờ làm thêm, cần cân nhắc kỹ hơn vì nhiều người muốn làm thêm để có thêm thu nhập, cái quan trọng là quy định thế nào để đảm bảo điều kiện làm việc và tiền lương cho người lao động. Về nghỉ thai sản với lao động nữ, nên quy định sao cho “mềm” hơn, gắn với thực tiễn, khi người phụ nữ khỏe mạnh, có nhu cầu đi làm, điều kiện cho phép thì phải mở ra cho họ.

Thủ tướng cho rằng ai cũng là người lao động, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động, vì vậy cần coi đây là bộ luật gốc, cần đưa ra một nguyên tắc để các luật khác điều chỉnh cho dễ. Bộ luật này nên quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi được quyền nghỉ hưu, còn người có đào tạo, trình độ cao, tự nguyện làm việc và được người sử dụng lao động chấp nhận thì được kéo dài tuổi nghỉ hưu, còn kéo dài tới bao nhiêu thì do luật quy định. Mỗi lĩnh vực sẽ có quy định kéo dài tối đa là bao nhiêu, do cấp có thẩm quyền quyết định.

Tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính

Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày cho thấy có 6 vấn đề còn có ý kiến khác nhau về việc bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống các nghị định quy định về xử phạt hành chính; giao Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không quy định biện pháp “đưa vào cơ sở chữa bệnh” là biện pháp xử ký hành chính; tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, đại diện hợp pháp của đối tượng vi phạm đối với một số vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt; xác định cơ quan có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi phạm trong các lĩnh vực giao thông, môi trường và trật tự quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.

Các thành viên Chính phủ cho rằng mức phạt tiền cao hơn gấp 2 lần là không đủ sức răn đe, đã vi phạm là phải phạt rất cao. Bên cạnh đó, quy định này được đưa thẳng vào Luật là không nên mà nên để Chính phủ quy định cụ thể, điều chỉnh linh hoạt trong từng thời điểm khác nhau.

Văn phòng Chính phủ đề nghị về lâu dài cần giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhưng việc chuyển giao cần có lộ trình, bước đi thích hợp, không nên quy định cứng thời điểm chuyển giao trong Luật mà nên giao Chính phủ xem xét, quy định.

Trước mắt, tiếp tục giao cho cơ quan hành chính cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp trên, đồng thời cần bổ sung các quy định cần thiết để việc xử lý được công khai, minh bạch, công bằng, chính xác.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp thu các ý kiến và chỉnh sửa lại dự thảo Luật cho phù hợp.

Cần có chế tài nghiêm khắc đối với quảng cáo sai sự thật để bảo vệ người tiêu dùng

Theo Tờ trình về dự thảo Luật Quảng cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, hoạt động quảng cáo ở nước ta đã có bước phát triển mạnh với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, sự mở rộng về hình thức, quy mô và công nghệ.

Việc đầu tư kinh phí cho hoạt động quảng cáo hàng hóa, dịch vụ được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quan tâm. Do nhu cầu quảng cáo ngày càng tăng nên nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện và phát triển mạnh, đặc biệt là quảng cáo trên Internet và các phương tiện điện tử.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về quảng cáo ở nước ta đang có những bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của hoạt động quảng cáo trong nền kinh tế thị trường. Văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật về quảng cáo là Pháp lệnh Quảng cáo được ban hành từ năm 2001.

Bên cạnh đó, một số quy định về quảng cáo trong các lĩnh vực chuyên ngành vẫn được quy định tại nhiều văn bản Luật khác nhau, vì vậy việc áp dụng các quy định còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau… Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển quảng cáo cũng như những bất cập của hệ thống văn bản hiện hành thì việc ban hành Luật Quảng cáo là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đa số các thành viên Chính phủ cho rằng cần thiết ban hành Luật Quảng cáo để điều chỉnh toàn diện hoạt động quảng cáo ở nước ta hiện nay. Các thành viên Chính phủ đề nghị giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quảng cáo. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu quảng cáo phải trung thực với chất lượng sản phẩm được quảng cáo, không được quảng cáo sai sự thật và cần có chế tài nghiêm khắc đối với quảng cáo sai sự thật để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, quảng cáo không được trái với văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam .

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, điều 10, khoản 4 quy định về quảng cáo sai sự thật, điều 15 chương II quy định về nghĩa vụ của người quảng cáo còn đơn giản, nhất là thực tế hiện nay quảng cáo có ấn tượng rất mạnh đối với xã hội, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm.

Phó Thủ tướng cho rằng để kiểm soát được chất lượng sản phẩm quảng cáo, cần quy định vào Luật nội dung cơ quan có thẩm quyền xác nhận chất lượng sản phẩm, tránh sau này không kiểm soát được, đồng thời cần quy định rõ chế tài xử phạt nếu vi phạm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có sự phối hợp giữa các Bộ liên quan trong thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo; Quy định về thời lượng quảng cáo trong Luật còn mâu thuẫn, ban soạn thảo cần xem xét chỉnh sửa; cần thống nhất thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không quá 7% thời lượng chương trình…

Các thành viên Chính phủ cũng cho nhiều ý kiến vào các dự thảo Luật: Phòng chống tác hại của thuốc lá; Tài nguyên nước (sửa đổi); Giáo dục đại học; Phòng chống rửa tiền; Giá; Bảo hiểm tiền gửi. Các ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ sẽ được các cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu để chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo luật…/.


(Theo TTXVN/Vietnam+)